Người phụ nữ Dao năng động
- Cập nhật: Thứ hai, 27/4/2015 | 2:04:09 PM
YênBái - YBĐT - Bằng ý chí và nghị lực không cam chịu đói nghèo, nhờ chăm chỉ làm ăn, quay vòng đồng vốn trong phát triển kinh tế gia đình, chị Bàn Thị Nhâm ở thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên đã trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương, với mô hình kinh tế vườn rừng, thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Cũng như nhiều phụ nữ dân tộc Dao của xã, trước kia, gia đình chị Nhâm vốn là một trong những hộ nghèo nhất, nhì trong thôn. Năm nào đến thời gian giáp hạt cũng thiếu ăn, thiếu mặc. Nhà có 5 nhân khẩu, gồm 2 con nhỏ và 1 mẹ già chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, không ngành nghề phụ khó có thể thoát nghèo, trong khi đó có đất, có sức lao động. Nghĩ là làm, được các chị em trong Hội Phụ nữ xã động viên, giúp đỡ và tham gia các lớp tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật về phát triển trồng trọt, chăn nuôi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của các hộ dân trong thôn, trong xã, từ đó, càng khiến chị thêm quyết tâm thoát nghèo.
Được hỗ trợ vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, chị đã đầu tư trồng sắn, trồng ngô, phát triển chăn nuôi lợn, gà. Nhờ chăm chỉ làm ăn, sau một năm, bán lợn, gà, gia đình chị đã trả được hết số tiền vay. Không dừng lại ở đó, để tiếp tục mở rộng quy mô phát triển kinh tế gia đình, chị lại tiếp tục vay 30 triệu đồng để đầu tư trồng quế, chăn nuôi trâu, bò. Không quản mưa nắng, sau 5 năm, gia đình chị Nhâm đã có 1ha lúa nước 2 vụ, 10ha quế, trong đó, 5ha đã cho khai thác, 2 con trâu và trên 100 con lợn, gà. Tổng thu nhập trừ chi phí, năm 2010, gia đình chị thu lãi 50 triệu đồng; năm 2011 đạt 100 triệu đồng; đến nay đạt 350 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn vận động, giúp đỡ các hội viên trong thôn vươn lên thoát nghèo bằng cách giúp về vốn, con giống, ngày công... 5 năm qua, chị đã giúp cho 7 hộ phụ nữ thoát nghèo và 4 hộ nghèo khác trong thôn theo hình thức cho nuôi trâu chia. Ngoài ra, với diện tích đồi rừng của gia đình, chị cũng tạo công ăn việc làm cho từ 10 - 12 lao động thời vụ, với tiền công từ 150.000 - 170.000 đồng/ngày.
Năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào của hội phụ nữ, năm 1999, chị Nhâm được tín nhiệm bầu làm Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Khe Dứa và từ năm 2006 đến nay, chị là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn. Với trọng trách được giao, chị đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về những giải pháp xóa đói giảm nghèo cho các gia đình hội viên phụ nữ trong thôn như: tạo điều kiện cho các chị em được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh, tăng vụ... Đến nay, thôn Khe Dứa không còn hộ đói, tỷ lệ hội viên có mức sống khá và giàu đã chiếm gần 50%.
Ghi nhận những đóng góp đó, nhiều năm liền, chị được Hội Phụ nữ huyện, xã, cấp ủy, chính quyền địa phương tặng giấy khen, bằng khen. Vinh dự hơn, tại Hội nghị Điển hình tiên tiến phong trào thi đua giai đoạn 2010 – 2015 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, chị vinh dự là 1 trong 4 cá nhân tiêu biểu của huyện Văn Yên được vinh danh và nhận bằng khen của UBND tỉnh.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo viên Văn, yêu sách và ham mê đọc sách, rời bục giảng trở về với cuộc sống đời thường, niềm đam mê đọc sách của cô giáo Lưu Thị Nguyệt Minh ngày nào càng lớn dần lên theo năm tháng, theo số lượng đầu sách mà cô và chồng sưu tầm. Chính từ tình yêu và đam mê sách, cô và gia đình đã lập nên thư viện sách miễn phí mang tên Minh Ân.
YBĐT - Nói về quyết tâm và nghị lực vươn lên thoát nghèo của anh Cứ A Chứ ở bản Háng Á, nhiều nông dân ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải không khỏi thán phục. Từ một hộ nghèo của bản, anh đã tự vượt lên chính mình để trở thành nông dân điển hình tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh.
YBĐT - Với cương vị là Bí thư Chi bộ phố Yên Thái, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, đồng chí Lê Việt Cường luôn nhiệt tình, tâm huyết trong công việc và được người dân trong tổ dân phố tin tưởng và yêu quý trong suốt 9 năm qua.
YBĐT - Cả thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) vẫn gọi bà Phạm Thị Thành với cái tên trìu mến và thân thương như vậy mỗi khi gia đình nào có con em học giỏi hay thi đỗ đại học. Họ gọi nhau, nhắc nhau đến gửi giấy khen, giấy báo đỗ đại học của con em mình cho bà Thành để được nêu gương, được khích lệ, động viên thêm tinh thần học tập...