Kẻ đi tìm nắng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/1/2016 | 3:36:57 PM

YBĐT- "Trời còn buông nắng để hắn đi tìm" - xin mạn phép nhạc sĩ Ngô Thụy Miên mượn tứ nhạc này để bắt đầu về “hắn” - nhiếp ảnh trẻ Lê Trung Kiên, bởi vì hắn là thế: Kẻ đi tìm nắng!

Nhiếp ảnh trẻ Lê Trung Kiên.
Nhiếp ảnh trẻ Lê Trung Kiên.

Bạn hắn có người "hào phóng" với hắn còn bảo rằng: "Hình như nắng sinh ra là để cho Kiên" - nói thế thì quá nhưng vậy là để biết bạn hắn cũng thấy nắng có nghĩa với hắn đến thế nào! Là bởi vì người ta nhìn thấy hắn nặng tình với nắng quá, như thể tình nhân chưa bao giờ thôi nhớ.

"Người ta hối hả để bắt kịp thời gian, còn tôi hối hả để bắt kịp nắng"; "Với tôi, cứ thấy nắng là lại thấy bồi hồi, như đã xa nhau lâu rồi không được gặp vậy"; "Không biết đã bao lần tôi đứng nơi con đường nhỏ ấy đợi em mà rồi cuối cùng em lại không qua nơi ấy. Nhớ em đến phát giận hờn"; "Nắng à, mỗi sáng thức dậy không thấy em, tôi lại mải miết đi tìm. Tôi nhớ em mỗi ngày. Vì em là vẻ đẹp trong mỗi bước tôi qua!"… - thế đấy, hắn cứ thổn thức bao tư tình với nắng như thế, chẳng khác nào một tình nhân. Mà thật, nắng chính là tình nhân, tình nhân với con người nghệ sĩ trong hắn, để rồi cùng với nắng, hắn bùng nổ chất "nghệ" trong mình, làm nên những điều rất "Kiên" trên con đường mà hắn đam mê. Cũng vì một nỗi đam mê ấy, hắn “chờ đợi”, “đeo đuổi” tình nhân của hắn không biết chán trên những nẻo đường hắn qua, để rồi khi gặp được thì “giữ” thật chặt vẻ đẹp tình nhân trong mỗi khoảnh khắc, trong mỗi bức hình, như thể sợ ngày mai không gặp lại.    

Thế nên, trong những khuôn hình của hắn, tôi thường thấy nắng, chẳng nhiều thì ít, với muôn hình vạn trạng: lúc tràn ngập mênh mang, khi mỏng manh hắt bóng, lúc rực rỡ tươi mới, khi le lói dịu dàng, lúc ráng đỏ hoàng hôn, khi bình minh nắng mới, lúc mạnh mẽ rót vàng, khi e ấp buông lơi… Và cũng bởi nắng mà tôi nhận ra "hắn" trong những khuôn hình, giữa muôn khuôn hình về một nơi đã quá nhiều người bấm máy: Danh thắng ruộng bậc thang xứ Mù Cang.

Gương trời

Tôi thích "chiếc gương trời" trên đỉnh mâm xôi Pú Nhu lấp lánh nắng trong mùa nước đổ, như thể giấu viên ngọc sáng nào đó trong đáy ruộng. Tôi nghe mơ hồ những triền ruộng lúa xanh non trong vạt nắng mỏng mảnh lẩn trong huyền ảo không biết là sương núi hay khói lam, thêm đơn sơ một chiếc lán canh nương lưng chừng những nấc thang xanh như một chốn bồng lai hư thực. Tôi cũng như vội theo dải nắng cuối chiều băng qua những triền ruộng bậc thang để lại trong khuôn hình những khoảng sáng tối đầy nghệ thuật, cho kiệt tác danh thắng như bừng lên vẻ đẹp kiêu sa lần cuối trong ngày rồi sẽ chìm khuất trong hoàng hôn sơn cước. Tôi cũng thấy những thửa ruộng bậc thang chợt khác lạ trong một góc máy khác lạ: đổ dài mềm mại trải trong nắng núi mênh mang, khó giống với những nấc thang tầng tầng, lớp lớp.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - không biết bao nhiêu nhiếp ảnh gia trong và ngoại tỉnh, trong nước lẫn nước ngoài đã ghi lại bao hình ảnh - những bức ảnh đẹp mê hồn, những bức ảnh có thể khiến người ta muốn lên xứ Mù này ngay lập tức, những bức ảnh đã "đóng đinh" tên tác giả, làm nên tên tuổi. Hắn chỉ là một trong những kẻ tiếp tục gia nhập hàng ngũ những người khắc họa vẻ đẹp danh thắng bằng ngôn ngữ hình ảnh, giữa hàng vạn người.

Gửi nắng

Tôi không dại so sánh ảnh của hắn với bất kì ai, vì vốn dĩ mọi sự so sánh đã là khập khiễng, chỉ nhắc lại một điều: Hắn và nắng và ruộng bậc thang - tôi nhận ra hắn giữa muôn vạn khuôn hình. Vẫn là những nấc thang tới trời vàng trong mùa lúa chín, dát bạc mùa nước đổ và nhộn nhịp mùa gieo mạ, cấy lúa… Phải, vẫn là câu chuyện kể mãi: Huyền thoại mâm xôi, được kể bởi rất nhiều người nhưng hắn kể theo cách riêng, bằng tình yêu xứ núi này của hắn.

Trong tình yêu xứ “Mù”, hắn đâu chỉ kể riêng huyền thoại về những mâm xôi vàng, xanh theo mùa lúa. Với nắng, qua con mắt của hắn, đất và người Mù Cang Chải hiện hữu những khoảnh khắc quá ư huyền ảo, quá đỗi nên thơ khiến cả người đã quen với nơi này có lúc cũng phải ngỡ ngàng. Là khi nắng xỏa theo bước chân của cô gái Mông khỏe khoắn bên sườn non; là khi nắng mê mải trên muôn cánh hoa nơi vạt rừng đã hồng lên rực rỡ mùa bạt ngàn tớ dày trổ bông; là nụ cười cô gái miền sơn cước lù cở vàng hoa cải, bung tỏa trong chiều chếch nắng; là con đường thơ mộng trong vạt nắng đễnh đãng nghiêng theo bước chân của em gái nhỏ theo mẹ lên nương; là nếp nhà người Mông yên bình trong sợi nắng nhẹ buông nơi lưng núi đã điểm xuyết những cánh đào rừng… Đó là những khuôn hình thật đẹp và nên thơ!

Những ngày trời giấu nắng, Mù Cang Chải của hắn lại đẹp trong mờ ảo khói sương với khoảnh khắc của vũ khúc những cánh chim trời ngang qua nốt nhạc nấc thang vàng và nếp nhà ai lên khói nơi bản Pú Nhu, hay hình ảnh con đường xuống chợ ngày xuân chênh chao nghiêng theo những sườn đồi thắm cánh đào rừng trong sương sớm bảng lảng bản Trống Tông; rồi bờ ruộng bến nước trong lãng đãng sương mờ khói phủ - một hình ảnh đẹp và lạ của cánh đồng dưới chân đèo Khau Phạ mà tôi chưa từng thấy trước đó…

Nẻo về

Niềm đam mê khắc họa xứ “Mù” yêu dấu bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh trong hắn dường như là không giới hạn và khởi nguồn bởi tình yêu với đất và người nơi cao nguyên này. Pú Nhu, Trống Tông, Sáng Nhù, Chế Cu Nha… - những bản làng đã in dấu bước chân hắn qua bao bận trong hành trình mê mải tìm nắng xứ “Mù” cho thỏa đam mê nhiếp ảnh. Và hắn, hắn vốn chỉ là người gieo chữ nơi vùng cao (giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Mù Cang Chải) nhưng lại bén duyên với nhiếp ảnh, cũng chẳng sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này nhưng lại gắn bó thiết thân với nó. 

Hắn - kẻ đi tìm nắng trên cao nguyên xứ Mù Cang, “găm” vào tình yêu nghệ thuật hình ảnh trong niềm khát khao mang Mù Cang ra thế giới. Dĩ nhiên, đó là việc đã, đang và sẽ có rất nhiều người làm. Kệ, hắn làm theo cách của hắn, bằng sự gắn bó và tình yêu của hắn với mảnh đất này. Ai cấm được hắn ước mơ!

Thu Hạnh

Các tin khác
CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục