Gặp những thương binh “tàn nhưng không phế”
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/7/2015 | 9:28:50 AM
YênBái - YBĐT - Trên địa bàn huyện Trấn Yên hiện có 1.189 đối tượng người có công đang hưởng chính sách của Nhà nước. Tuy vẫn còn thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều tấm gương thương binh vượt lên thương tật, nắm lấy cơ hội nỗ lực vươn lên trở thành tấm gương sáng làm kinh tế giỏi, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thương binh Phạm Văn Chi - thôn 5, xã Đào Thịnh (Trấn Yên) chăm sóc quế.
|
Đường vào thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên mới được bê tông hóa thuận tiện và sạch sẽ. Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Lê Ngọc Châu nằm sát mặt đường. Trở về sau chiến tranh, ông Châu được công nhận là thương binh 1/4 với tỷ lệ thương tật 81%. Năm 1968, khi vừa tròn 21 tuổi ông hăng hái nhập ngũ và lên đường vào chiến trường miền Nam. Đến năm 1974, trong một trận chiến đấu ác liệt ông Châu đã vĩnh viễn mất đi cánh tay phải, dập nát hai ngón của bàn tay trái và hiện vẫn còn nhiều mảnh đạn trong người, đặc biệt là mảnh đạn ở hàm mặt. Trở về quê hương, lập gia đình rồi sinh con, cuộc sống gia đình thiếu thốn trăm bề.
Ông nhớ lại: “Quãng thời gian đầu, công việc sinh hoạt, ăn uống của tôi còn vô cùng khó khăn nói gì đến gánh vác kinh tế gia đình. Trái nắng trở trời, các vết thương đau buốt, người mệt mỏi có những hôm không đứng dậy được, tất cả mọi việc lại đè lên vai vợ tôi”. Để kiếm thêm thu nhập, lo cho cuộc sống gia đình, vượt lên nỗi đau thể xác, ông không ngại nhọc nhằn, tần tảo bắt tay vào chăn nuôi lợn.
“Tôi phải luyện tập 3 ngón tay trái còn lại suốt một thời gian dài mới có thể làm được những công việc thường ngày thành thạo. Vất vả lắm, nhưng nghĩ thương và lo vợ con phải chịu khổ, tôi lấy đó làm động lực để cố gắng. Giờ các con, các cháu đã lớn và ổn định, tôi thấy cuộc sống ý nghĩa hơn phần nào. Phấn đấu mãi cuối cùng cũng lo xong cho thằng út như thế kia đấy.” - ông chỉ tay vào ngôi nhà đối diện đang xây vui vẻ nói.
Khởi nghiệp từ năm 2008, ban đầu ông nuôi gần 100 con lợn, đến nay gia đình ông chăn nuôi từ 250 đến 300 con/ năm; cao điểm nhất trong chuồng có tới 20 con lợn nái. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm 200 con gà, 1ha ao nuôi cá, trồng 5 sào chè Bát tiên, 6,6 ha rừng trồng cây nguyên liệu giấy. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định gần 250 triệu đồng.
Ở thôn 5, xã Đào Thịnh, thương binh 2/4 Phạm Văn Chi đã trở thành một trong những người tiên phong trồng rừng theo mô hình hợp tác xã (HTX).
Trở về sau chiến tranh năm 1979, hỏng một mắt bên trái cùng nhiều vết thương khác trên cơ thể, năm 1993 mô hình trồng rừng HTX 6/12 ra đời, khởi điểm với 15ha đã gặp phải muôn vàn khó khăn nhưng nay ông đang cùng 11 xã viên HTX 6/12 trồng và chăm sóc 50ha chủ yếu là quế, bồ đề và keo.
Ông Chi chia sẻ: “Khi bắt đầu bắt tay vào trồng rừng, tôi chỉ suy nghĩ đơn giản có thu nhập để ổn định cuộc sống. 7 năm trở lại đây, được chính quyền, các cấp ủy quan tâm, giúp đỡ, cùng sự nỗ lực của toàn thể xã viên, mô hình trồng rừng của chúng tôi được mở rộng về diện tích, nâng cao về chất lượng. Chúng tôi đã tiếp tục đầu tư thêm nhiều máy móc, đặc biệt là máy sản xuất, chế biến tinh dầu quế”. Cũng nhờ đó, không chỉ riêng ông Chi mà cả 10 xã viên trong HTX đã có cuộc sống ổn định. Hàng năm, trừ chi phí, mỗi xã viên thu nhập gần 100 triệu đồng.
Rời trang trại của ông Phạm Văn Chi, chúng tôi tới nhà ông Hoàng Kim Phụng - thương binh 3/4, người dân tộc Tày ở thôn 4, xã Đào Thịnh. Là cán bộ ngành giao thông về hưu do mất sức, với đồng lương ít ỏi, vợ chồng ông Phụng đã cố gắng tìm hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình: trồng rau, trồng quế, kết hợp chăn nuôi gà cùng 3 sào ruộng. Vượt lên khó khăn vợ chồng ông đã lo cho 4 người con trưởng thành. Mô hình kinh tế của gia đình ông Phụng tuy chưa lớn, nhưng là minh chứng cho những thương binh có hoàn cảnh còn khó khăn nhưng giàu nghị lực không bao giờ bỏ cuộc, vươn lên ổn định cuộc sống bằng chính đôi tay, sức lực còn lại của mình.
Thương binh Lê Ngọc Châu, Nguyễn Thanh Chi hay Hoàng Kim Phụng chỉ là ba trong số hàng trăm tấm gương thương binh tiêu biểu đã và đang vượt lên thương tật, bệnh tật, những khó khăn, vất vả của cuộc sống đời thường. Họ - những người lính của thời chiến với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trở về sau năm tháng chiến đấu dù sống trong hoàn cảnh nào vẫn giữ nguyên tinh thần, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ vươn lên thoát nghèo và làm giàu, trở thành những tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập noi theo.
Mai Linh
Các tin khác
YBĐT - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, anh Đặng Văn Quang, người dân tộc Dao - thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh (Yên Bình) là con trai út trong một gia đình có 8 anh chị em. Năm 2002, anh Quang xây dựng gia đình cùng chị Tướng Thị Lan, cũng là người Dao trong xã. Từ đó, đôi vợ chồng trẻ cùng nhau vun đắp xây dựng hạnh phúc, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình trên mảnh đất được thừa hưởng của cha mẹ để lại.
YBĐT - Tuổi cao và mái tóc bạc màu mưa nắng, nhưng khi chứng kiến ông lao động trong niềm say mê, nhiệt huyết, ai cũng cảm phục cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trần Văn Quyển ở thôn Khe Rịa 1, xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn). Cũng chính bởi tinh thần, nghị lực trong lao động, ông Quyển luôn biết vượt qua khó khăn, vất vả trong cuộc sống, lạc quan đúng với phẩm chất TNXP, người lính Cụ Hồ.
YBĐT - Dũng cảm trong chiến đấu, năng động trong phát triển kinh tế, nữ cựu thanh niên xung phong Trần Thị Hà đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất năm 1999, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Yên Bái tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên xung phong và nhiều giấy khen của UBND huyện Lục Yên, Hội Cựu thanh niên xung phong huyện...
YBĐT - Năm nay, ông Đoàn Xuân Hồng bước sang tuổi 52 và có 11 năm làm truyền thanh của phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ). Người dân trong phường ai cũng quý mến ông vì lòng nhiệt tình mang đến cho bà con những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và những thông tin bổ ích khác nên mọi người quen gọi ông với cái tên trìu mến: “Ông truyền thanh”.