Hoàng Văn Toàn thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng
- Cập nhật: Thứ tư, 17/8/2016 | 7:44:13 AM
YBĐT - Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, từ một hộ nghèo nhất nhì trong thôn, đến nay, gia đình anh Hoàng Văn Toàn, thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đã trở thành hộ khá giả với mô hình nuôi cá lồng cho thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Toàn chăm sóc lồng cá.
|
Trao đổi với chúng tôi, anh Toàn cho biết, để đến được với thành công hôm nay quả là những tháng ngày hết sức gian truân. Vốn là người sinh ra và lớn lên từ vùng này, chuyện con cá, con tôm cũng không phải là xa lạ với anh. Lập gia đình, ra ở riêng năm 1998, khi đó vợ chồng anh cũng chỉ như những ngư dân khác ven hồ Thác Bà là ngày ngày đánh bắt tôm cá dưới hồ rồi đem ra chợ bán hoặc bán cho các thương lái trong vùng.
Đất canh tác ít, chủ yếu là cấy dưới cốt nước hồ, năm nào nước hồ rút sớm có đất sản xuất thì còn có chút lương thực dư giả, năm nào nước rút muộn thì lương thực lại là cả một vấn đề lớn của gia đình anh. Cuộc sống phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên, lúc được lúc không và rồi nguồn lợi thủy sản dưới hồ cũng dần cạn kiệt. Không chấp nhận cuộc sống khó khăn, năm 2001, anh rời quê hương theo anh em bạn bè vào miền Nam tìm công việc mới.
Sau hơn 5 năm ở nơi đất khách quê người, cuộc sống cũng không dễ chịu hơn chút nào. “Không đâu bằng quê hương mình” - nghĩ vậy anh lại khăn gói trở về xoay xở đủ nghề để kiếm sống mà cuộc sống cũng không khá hơn. Sau khi đi tham quan tìm hiểu một số mô hình làm kinh tế của người dân trong thôn, thấy nhiều gia đình đã khá giả và giàu lên nhờ nuôi cá lồng, vậy là năm 2012, dồn hết vốn liếng tích góp của gia đình, cộng thêm vay mượn người thân, anh Toàn quyết định ra hồ lập nghiệp bằng nghề nuôi cá lồng.
Lúc đầu do ít vốn, kinh nghiệm chưa có nên anh chỉ nuôi 1 lồng cá để thử nghiệm và tìm hiểu thị trường đầu ra, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm của các hộ nuôi cá đi trước. Sau một năm nuôi thử nghiệm, kết quả thu được ngoài sức tưởng tượng của anh. Trừ chi phí đóng lồng mất 7 triệu đồng và 3 triệu đồng tiền cá giống, anh vẫn thu lãi trên 30 triệu đồng.
Từ thành công này đã tiếp thêm nghị lực để anh có niềm tin vào nuôi cá lồng. Năm 2015, có chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi thủy sản theo chương trình hỗ trợ của tỉnh, với cơ chế hỗ trợ 5 triệu đồng cho 1 lồng đóng mới, anh Toàn mạnh dạn đăng ký để mở rộng quy mô nuôi cá của gia đình, được chương trình hỗ trợ 15 triệu đồng cho 3 lồng cá đóng mới.
Vậy là được chút tiền lãi, anh lại đầu tư hết vào nuôi cá lồng, mỗi lồng nuôi một loại cá khác nhau, lồng thì nuôi cá chim trắng, lồng thì nuôi cá rô phi đơn tính, lồng thì nuôi cá trắm cỏ.
Không nuôi theo kiểu công nghiệp, bởi vậy thời gian nuôi lâu hơn nhưng chất lượng cá thịt tốt hơn mà giá cũng cao hơn. Theo anh Toàn, hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu, nếu mình không quan tâm đến chất lượng, chạy theo lợi nhuận thì làm kinh tế sẽ không bền vững. Bởi vậy, thay vì nuôi một năm được 2 lứa, cá của gia đình anh mỗi năm chỉ được một lứa, thời gian nuôi có thể kéo dài từ 10 - 12 tháng. Tuy nhiên, khi đem sản phẩm ra bán ngoài thị trường được khá nhiều người dân tin tưởng, lắm khi khách gọi đến mua cá mà không có.
Theo như tính toán của anh Toàn, nếu so với nuôi trâu bò, gia cầm thì nuôi cá lồng lãi hơn nhiều. Con cá ở dưới nước nên dịch bệnh, rủi ro ít, chỉ cần chú ý một chút và có thêm ít kinh nghiệm về nuôi cá lồng thì chuyện làm giàu không có gì là khó khăn.
Bình quân mỗi năm, trừ chi phí, mỗi lồng cá cũng thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng. Mỗi năm một lứa, nếu biết tính toán nuôi theo hình thức đánh tỉa thả bù thì mỗi năm có thể nuôi tới 2 lứa, như vậy với 3 lồng cá, trừ chi phí mỗi năm thu về trăm triệu đồng là chuyện không mấy khó khăn.
Bốn năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng, giờ đây cuộc sống gia đình anh đã khá lên trông thấy. Dự định cuối năm 2016 này, sau khi thu hoạch xong một số lồng cá, anh sẽ đầu tư nuôi cá nheo hoặc cá lăng bởi đây là những loại cá có giá trị kinh tế khá cao.
Tuy nhiên nếu đầu tư mở rộng quy mô nuôi khoảng 5 - 6 lồng cá thì nguồn kinh phí cũng hơi eo hẹp bởi giá giống cá nheo, cá lăng khá cao. Nếu nuôi chuyên canh được những loại cá đặc sản này thì thu nhập bình quân của gia đình anh sẽ tăng lên tới 200 - 300 triệu đồng mỗi năm.
Chính bởi vậy mà anh Toàn mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương cần có thêm những cơ chế để hỗ trợ người dân vùng hồ trong việc nuôi cá lồng để những người dân như gia đình anh yên tâm phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.
Lê Thanh
Các tin khác
YBĐT - Với công việc ở đội phẫu thuật tiền phương Quân khu 8, mặc dù chỉ được 5 tháng huấn luyện về quân y nhưng ông đã sớm nổi tiếng và được đồng đội đặt cho cái biệt danh đầy ý nghĩa: “Người đàn ông có bàn tay mát” bởi ông khâu và băng bó vết thương cho đồng đội rất nhanh lành. “Nói là lính quân y, phục vụ công tác hậu phương song nhiều trận đánh chúng tôi cũng đều tham gia…”.
YBĐT - Đến thôn Ngòi Kè, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, ai cũng biết đến gia đình ông Đặng Văn Nam - 10 năm liền được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Không những thế gia đình ông còn làm kinh tế giỏi ở trong thôn.
YBĐT - Theo lời giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Yên Bình về gương thương binh điển hình làm kinh tế giỏi, chúng tôi tìm đến thăm mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình ông Nông Ngọc Trình là thương binh hạng 4/4 ở thôn Yên Mỹ, xã Xuân Lai để tìm hiểu cách làm giàu của ông.
YBĐT - Cái tên Giàng A Phử - thôn Sài Lương 4, xã An Lương (Văn Chấn) được nhiều người biết đến là một đảng viên người Mông tiên phong, đi đầu trong việc vượt qua khó khăn mở mang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng rừng quế bạt ngàn.