Người đi đầu trong phát triển kinh tế ở Làng Còng
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/9/2015 | 9:39:10 AM
YênBái - YBĐT - Nói đến ông Đặng Văn Hiện người dân thôn Làng Còng, xã Tân Hợp (Văn Yên) chẳng ai không biết. Bởi ông là người đi đầu trong mọi hoạt động của thôn đặc biệt là người tiên phong trong việc trồng quế, hơn thế những kinh nghiệm của ông đã giúp bà con nơi đây từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ông Đặng Văn Hiện (bên phải) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc quế với người dân trong thôn.
|
Tới thăm gia đình, trong ngôi nhà bề thế khang trang giữa đại ngàn quế ông Hiện cho biết: “Cuộc sống của người dân nơi đây trước kia nghèo lắm, trăn trở mãi năm 1995 được sự khuyến khích của Đảng ủy xã tôi sang xã Viễn Sơn, Đại Sơn học hỏi và mang quế giống về trồng ở Làng Còng. Ban đầu gia đình trồng thử nghiệm 1ha, sau đó thấy cây quế phù hợp với đồng đất lại cho giá trị kinh tế cao, gia đình tôi mở dần diện tích lên 5ha, 10ha đến nay là hơn 20ha”. Hiện nay, mỗi năm từ việc bán quế cành, lá và khai thác tỉa thưa dần cũng cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng.
Ngoài việc trồng và chăm sóc quế gia đình ông Hiện còn trồng 3ha sắn, phát triển đàn trâu thương phẩm, nuôi cá và trồng cây ăn quả, tổng thu nhập mỗi năm đạt 500 - 600 triệu đồng. Thấy được hiệu quả từ cây quế và được sự giúp đỡ tận tình của ông Hiện từ cây giống, kĩ thuật trồng, chăm sóc quế và nhiều chính sách hỗ trợ về vốn của xã Tân Hợp, bà con trong thôn đã tích cực trồng, mở rộng diện tích quế.
Hiện Làng Còng đã có trên 200ha quế, trên 30 hộ trở nên khá, giàu nhờ trồng quế. Là một trong những hộ được sự giúp đỡ của ông Hiện ông Bàn Thông, thôn Làng Còng cho hay: “Năm 2010 sau khi về nghỉ chế độ tôi cũng muốn tham gia phát triển kinh tế để thêm thắt vào xây dựng gia đình cho các cháu, nhờ được ông Hiện chỉ bảo tận tình và giúp đỡ quế giống mà gia đình tôi đã trồng được trên 3ha, bắt đầu có thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/ năm”.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, bố ông là liệt sĩ Đặng Văn Bình hy sinh năm 1969 tại mặt trận phía Nam, miền Nam, ông Đặng Văn Hiện ở với bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Nhầu. Kế thừa truyền thống cách mạng của gia đình Hiện ông luôn tích cực tham gia các hoạt động của thôn, nhất là trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, ông còn là một tấm gương đi đầu của thôn trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của thôn, của địa phương. Hơn nữa, ông Hiện đã cùng cán bộ làm công tác mặt trận, dân vận của thôn nêu cao vai trò trách nhiệm, lấy tập hợp và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nâng cao đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, ông luôn chủ động liên hệ công tác, tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân xử lý các tình huống, vận dụng linh hoạt công tác dân vận vào giải quyết những vấn đề dễ gây mâu thuẫn lớn như bảo vệ rừng, tranh chấp đất đai, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chi bộ, thôn, bản vững mạnh nhằm cụ thể hoá nghị quyết của Đảng trong cuộc sống, xây dựng phương hướng phát triển kinh tế, xã hội địa phương, nhiệt tình hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước đây cũng là là ý kiến của đồng chí Phạm Thị Hương - Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hợp khi nói về ông Đặng Văn Hiện người đã có trên 15 năm làm Bí thư chi bộ thôn Làng Còng.
Nhờ có những người như ông Hiện mà nhiều năm qua thôn Làng Còng với trên 95% là đồng bào Dao luôn đạt danh hiệu “Làng văn hoá”, khu dân cư an toàn, đoàn kết tiêu biểu và là thôn đi đầu trong xã về phát triển kinh tế.
Minh Huyền - Quyết Thắng
Các tin khác
YBĐT - Trở lại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tôi tìm về bản Háng Cháng Lừ thăm bí thư chi bộ tiêu biểu Mùa Chang Páo để tìm hiểu về công tác xây dựng Đảng, cách tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, xã hội, hiến đất làm đường.
YBĐT - Người phụ nữ ấy có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nước da rám nắng, vận trên mình bộ quần áo bảo hộ lao động và làm việc từ sáng đến chiều tối trong chuồng lợn như một người lao động thạo việc của trang trại. Vì vậy, nếu không được giới thiệu thì tôi không nghĩ đó chính là bà chủ của trang trại chăn nuôi lợn nái hậu bị công nghệ cao lớn nhất, nhì tỉnh với 1.200 con lợn/lứa. Bà là Vũ Thanh Lâm, 54 tuổi, ở tổ dân phố Nam Thọ, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái.
YBĐT - Xuất phát từ tình yêu, niềm đam mê, sưu tầm lưu giữ, sau gần 20 năm ông Nguyễn Văn Quy - thị trấn Yên thế (Lục Yên) đã có một kho tàng đồ sộ, các loại hình văn hóa dân gian của người Tày, Nùng, Dao. Năm 2013, ông quyết định bàn giao lại toàn bộ những tài sản vô giá đó cho Ban quản lý Di tích và Danh thắng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Yên Bái quản lý, khai thác, nghiên cứu khoa học và phổ biến văn hóa tới nhân dân trong và ngoài tỉnh.
YBĐT - Nhiều ngày làm việc của chị Cao Thị Thanh Thủy - nhân viên bán than tổ ong Trạm than Yên Bái (Công ty kinh doanh than Tây Bắc) bắt đầu từ 5 giờ sáng, kết thúc sau 7, 8 giờ tối, với hàng trăm cây số chạy xe máy giao hàng. Không thể nói là không vất vả nhưng chị luôn gắng hết sức để không những thu được kết quả lao động tốt nhất mà còn tìm thấy cả niềm vui trong công việc bình dị của mình.