Vị giám đốc trẻ và sáng kiến giá trị về môi trường

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/6/2016 | 2:57:52 PM

YBĐT - Mặc dù đã được nghe giới thiệu về hệ thống xử lý khí thải của Nhà máy Xi măng Yên Bái nhưng sự ám ảnh lâu nay về các nhà máy xi măng với khói bụi trắng xóa phủ kín cả một vùng kèm theo thời tiết nóng bỏng, khô rát đến gần 400C khiến tôi không khỏi rùng mình suốt dọc đường đi. Nhưng khác với những gì tôi tưởng, đặt chân vào Nhà máy là quang cảnh yên bình, không ồn ào, xô bồ cũng không khói bụi mịt mờ...

Các cán bộ Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh Yên Bái cùng đại diện các tổ nhân dân sinh sống gần nhà máy kiểm tra, đo đạc, quan trắc môi trường không khí trong Nhà máy.
Các cán bộ Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh Yên Bái cùng đại diện các tổ nhân dân sinh sống gần nhà máy kiểm tra, đo đạc, quan trắc môi trường không khí trong Nhà máy.

Đón tiếp tôi là anh Nguyễn Văn Đức, vì chỉ nói chuyện với anh qua điện thoại nên tôi khá bất ngờ khi gặp anh - Giám đốc Nhà máy ở tuổi 31. Không nước chè, phòng điều hòa như những nơi khác, chúng tôi gặp và nói chuyện ngay tại khu điều hành. Thấy anh khá bận rộn vì chuông điện thoại cứ reo liên hồi, tôi đi thẳng vào việc chính:

- Được biết Nhà máy mình sử dụng hệ thống phun sương tự động do chính anh là người cải tiến. Vậy anh cải tiến ở điểm nào và hiệu quả của nó trong việc xử lý khói bụi ra môi trường ra sao?

Lau nhẹ dòng mồ hôi trên trán, anh điềm tĩnh:

- Hệ thống phun sương thì có công nghệ cả rồi, chủ yếu là ở vòi phun khi dùng lâu sẽ bị nứt đầu vòi khiến nước chảy thành dòng gây ướt bột liệu vì vậy phải cải tiến nó… Mà thôi, nói suông chắc cũng khó hình dung nên tốt nhất chúng ta cứ đến phòng điều khiển, anh sẽ cho em thấy rõ hơn.

Chúng tôi nhanh chóng đi đến phòng điều khiển - nơi kiểm soát mọi hoạt động của Nhà máy. Chỉ vào màn hình máy tính, anh giải thích: "Gió nóng và bột liệu dư thừa trong quá trình sản xuất đang ở nhiệt độ 300 - 6000C sẽ đi vào đỉnh tháp điều hòa. Tại đây có hệ thống phun sương mù làm tăng ẩm, giảm nhiệt độ xuống dưới 2000C; khoảng 40% bột liệu được lắng lại tại đáy tháp, sau đó sẽ được tự động thu hồi, quay vòng, tiếp tục sản xuất. Phần còn lại đi tiếp vào lọc bụi tĩnh điện.

Việc giảm lượng bột liệu đi vào lọc bụi tĩnh điện giúp tăng hiệu suất lọc bụi trước khi thải ra ống khói. Vì vậy, lượng khói bụi ra môi trường chỉ còn khoảng 1-2%”. Như để chứng minh lời nói của mình, anh Đức đưa tôi ra khuôn viên Nhà máy rồi chỉ tay lên trời hỏi vui:

- Đố em biết ống khói nhà máy đặt ở đâu?

Nhìn quanh một vòng, tôi chỉ biết lắc đầu, cười trừ. Anh cười hóm hỉnh, đưa tay chỉ lên phía tòa tháp điều hòa cao 28m bảo:

- Nhiều người đến tham quan Nhà máy cũng không tìm thấy ống khói đâu bởi có nhìn thấy khói đâu mà nhận ra, phải không em?

Lúc này tôi mới để ý hơn đến khung cảnh quanh đây. Hình ảnh cây cối phủ trắng bụi đá, bụi xi măng trong suy nghĩ quả chỉ là tưởng tượng khi mà hai hàng cây sấu, cây dừa xanh mơn mởn, vài cây phượng còn nở hoa đỏ rực một góc trời là đủ thấy được sự sống của cỏ cây dù ngay gần nơi sản xuất. Đó chính là thành công của sáng kiến cải tiến. Và nguồn gốc của nó xuất phát từ chính những sự cố…

Anh Đức kể, năm 2010 - hai năm sau khi lắp đặt hệ thống phun sương tự động theo công nghệ Trung Quốc, Nhà máy gặp sự cố do đầu vòi phun bị nứt vỡ không phun được sương mà lại tạo thành dòng làm ướt bột liệu. Bột liệu ướt bám dần vào thành tường cho đến khi tạo thành mảng dày sập xuống làm kẹt vít tải dưới đáy tháp điều hòa, khiến cho quá trình thu hồi bột liệu bị gián đoạn.

Khó khăn tiếp nối khó khăn khi phụ tùng thay thế là vòi phun phải đặt mua tốn khá nhiều thời gian chờ đợi và phải đặt số lượng lớn thì bên Trung Quốc mới vận chuyển (từ 50 cái trở lên mà Nhà máy chỉ sử dụng 24 cái) với giá thành cao 5,4 triệu đồng/1 vòi phun.

Kể tới đây, anh thở dài: "Thời gian ấy, Nhà máy phải dừng hoạt động để chờ xử lý, công nhân hoang mang, lo lắng, sản xuất trì trệ. Đó là khoảng thời gian thực sự rất khó khăn”.

Nhận thấy việc chờ đợi không phải là giải pháp lâu dài, anh Đức đã tự mình tháo gỡ, mày mò, nghiên cứu cấu tạo, nguyên lý làm việc của vòi phun cũ, cùng với tập tài liệu dài gần 20 trang toàn chữ Trung Quốc. Chỉ trong nửa năm, anh hoàn thành bản vẽ vòi phun sương của chính mình bằng cả tâm huyết và trách nhiệm với công việc. Anh tiến hành điều chỉnh góc mù hóa của vòi phun theo đúng công nghệ sản xuất đạt 90 - 1200; thay đổi vật liệu bằng toàn bộ thép trắng SUS 316 chống gỉ, chịu được nhiệt độ cao và sự mài mòn (vòi phun của Trung Quốc sử dụng lõi bằng sứ, bên ngoài bằng thép) nên độ bền có thể lên tới 6 - 8 năm.

Với việc chế tạo thành công vòi phun sương, anh mạnh dạn trình bày, kiến nghị với Ban Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái và Nhà máy đưa vào dùng thử nghiệm. Kết quả thật bất ngờ, vòi phun làm việc hiệu quả, hệ thống sản xuất ổn định, lượng khói bụi ra môi trường giảm hẳn. Từ đó, Nhà máy chính thức thay thế, sử dụng vòi phun do anh sáng chế.

Vừa sử dụng, anh vừa tiến hành kiểm nghiệm, cải thiện, nâng cấp để sản phẩm luôn đạt được chất lượng tốt nhất. Năm 2015, anh tiếp tục cải tiến vỏ ngoài có gien, góc cạnh để thuận tiện cho việc tháo lắp; bên trong có 4 rãnh xoáy (trước có 2 rãnh), đầu vào to, đầu ra thu nhỏ dần tạo áp lực nước vào khoang xoáy, tạo xoáy nước giúp cho việc phun sương đạt hiệu quả tốt hơn.

Hiệu quả là vậy nhưng thực tế vòi phun lại có cấu tạo đơn giản, dễ gia công nên giá thành rẻ, khoảng 650.000 đồng/vòi. Nếu sử dụng 24 vòi mua từ Trung Quốc với giá 129,6 triệu đồng thì vòi phun của anh Đức chỉ có giá 15,6 triệu đồng. Như vậy, giá thành giảm 83%. Ngoài ra, vòi phun mới có thể điều chỉnh góc phun tạo sương theo đúng yêu cầu công nghệ một cách đơn giản bằng cách điều chỉnh chiều dày của lỗ phun và góc nghiêng của 4 rãnh tạo xoáy, tăng hiệu quả lắng đọng thu hồi khói bụi. Vì vậy, nếu như trước đây, lượng khói bụi thải ra môi trường lớn hơn 20% thì hiện nay chỉ còn 1-2%.

Ống khói của Nhà máy Xi măng Yên Bái hầu như không nhìn thấy khí thải.

Để chứng minh đây không phải là lời nói suông, anh Đức đưa ra báo cáo kết luận phân tích của Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh Yên Bái ở 11 khu vực trong Nhà máy và khu dân cư thì chất lượng môi trường không khí của Nhà máy đều đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép ứng với các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về môi trường hiện hành. Giá trị hàm lượng các chỉ tiêu về môi trường nước đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 40:2011/BTNMT.

Là một trong những hộ dân sống gần nhà máy nhiều năm, ông Vũ Văn Luyến – Tổ phó Tổ nhân dân số 16 (địa bàn đặt nhà máy) cho biết: "Từ năm 2015, Nhà máy cam kết với khu dân cư sử dụng mọi biện pháp nhằm giảm thiểu khói bụi ra môi trường nên gia đình tôi dù nằm ngay dưới chân Nhà máy cũng ít bị ảnh hưởng tiếng ồn và khói bụi”.

Thật vậy, có được thành công đó không chỉ nhờ hệ thống phun sương mà còn nhờ sự nghiêm túc thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục khói bụi trong cả quá trình vận hành sản xuất đều được Nhà máy đặt thêm các thiết bị lọc bụi; thường xuyên bảo dưỡng máy móc, thiết bị, kịp thời thay thế các thiết bị không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và an toàn lao động. Thêm vào đó, Nhà máy còn đầu tư xe tải chế thêm téc nước gần 5 m3 trong thùng, đều đặn sáng, chiều tưới đường và cây cối khu vực trong và ngoài Nhà máy nhằm giảm thiểu lượng khói bụi cho nhân dân; đồng thời, tích cực trồng hoa, cây cảnh, cải tạo khung cảnh Nhà máy, hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà máy thân thiện với môi trường.

Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà máy xi măng ở các tỉnh lân cận đã mời anh Đức lắp đặt, thay thế đầu vòi phun như: Nhà máy Xi măng Hữu Nghị, Nhà máy Xi măng Thanh Ba (Phú Thọ), Nhà máy Xi măng Bắc Giang… đạt hiệu quả cao trong việc giảm khói bụi ra môi trường.

Đánh giá về hiệu quả của hệ thống phun sương mù tháp điều hòa, ông Bùi Mạnh Cường - Phó giám đốc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khẳng định: "Từ khi tiến hành cải tiến, thay thế vòi phun của Trung Quốc bằng vòi phun mới của đồng chí Đức, lượng khí thải ra môi trường giảm đáng kể. Các vòi phun làm việc ổn định, tăng thu hồi khói bụi quay lại tái sản xuất, giúp cho quá trình sản xuất của Nhà máy ổn định liên tục với hiệu suất cao, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nhà máy sản xuất trong sạch, thân thiện với môi trường, góp phần vào sự phát triển của công ty và tăng thu nhập cho kinh tế địa phương”.

Rời Nhà máy Xi măng Yên Bái, trào dâng trong tôi là niềm cảm phục trước suy nghĩ đầy trách nhiệm cộng đồng của Giám đốc trẻ Nguyễn Văn Đức: "Anh không có ý định đăng ký bản quyền cho sản phẩm của mình. Nếu ai thực sự cần nó, anh sẵn sàng chia sẻ. Với anh, như vậy là thành công rồi!”.

Hoài Anh

Các tin khác

YBĐT - Anh Điêu Sông Thao ở bản Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ đang sở hữu nhiều tài sản giá trị và thu nhập bình quân hàng năm trên 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương…

Thầy Lại Xuân Duy và học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.

YBĐT - Với thầy giáo Lại Xuân Duy - Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, học Bác, làm theo Bác đơn giản chính là những công việc thường ngày và điều thầy luôn nung nấu là làm sao Yên Bái có nhiều học sinh giỏi, sánh với các tỉnh, thành trong cả nước.

Hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn quy mô của hội viên Lê Cao Vy.

YBĐT - Trong Hội đã dần xuất hiện các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng cây hoa màu theo hướng sản xuất hàng hoá, có áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất.

Anh Lê Chí Công (bên phải) trao đổi công việc với nhóm thợ mộc của gia đình.

YBĐT - Từ một người nghiện ma túy, vỡ nợ, giờ Lê Chí Công đã có cuộc sống khá ổn định, được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, vừ rồi lại được cử tri bầu vào HĐND xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục