Hoa đẹp cho đời

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/9/2015 | 9:37:49 AM

YênBái - YBĐT - “Tôi đang dở tay chút vì một mình xây nốt hàng rào sau nhà. Vợ tôi đi bán hoa ở chợ Hồng Hà, chùa Ngọc Am từ sáng sớm đến tối mới về, ngày nào cũng thế” - ông Vũ Tiến Dũng ở thôn Tân Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái tiếp khách với gương mặt lấm tấm mồ hôi. Nhà ông Dũng hiện có 5 sào hoa hồng và 2 sào hoa cúc vàng.

Trồng hoa mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân ở xã Tuy Lộc. (Ảnh: Hồng Duyên)
Trồng hoa mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân ở xã Tuy Lộc. (Ảnh: Hồng Duyên)

Bắt đầu trồng 1 sào hoa hồng vào thời điểm năm 2000, cứ mỗi năm, ông lại phát triển diện tích thêm một phần bởi nhận thấy thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Ông Dũng chia sẻ: “Người dân trước đây chủ yếu mua hoa cho ngày rằm, mùng một, lễ tết, giỗ chạp... Nay thì đã khác, đời sống kinh tế nâng cao, người dân ngay cả ngày thường cũng mua hoa để cắm chơi”. Vì thế, vợ ông Dũng ngày nào cũng đi bán hoa ở chợ Hồng Hà, chùa Ngọc Am mà toàn là khách quen. Hoa của gia đình ông còn bán buôn cho khu vực Km9, Km12, huyện Yên Bình.

Điều phấn khởi nhất, hoa chẳng mấy khi bị ế, đi bao nhiêu sẽ hết bấy nhiêu. Giá bán hoa tùy từng thời điểm, ngày thường thì có giá ngày thường, ngày lễ tết có giá ngày lễ tết theo nhu cầu của thị trường và thường mùa đông có giá cao hơn mùa hè.

Ông Vũ Tiến Dũng kiểm tra tình hình phát triển của cây hoa hồng sau ngập.

Kể chuyện trồng hoa, ông Dũng bảo, thường thì chỉ mình ông làm tất mọi công đoạn. Cũng đôi khi cần thuê người làm, chủ yếu là thuê làm cỏ vì có những thời điểm cỏ mọc quá nhiều. Ruộng hoa của ông ngay gần nhà, không xa lắm. Ngày nào cũng giống ngày nào, 5 giờ 30 phút sáng là ông đã có mặt tại ruộng với vô khối việc: bọc hoa, bơm tưới, phun thuốc, tỉa hoa, cắt hoa, làm cỏ, theo dõi sâu bệnh... Vợ ông đảm nhận phần cắt hoa vào cuối chiều mỗi ngày để sáng sớm hôm sau kịp buổi chợ. Hoa hồng thì quanh năm, chẳng nghỉ lúc nào, còn hoa cúc thì mỗi năm nghỉ tháng 4, tháng 5, tháng 6. Hoa hồng, sau 4 năm đến 5 năm mới phải trồng lại. Hoa cúc, hết mỗi đợt bán hoa là phải trồng lại. Giống hoa hồng, hoa cúc này, ông Dũng mua ở Mê Linh, Hà Nội.

Tính lợi nhuận từ trồng hoa, gia đình ông thực lãi khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. So với cây lúa, trồng hoa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Trồng hoa cũng như trồng lúa, các khâu chăm sóc đều quan trọng, không được chủ quan và coi nhẹ khâu nào. Chuyển sang trồng hoa, ông quan tâm tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm để gắn bó lâu dài cùng hoa.

Có một điều giống nhau ở cây hoa và cây lúa là đều phụ thuộc không ít vào thời tiết. Ông Dũng bảo rằng: “Càng ngày thời tiết càng trở nên khắc nghiệt hơn. Tôi nói cụ thể thế này, như mọi năm, nếu ngập nước cả tuần thì cây hoa hồng cũng còn chưa hề hấn gì nhưng năm nay, nước ngập đúng 3 hôm là cây hoa hồng đã hỏng khoảng 30% rồi đấy”.

Ông đang nói về đợt mưa lũ đầu tháng Tám vừa qua làm ngập hơn 2 sào hoa hồng mà nhà trồng cách đây đúng một năm: “Cây cứng cáp thế nhưng cũng chẳng chịu nổi mấy ngày ngập ấy chứ...”. Tiếc công, tiếc của, tiếc hoa không bằng hành động cụ thể, ông Dũng cũng sẽ lại bắt đầu khắc phục diện tích hoa bị ngập bằng việc làm cỏ, đốn cây hỏng, bấm bỏ mầm không phát triển để cho mầm mới nảy, tiếp tục trồng dặm... Thời tiết thuận lợi trở lại, ruộng hoa hồng với bao công việc đang đợi bàn tay ông Dũng vun xới, chăm sóc. Ông Dũng nói: “Đã gắn bó với cây hoa nên phải bỏ công sức và nhiệt huyết cho cây hoa cũng là chuyện bình thường”. Nắng thuận mưa hòa, mong thế để vợ chồng ông Dũng có thêm những mùa hoa làm đẹp cho đời!

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Vợ chồng ông Thào A Tông đang chăm sóc đàn lợn của gia đình.

YBĐT - Ông Thào A Tông sinh năm 1958, là người Mông ở xã Pá Hu (huyện Trạm Tấu) nên ông thấm thía nỗi khó khăn của người dân vùng cao. Vì thế, khi tham gia công tác ở xã, ông luôn là đầu tầu trong tìm hướng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống xã hội, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn để nhân dân noi theo.

Giám đốc Đặng Trần Cường hướng dẫn nhân viên phương pháp bảo quản thuốc.

YBĐT - Từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ, khi trở về với cuộc sống đời thường, mặc dù gặp phải không ít những khó khăn, vất vả song với tinh thần, ý chí, nghị lực của người lính, cựu chiến binh - doanh nhân Đặng Trần Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Cường Mùi đã trở thành tấm gương sáng trên diễn đàn doanh nghiệp.

Ngô thu về được anh Vàng Khua Kỷ treo gọn gàng bên hiên nhà.

YBĐT - Đến xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải hỏi anh Vàng Khua Kỷ ở bản Tà Ghênh thì ai cũng biết: "Nhà nó có nhiều lúa lắm, mỗi vụ chất đầy nhà đấy. Cứ đi thẳng đường này đến cái nhà ở giữa đồng là nhà nó đấy". Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi theo con đường đá lởm chởm tìm đến nhà Vàng Khua Kỷ.

Vườn thanh long ruột tím mới được đầu tư của gia đình ông Lập, hiện đang phát triển tốt.

YBĐT - Ở Bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ), tấm gương ông Lường Văn Lập người dân tộc Thái năng động, nhạy bén trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình luôn được nhiều người nhắc đến. Tới đây, trong kỳ Đại hội thi đua lần thứ IX của tỉnh, ông Lập là một trong số hơn 50 cá nhân được đề nghị khen thưởng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục