Làm giàu từ nuôi gà thịt
- Cập nhật: Thứ tư, 1/4/2015 | 9:28:57 AM
YBĐT - Nhắc đến anh Hoàng Huy Tuấn ở thôn 3, thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên), ai cũng biết đến bởi anh là một trong những thanh niên tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế giỏi địa phương với mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ nuôi gà thịt. Sinh năm 1987, sau khi học tốt nghiệp THPT, Hoàng Huy Tuấn tham gia xuất khẩu lao động tại Malaysia.
Anh Hoàng Huy Tuấn chăm sóc đàn gà.
|
2 năm lao động vất vả bên xứ người mà cũng không tích cóp được nhiều,Tuấn trở về quê hương với quyết tâm làm giàu ngay chính trên mảnh đất của gia đình mình. Sau khi nghiên cứu, học tập nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả của thanh niên trên địa bàn huyện, đến đầu năm 2010, anh quyết định đầu tư chuồng trại, phát triển nuôi gà thương phẩm. Nhờ chịu khó mày mò học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi nên mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh phát triển rất hiệu quả.
Từ buổi đầu chỉ dám chăn nuôi quy mô 150 con/lứa, đến nay, gia đình anh đã mở rộng quy mô lên 5.000 con. Năm 2014, bán hết 5.000 con gà thịt, trừ chi phí, gia đình anh cũng lãi trên 300 triệu đồng. Không chỉ cung cấp cho thị thường trong tỉnh, sản phẩm chăn nuôi của gia đình anh còn xuất bán đi các chợ đầu mối như: Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Hà Vĩ, Thường Tín (Hà Nội). Bên cạnh đó, anh còn giúp gần 20 bạn đoàn viên thanh niên trên địa bàn thị trấn và các xã lân cận về con giống, kỹ thuật chăn nuôi gà thương phẩm, đồng thời đứng ra giúp các bạn tiêu thụ sản phẩm gà thịt thương phẩm chăn nuôi được.
Anh Nguyễn Tiến Sơn, thôn 8, xã Minh Quán (huyện Trấn Yên) cho biết: “Nhờ anh Tuấn tận tình hướng dẫn về kỹ thuật và cách phòng bệnh mà gia đình tôi đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi tại gia đình lên gần 1.000 con gà giống/năm. Nếu không có anh Tuấn tạo điều kiện cho ứng gà giống nuôi trước trả tiền sau thì tôi cũng không dám nuôi nhiều như vậy. Anh còn giúp gia đình tiêu thụ hết số gà nuôi được. Năm vừa qua, gia đình tôi cũng có thu nhập trên một trăm triệu đồng từ nuôi gà. Tôi dự định mở rộng mô hình nuôi gà thịt thương phẩm của mình lên 2.000 con trong năm nay”.
Đến nay, gia đình Tuấn đã có 3 khu chuồng trại chăn nuôi gà thịt, mỗi chuồng trại rộng khoảng trên 150m2 với tổng diện tích khoảng 500m2. Tuấn chia sẻ: “Việc phòng bệnh cho gà rất quan trọng, phải tiêm ngừa, cho uống thuốc, nếu thấy gà có dấu hiệu bị bệnh phải kịp thời cách ly để khỏi lây lan đến con khác. Ngoài ra, vào lúc chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột hay mùa đông giá rét, cần cho ăn nhiều hơn và sưởi ấm kịp thời, mùa này gà cần nhiều năng lượng để hoạt động và tăng sức đề kháng, ngoài các loại thức ăn có sẵn trong nhà như lúa, sắn, gia đình còn cho gà ăn thêm các loại bột và thức ăn công nghiệp khác. Nước uống cũng phải sạch sẽ, không có nguồn bệnh và phải thay nước thường xuyên”. Đặc biệt, anh thường xuyên tham khảo các loại sách hướng dẫn chăn nuôi, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ chăn nuôi có hiệu quả nhằm tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm để chăn nuôi.
Theo anh Tuấn, việc phát triển chăn nuôi gà thịt với quy mô trên dưới 1.000 con là không khó. Cái khó nhất của người chăn nuôi là thiếu kiến thức khoa học, kỹ thuật cũng như khả năng dự đoán, nắm bắt thị trường để tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao, chưa bền vững. Dự định của anh sẽ mở rộng chuồng trại và đàn vật nuôi lên số lượng 7.000 con gà thịt thương phẩm để đưa ra thị trường dịp cuối năm nay.
Quyết Thắng
Các tin khác
YBĐT - Đó là Triệu Thị Mùi Mấy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Yên Bái, Chi hội Phó Chi hội Phụ nữ thôn Minh Long, xã Tuy Lộc và hiện tại đang là nhóm trưởng của nhóm hộ có mô hình sản xuất nấm sò và nấm nhĩ.
YBĐT - Dù đã ở cái tuổi 69 nhưng ông Nguyễn Hữu Lưu ở tổ dân phố 12, phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) vẫn miệt mài lao động. Hiện nay, gia đình ông có một cơ sở vừa sản xuất gạch không nung, sản xuất chế biến gỗ rừng trồng mỗi năm cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng.
YBĐT - Xuất ngũ năm 1976, ông Hoàng Văn Tuất trở về với gia đình tại thôn Loong Se, xã Vĩnh Lạc (huyện Lục Yên) với thương tật hạng 1/4. Cuộc sống khó khăn cộng với nỗi đau thể xác nhiều khi ông tưởng chừng khó vượt qua nhưng với ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông đã vượt lên tất cả, vươn lên làm giàu, xứng đáng với lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
YBĐT - Là một trong những cá nhân được UBND thành phố tặng giấy khen điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2010 - 2015, bà Nguyễn Thị Dịu, ở tổ 6 phường Hợp Minh là một trong những người thành công nhờ phát triển nghề trồng nấm đầu tiên ở thành phố Yên Bái.