Bà Thành "khuyến học"
- Cập nhật: Thứ ba, 14/4/2015 | 9:53:11 AM
YênBái - YBĐT - Cả thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) vẫn gọi bà Phạm Thị Thành với cái tên trìu mến và thân thương như vậy mỗi khi gia đình nào có con em học giỏi hay thi đỗ đại học. Họ gọi nhau, nhắc nhau đến gửi giấy khen, giấy báo đỗ đại học của con em mình cho bà Thành để được nêu gương, được khích lệ, động viên thêm tinh thần học tập...
Bà Thành (người cầm giấy) đang trao đổi với hội viên người cao tuổi trong khu phố về ý nghĩa của công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương.
|
Tôi tìm gặp bà qua những cán bộ Hội Phụ nữ huyện Văn Yên cũng bởi lẽ trước đây bà Phạm Thị Thành là Chủ tịch Hội, nay con gái bà đã thay mẹ đảm nhận trách nhiệm vinh dự này. Trước khi đưa tôi xuống nhà riêng của bà ở tổ 6, khu phố 3, thị trấn Mậu A, những cán bộ Hội Phụ nữ và Mặt trận Tổ quốc của huyện đều không quên gửi lời khen để "nhà báo nhớ ghi vào" bởi bà chẳng những là người đi tiên phong trong công tác khuyến học, khuyến tài của huyện mà còn là người bà, người mẹ chồng thương yêu con, cháu, đặc biệt là con dâu nhất mực. Họ nói, thật hiếm có người mẹ chồng nào được như bà.
Quả thực, hơn 30 năm làm công tác hội phụ nữ, bà Thành hiểu rất rõ trách nhiệm của người làm công tác tổ chức hội, đoàn thể nên bà thông cảm và giúp con cái dâu cũng như rể rất nhiều công việc khi đã về nghỉ chế độ tháng 4/2001. Do là người có uy tín trong công tác hội phụ nữ nên sau khi về nghỉ chế độ, cuối năm 2002, tại Đại hội Chi bộ khu phố 3, bà đã được nhân dân tín nhiệm bầu tham gia cấp ủy Chi bộ và được phân công phụ trách công tác mặt trận, trực tiếp tham gia công tác khuyến học, khuyến tài. Tài liệu trong tay khi đó chỉ đơn giản là cuốn Điều lệ dự thảo của Hội Khuyến học khiến bà rất lo vì đây là lĩnh vực hoàn toàn mới.
Khắc phục những bỡ ngỡ ban đầu, tích cực nghiên cứu, học hỏi và tham khảo ý kiến của những cán bộ làm công tác giáo dục trong huyện, dần dần bà thành đã tìm ra hướng đi hiệu quả cho công tác khuyến học ở cơ sở. Trước mắt, bà tham mưu cho đồng chí Bí thư Chi bộ tổ chức quán triệt triển khai những nội dung công tác khuyến học tới 100% hộ dân trong khu phố được học tập, lấy lực lượng đảng viên trong Chi bộ làm nòng cốt. Tiếp đó, bà đi gặp gỡ những gia đình quần chúng tiêu biểu để trao đổi và vận động họ tham gia vào Hội. Kết quả, bà đã vận động được 78 người tham gia Hội Khuyến học khu phố và ngày 11/8/2003, Đại hội Hội Khuyến học của khu phố 3 lần đầu tiên đã được tổ chức với sự tham gia nhiệt tình của 45/78 đại biểu.
Tại Đại hội, 7 đồng chí được bầu vào ủy viên Chi hội Khuyến học, bà Thành được tín nhiệm bầu làm Hội trưởng. Có tổ chức hội rồi, việc đầu tiên bà Thành nghĩ đến là làm gì và làm cách nào để xây dựng quỹ Hội hoạt động. Trước mắt, bà tổ chức họp xin ý kiến các ủy viên Ban Chấp hành Chi hội và thống nhất mỗi thành viên quỹ khuyến học đóng góp 16 ngàn đồng để xây dựng Hội, có bầu ra kế toán, thủ quỹ và chủ tài khoản cụ thể.
Ban đầu, quỹ chưa có nhiều, Chi hội mới bảo đảm xét khen thưởng cho các cháu học sinh giỏi cấp tiểu học và trung học cơ sở. Các cháu đạt thành tích đều phải phô tô giấy chứng nhận gửi về chi hội Khuyến học của khu phố và khi trao thưởng Chi hội đều tổ chức trang trọng, có sự tham gia của Chi bộ, Chi hội, phụ huynh học sinh. Đặc biệt, Chi hội còn tranh thủ tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của công tác khuyến học, khuyến tài thông qua các tiết mục văn nghệ do các cháu học sinh biểu diễn nên đã động viên, khích lệ rất lớn tinh thần học tập của các cháu. Nhờ đó, phong trào thi đua học tập của con em trong khu phố không ngừng tăng lên với những kết quả thành tích cao, tạo nên một không khí thi đua cạnh tranh hết sức lành mạnh trong mỗi gia đình có con em đi học và bản thân các cháu học sinh.
Để phát triển nguồn quỹ Hội, là thành viên của Hội Người Cao tuổi khu phố, bà Thành đã bàn với ông Nguyễn Văn Thực - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi cùng với thành viên trong quỹ tổ chức đi vận động các gia đình, các nhà hảo tâm và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cùng tham gia ủng hộ. Với quan điểm là hỗ trợ động viên con cháu học tập nên tiền quyên góp được dù ít, dù nhiều cũng được Chi hội hết sức trân trọng. Bản thân 7 gia đình ủy viên Ban Chấp hành Chi hội cũng tham gia ủng hộ từ 50 ngàn đồng trở lên. Hội Khuyến học thường xuyên tổ chức sinh hoạt, có sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm, bảo đảm thực hiện mục tiêu 5 không là: không có trẻ em trong độ tuổi không đến lớp mẫu giáo; không có trẻ bỏ học; không có trẻ lang thang; không có trẻ em nghiện hút ma túy và không có trẻ em mù chữ.
Bám sát và triển khai thực hiện tốt 5 mục tiêu đó, phong trào của khuyến học khu phố 3 được duy trì tốt và ngày càng có chiều sâu. Riêng số tiền vận động quyên góp được mà không chi hết, ban vận động quyết định cho vay lấy lãi bằng lãi suất ngân hàng để có tiền hoạt động. Nguồn quỹ được mở rộng, số lượng và thành phần hỗ trợ khuyến học cũng tăng dần lên để động viên các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bị nhiễm chất độc da cam và học sinh nghèo vượt khó. Năm học 2003 - 2004, chi hội đã trao 59 suất quà, trong đó có 5 cháu học sinh nghèo vượt khó, mỗi suất là 10 ngàn đồng; năm 2004 - 2005 trao được 103 suất, trong đó có 9 cháu đỗ đại học, 4 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trị giá mỗi suất 20 ngàn đồng; năm 2005 - 2006 chi hội trao 85 suất, trong đó có 12 cháu đỗ đại học, 4 cháu học sinh nghèo vượt khó, trị giá mỗi suất 30 ngàn đồng; năm 2006 - 2007 có 90 suất quà được trao, trong đó có 15 cháu đỗ đại học, mối suất trị giá 30 ngàn đồng...
Đến nay, học sinh đỗ đại học đã được thưởng 60 ngàn đồng, học sinh giỏi là 50 ngàn đồng và học sinh tiên tiến được thưởng 40 ngàn đồng. Tuy số tiền không lớn nhưng sự động viên kịp thời của Chi hội Khuyến học đã tạo động lực giúp các cháu tích cực học tập, thi đua đạt danh hiệu học sinh giỏi và thi đỗ đại học. Bà Phạm Thị Thành chia sẻ: "Trước đây chưa có quỹ, chúng tôi chi cao nhất là 1 triệu đồng, năm 2014 vừa qua số tiền chi khuyến học cho các cháu đã tăng lên trên 8 triệu đồng. Con số đó đã nói lên sự cố gắng vận động xây dựng quỹ khuyến học của Chi hội cũng như sự cố gắng trong học tập của các cháu".
80 năm tuổi đời, 32 năm tuổi Đảng, người phụ nữ nhỏ bé, đôn hậu và năng động Phạm Thị Thành - người có công xây dựng và tôn vinh phong trào khuyến học, khuyến tài ở Văn Yên luôn được bà con nhân dân và học sinh khu phố 3 thị trấn Mậu A tôn trọng và quý mến. Bà thực sự là tấm gương người cao tuổi mẫu mực, phấn đấu và cống hiến hết mình cho quê hương Văn Yên ngày thêm tươi đẹp và mạnh giàu.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Dân quân Nguyễn Ngọc Cừ ở tổ dân phố 6, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn là một trong những điển hình tiên tiến, vượt khó, làm kinh tế giỏi, với mô hình kinh tế tổng hợp, bước đầu đã cho thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.
YBĐT - Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ phố Hoàng Hoa Thám 1, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái), suốt 12 năm qua, chị Vũ Thị Hương đã tâm huyết, nhiệt tình với công việc. Bởi vậy, chị được bà con lối xóm và các chị em trong phố dành cho nhiều tình cảm yêu quý.
YBĐT - Với tinh thần "lá lành đùm lá rách", vào thứ 7 hàng tuần, Chi đoàn Trung tâm Y tế huyện Văn Yên đều tổ chức chương trình "Bát cháo tình thương", cấp miễn phí cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại đây.
YBĐT - Nhắc đến anh Hoàng Huy Tuấn ở thôn 3, thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên), ai cũng biết đến bởi anh là một trong những thanh niên tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế giỏi địa phương với mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ nuôi gà thịt. Sinh năm 1987, sau khi học tốt nghiệp THPT, Hoàng Huy Tuấn tham gia xuất khẩu lao động tại Malaysia.