Người thương binh “tàn nhưng không phế”
- Cập nhật: Thứ ba, 19/7/2016 | 9:27:45 AM
YBĐT - Một thời cầm súng chiến đấu vì độc lập dân tộc, khi đất nước hòa bình, trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người lính vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Ông Trần Đình Vụ thu hái chè.
|
Tại thôn 1, xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái, tấm gương thương binh hạng 4/4 Trần Đình Vụ là một trong những điển hình vượt khó, ổn định cuộc sống.
Năm 1969, ông Vụ lên đường nhập ngũ theo Tiểu đoàn Yên Ninh 2, Quân khu I vào chiến trường miền Nam B2. Là một người lính trực tiếp cầm súng, bị thương là điều khó tránh khỏi. Khi chiến đấu với kẻ địch, ông đã nhiều lần bị thương do bom, đạn. Mỗi khi thời tiết thay đổi, các vết thương trên người lại khiến ông đau nhức… Năm 1983, sau 14 năm lăn lộn khắp chiến trường Bắc - Nam, ông xuất ngũ trở về quê hương với chế độ thương bệnh binh. Nhìn vợ con vất vả, cái nghèo đeo bám quanh năm, đất đai cằn cỗi, ông đã tìm đủ mọi cách để phát triển kinh tế gia đình, không ngại gian nan vất vả. Được hợp tác xã chia cho một mẫu ruộng, ông tích cực lao động, trồng lúa và một số cây lương thực khác tạo thu nhập ban đầu.
Lúc ấy là cuối thập kỷ 80 (thế kỷ trước), nhận thấy địa phương có nhiều đất bỏ hoang, ông mạnh dạn xin phép chính quyền cùng gia đình khai hoang, cải tạo, mở đường, xây dựng khu trang trại rộng hơn 3 ha. Nhờ tích cực học hỏi, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp dựa vào đặc điểm của địa phương, ông Vụ đã chọn mô hình kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng với cây cà phê là chủ đạo.
Sau một thời gian, cây cà phê cho thu hoạch nhưng đầu ra không ổn định, ông quyết định chuyển đổi sang trồng chè. Hiện, khu vực vườn đồi của gia đình có diện tích gần 2 ha chè và cây ăn quả, chủ yếu là vải, hàng năm gia đình ông thu về gần 50 triệu đồng.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông nuôi thêm 50 con gà, chủ yếu là gà đẻ để lấy trứng và bán gà ấp. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư vào nuôi cá lồng với các giống cá như: rô phi, trôi, trắm... là những con giống cho năng suất cao. Sau một thời gian cần mẫn, lao động vất vả, ao cá của ông cho thu hoạch với sản lượng đáng kể. Số tiền thu được, ông lại tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi cá. Hiện nay, ông nuôi 3 lồng cá, mỗi lồng 100 con cùng với hơn 1 tạ cá giống thả mới để nuôi khai thác.
Khi Nhà nước triển khai chính sách giao rừng, cho thuê rừng, ông Vụ đã mạnh dạn nhận 2 ha đất để trồng cây lâm nghiệp, các loại cây chính ông chọn là keo, bồ đề… với thời gian sinh trưởng nhanh từ 6 - 7 năm được khai thác. Những tháng gần tết Nguyên đán, gia đình ông còn kiêm luôn nghề làm miến truyền thống của địa phương, tạo thêm nguồn thu nhập thời vụ. Với từng ấy công việc, tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông đạt 100 triệu đồng.
Ông Hà Đình Chỉnh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phúc Lộc cho biết: “Tuy mô hình kinh tế của ông Vụ chưa tiêu biểu so với các mô hình khác nhưng điều quan trọng, ông Vụ là một thương binh, được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước nhưng không ỷ lại vào đó mà vẫn tự mình tích cực vươn lên, không cam chịu trước số phận. Đó chính là phẩm chất của người lính Cụ Hồ”. Tấm gương tiêu biểu của ông Trần Đình Vụ đã phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần của người “Thương binh tàn nhưng không phế” như lời Bác Hồ đã dạy, tích cực làm giàu cho gia đình và địa phương.
Hoài Anh
Các tin khác
YBĐT - Năm 1995, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, song anh Bùi Xuân Lâm ở khu phố 2, thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) đã quyết tâm vừa đi làm thêm kiếm tiền đi học để có nghề nghiệp ổn định.
YBĐT - Tôi gặp chị - người phụ nữ đằm thắm có đôi mắt hút hồn, duyên dáng trong chiếc áo cỏm ôm sát eo thon. Bên ngôi nhà sàn truyền thống ấm cúng có 3 thế hệ trong gia đình cùng chung sống, cũng là cơ sở nghỉ dưỡng của khách du lịch cộng đồng, chị khiêm tốn khi nói về mình trên cương vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã song lại rất hào hứng khi chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở địa phương.
YBĐT -Chị Phượng kể, đến nay chị không nhớ rõ mình đã cứu giúp được bao nhiêu người, nhưng với trẻ em rơi xuống suối có nguy cơ bị đuối nước thì chị đã cứu được 4 em.
YBĐT - “Bây giờ, ai còn trồng chè...” - nghe bạn chê mà anh thấy “nóng mặt”. “Trồng chè thì đói lắm!” - nghe thêm một người bạn tỏ vẻ cảm thông mà lòng anh “đau” vì “tủi”. Những sự lòng “đầy tự trọng trai tráng” ấy đã suốt một năm dài không tưởng “hành hạ” người thanh niên 22 tuổi. Mặc bao xì xèo, anh vẫn quyết tâm đưa cây cam về trồng thay thế cây chè, sau đó là cây chanh tứ thời...