Chuyện làm giàu của anh Xứng

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/5/2015 | 3:36:32 PM

YênBái - YBĐT - Anh Hoàng Văn Xứng - người Tày, ở thôn 3 - Khe Báng, xã Đại Lịch (Văn Chấn), được biết đến là một điển hình trong phát triển kinh tế trên đất Đại Lịch. Vốn sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo khó, ngày anh ra ở riêng, bố mẹ nghèo chẳng có gì cho ngoài mảnh đất và chỉ lên quả đồi bảo ra đấy mà khai phá làm ăn. Vợ chồng anh ra sức phát rừng, vỡ ruộng mà làm mãi cũng chẳng đủ ăn. Khi đó, ở ngay các xã lân cận trong vùng, người ta làm ăn rất khấm khá, thấy vậy anh Xứng quyết tâm ra ngoài học hỏi.

Anh Xứng chăm sóc vườn cam
Anh Xứng chăm sóc vườn cam

Năm 1994, anh vay được 3 triệu từ nguồn vốn hỗ trợ người nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội rồi theo bạn bè đi buôn trâu. Sau 5 năm, khi đã tích cóp được chút vốn liếng, anh quay về nghĩ cách phát triển kinh tế ở gia đình. Những ngày tháng đi buôn trâu, thấy đất Trần Phú người ta chỉ trồng cam mà nhiều người thành tỷ phú, triệu phú, anh nuôi ý nghĩ trồng cam từ đó. Về nhà nhìn vợ con nheo nhóc, vất vả anh càng quyết tâm thực hiện ý định của mình.

Tính đi tính lại, đồi, ruộng thì ở xa nhà, có làm cũng không thể trông giữ được, mảnh đất ở thôn 4- Thanh Tú cha mẹ cho mà gia đình đang ở thì quá nhỏ nên anh nghĩ đến chuyện đi mua đất. Nhưng mua ở đâu, mua đất thế nào để làm được trong khi tiền vốn chẳng đáng là bao? Cuối cùng anh cũng tìm mua được mảnh đất rộng gần 1ha với giá 5 triệu đồng. Gia đình, bạn bè không một ai ủng hộ quyết định của anh bởi mảnh đất ấy là một dõng hủm nằm lỏm thọt giữa những quả đồi cao hút tầm mắt.

Vào mùa mưa, cả khu đất bị ngập sâu trong nước, còn mùa khô trở thành bãi sình cho trâu đằm. Điện không có, đường vào cũng không, nhìn vào mảnh đất, mẹ anh, vợ anh không khỏi buồn và lo lắng, còn bạn bè ra sức can ngăn, có người còn mắng anh điên, nhà cửa đang ở giữa trung tâm xã, tự dưng lại chui vào nơi xó rừng thì làm ăn được gì... Mặc cho mọi người phản đối, anh quyết tâm vác cuốc, xẻng, một mình vào dựng lều mở đường vỡ đất.

3 năm liền hì hụi đào mương, đắp bờ, chặt cây, phát cỏ, cạy nhặt từng hòn sỏi, rễ cây, cuối cùng anh đã biến mảnh đất sình lầy, rậm rạp thành một khu đất bằng phẳng. Trồng cho ngô, khoai lên xanh tốt, anh Xứng mới quay về đón vợ con lên. Lúc ấy, vợ con anh phần vì thương anh, phần vì tin vào quyết định của anh nên cả nhà theo anh dọn về và bắt tay vào canh tác.

Những ngày đi buôn trâu, anh đã mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng cam ở nhiều nơi, lại được anh bạn cho một cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật trồng cam, sau khi nghiên cứu chất đất và điều kiện khí hậu, anh quyết định trồng cây cam chanh. Cả gia đình tập trung chăm sóc cho vườn cam. Năm thu hoạch đầu tiên, vườn cam đã cho gia đình anh 6 tấn quả, bán ra thị trường với giá từ 5 - 6 nghìn đồng một cân. Người thân, bạn bè ai cũng phấn khởi, mừng cho anh đã thành công, bõ những ngày gian nan, vất vả. Nhưng rồi niềm vui chẳng được bao lâu, chỉ sau 2, 3 năm, quả cam chanh không còn được thị trường ưa chuộng nữa. Giá cam cứ giảm dần xuống 3.000 đồng, 1.000 đồng, rồi dần dần không có người mua. Nhìn vườn cam chín vàng rồi thối rụng đầy gốc mà xót xa! Cam không được thu hái đúng thời vụ cũng vì thế mà cằn cỗi, hư hỏng.

Không đành lòng chịu thua, anh Xứng quyết định chặt bỏ gần hết vườn cam, chuyển sang trồng vải thiều. Giống vải thiều Lục Ngạn khi đem về trồng và chăm sóc thì lên rất nhanh, ra quả rất sai mà giá thành cũng cao hơn quả cam chanh nhưng do không hợp với khí hậu nơi đây nên khi vải gần chín thì bị sâu, hái xuống không ăn được, phải bỏ. Một lần nữa anh lại phải tự tay phá đi tâm huyết và công sức của chính mình. Để trồng được hơn 200 gốc vải thiều, gia đình anh đã phải huy động toàn bộ vốn liếng trong nhà, thậm chí phải bán cả con lợn vợ anh nuôi để dành đến tết, vườn vải nay bị chặt xuống làm củi, cạn sạch vốn, gia đình anh lại rơi vào cảnh túng thiếu.

Hai lần thất bại không làm anh nản chí. Vấn đề cần giải quyết lúc đó là vốn. Anh Xứng tiếp tục vay vốn ngân hàng để đi buôn trâu, vừa để gây lại vốn vừa để đi học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cam. Năm 2005, anh đưa giống cây cam đường canh về trồng thử. Lúc này, cây cam canh ở Văn Chấn chưa được trồng nhiều và cũng chưa được thị trường biết đến, song nhận thấy đây là giống cây quý, nếu biết chăm sóc sẽ cho sai quả mà giá trị dinh dưỡng, chất lượng cao. Nghĩ vậy, anh Xứng quyết tâm đưa cây cam canh về trồng đại trà. Ban đầu anh trồng 100 cây, rồi tăng dần lên 200, 300 cây.

Sau những những nỗ lực chăm bón cho vườn cam, gia đình anh đã được trả công xứng đáng. Ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình anh đã thu được hơn 200 triệu đồng từ cam canh. Hiện tại, vườn cam của anh có khoảng 300 cây đang cho thu hoạch. Anh đã chia cho con trai 150 gốc và chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cam cho con. Vợ chồng anh lại tiếp tục nhân rộng thêm 300 gốc, con trai trồng thêm 400 gốc. Vậy là tổng thể cả gia đình anh có hơn 1.000 gốc. Chỉ sang năm thôi, cả vườn cam canh của anh sẽ cho thu hoạch. Nếu giá cả thị trường ổn định thì thu nhập của gia đình anh chắc chắn sẽ là con số lớn.

Đứng trên sân nhà anh nhìn ra thấy cả một thung lũng cam đường canh chín đỏ mà thấy khâm phục ý chí, nghị lực và lòng kiên trì của một nông dân như anh Xứng.   

Nguyễn Thị Tâm

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục