Làm giàu từ cây chanh

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/9/2015 | 4:37:58 PM

YBĐT - Cứ đến trung tâm xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, hỏi anh Ngô Xuân Phương ở thôn 3B, không ai là không biết. Người đàn ông này được mọi người biết đến là một trong những hộ làm kinh tế giỏi của xã, không những thế anh còn phổ biến mô hình vườn chanh bốn mùa của mình, giúp những hộ khác trên địa bàn vượt khó, vươn lên làm giàu.

Anh Phương chia sẻ: “Ngày trước làm ruộng khổ quá, vừa phải làm vất vả vừa phải thuê thêm người, đến cuối vụ, trừ tất cả chi phí vẫn bị lỗ nên tôi quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Lúc ấy, nhà trồng mấy cây chanh một mùa, thấy lái buôn vào mua nhiều nên tôi chuyển hẳn sang trồng chanh”. Nắm bắt được những khó khăn và thuận lợi khi trồng giống chanh một mùa và bốn mùa, năm 2001, anh đầu tư mua 30 cành chiết giống chanh bốn mùa từ Thanh Hóa về trồng thử nghiệm. Anh là người đầu tiên trong xã đưa giống chanh này về với đất Việt Cường. Chỉ một năm sau, cây được thu hoạch nhưng cho quả nhỏ và ít. Quyết không bỏ cuộc, anh nghiên cứu, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm về sự sinh trưởng, phát triển và chăm sóc chanh. Anh còn mạnh dạn khai phá đất ruộng vườn, sau đó, chiết những cành to, khỏe từ cây chanh của mình, tiếp tục nhân giống để mở rộng và phát triển vườn chanh bốn mùa. Chỉ 4 năm sau, cây chanh không những cho thu nhập ổn định từ quả, mà nhiều lái buôn và người dân ở các tỉnh khác cũng tìm đến anh để mua cành chiết. Thời gian ấy, anh bán được vài nghìn cành với giá trên 10.000 đồng/cành, tùy theo cành to hay nhỏ, đẹp hay xấu.

Bốn năm trở lại đây, những người dân trong vùng bắt đầu học tập mô hình vườn chanh bốn mùa của anh Phương. Họ đến mua cành, học hỏi cách trồng, chăm sóc, phun thuốc, bón phân như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Anh Phương nhiệt tình chia sẻ những bí quyết mà mình tích góp được trong 10 năm gắn bó với cây chanh bốn mùa.

Anh Phương cho biết thêm: “Cây chanh bốn mùa rất dễ trồng, phù hợp với trình độ dân trí ở đây. Điểm đặc biệt ở giống chanh này là ra quả quanh năm nên cho thu nhập ổn định, không phải chờ đến vụ mới được thu hoạch; chi phí đầu tư ban đầu thấp, đầu ra ổn định với thị trường rộng, thời gian sinh trưởng ngắn (từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch vừa tròn 1 năm), phù hợp với mọi loại đất và ít bị ảnh hưởng của thời tiết nên rất hiếm khi mất mùa. Người dân ở đây còn nhiều khó khăn nên tôi luôn muốn giúp đỡ họ cùng vươn lên”. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình vườn chanh bốn mùa của anh Phương, nhiều hộ trong xã đã thực hiện nhân rộng. Từ chỗ chỉ có một vài hộ trồng chanh, đến nay hầu hết các hộ trong thôn 3B đều trồng giống chanh này. Nhiều hộ có ít đất đã chung nhau canh tác, mở rộng quy mô vườn chanh.

Hiện tại, vườn chanh bốn mùa của anh Ngô Xuân Phương có 400 gốc, mỗi cây, mỗi lần thu hoạch được 20 - 30kg quả. Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng chanh, nắm bắt được đầy đủ các kỹ thuật về trồng và chăm sóc nên vườn chanh của anh Phương lúc nào cũng xanh mướt, sai trĩu quả. Cứ khoảng 20 ngày, anh lại thu hoạch 1 lứa, mỗi lứa từ 4 - 5 tạ quả. Anh hái tỉa thường xuyên, quả to thì hái để cho chanh ra lứa mới. Chanh vào mùa, các lái buôn từ Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Tường đến tận nhà thu mua, giá dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Có những thời điểm trái vụ, chanh được đẩy giá lên cao từ 38.000 - 50.000 đồng/kg.

Ngoài ra, anh còn chiết cành bán cho các hộ có nhu cầu với giá 30.000 - 35.000 đồng/cành. Nhờ vào cây chanh bốn mùa, gia đình anh Phương thu nhập bình quân 200 triệu/năm. Số tiền dành dụm được từ bán chanh, anh Phương tiếp tục đầu tư vào phát triển ao cá, mua đất mở rộng diện tích trồng chanh và trồng rừng. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình anh từ 250 - 280 triệu đồng. Kinh tế ngày càng khá giả, vợ chồng anh Phương đã có điều kiện để chăm lo chu đáo cho con cái, xây dựng được nhà cửa khang trang.

Với hiệu quả kinh tế cao, cây chanh bốn mùa đưa gia đình anh Ngô Xuân Phương và nhiều hộ khác trong xã vươn lên làm giàu. Việc linh hoạt, nhạy bén đưa giống chanh bốn mùa vào trồng của một số hộ dân ở xã Việt Cường không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho bà con mà còn mở ra một hướng đi mới cho nền kinh tế nông nghiệp địa phương.

Hoài Anh

Các tin khác
Ông Vũ Hưu Lê vinh dự được gặp và bắt tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015.

YBĐT - Tuổi 80 - với nhiều người, đây là lúc để nghỉ ngơi, song ông Vũ Hữu Lê - khu dân cư Nam Thọ, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái vẫn ngày ngày miệt mài cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho xã hội với mong muốn giúp người nông dân đẩy nhanh tiến độ sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập. Hiện, ông là Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà chuyên chế tạo máy, thiết bị, gia công các sản phẩm về cơ khí phục vụ nông, lâm nghiệp.

Anh Hứa Văn Thơm (áo kẻ) giới thiệu con đường mới rộng mở, trong đó có phần diện tích đất ao của gia đình.

YBĐT - Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn (GTNT) là một việc làm rất đẹp và có ý nghĩa, được nhiều gia đình ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên hưởng ứng tích cực. Trong đó gia đình anh Hứa Văn Thơm ở thôn Khuân Thếp là một điển hình.

Mỗi năm, thu nhập của gia đình ông Phạm Văn Thắng đạt gần 100 triệu đồng.

YBĐT - Không phải ngẫu nhiên mà người dân ở thôn 11, xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên) yêu mến và gọi ông Phạm Văn Thắng là “ông Thắng nông thôn mới”. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Báo Đáp, tháng 12/1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ vào chiến trường BCK làm nhiệm vụ lái xe vận tải của Đoàn 559.

Trồng hoa mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân ở xã Tuy Lộc. (Ảnh: Hồng Duyên)

YBĐT - “Tôi đang dở tay chút vì một mình xây nốt hàng rào sau nhà. Vợ tôi đi bán hoa ở chợ Hồng Hà, chùa Ngọc Am từ sáng sớm đến tối mới về, ngày nào cũng thế” - ông Vũ Tiến Dũng ở thôn Tân Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái tiếp khách với gương mặt lấm tấm mồ hôi. Nhà ông Dũng hiện có 5 sào hoa hồng và 2 sào hoa cúc vàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục