“Báu vật” của người Xa Phó
- Cập nhật: Thứ tư, 25/1/2017 | 9:52:43 AM
YBĐT - Nếu ai đã từng đến với bản làng người Xa Phó ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên vào những ngày hội xuân thì hẳn là sẽ không thể nào quên tiếng sáo cúc kẹ mời gọi bạn tình trong những đêm trăng của gái trai các bản làng nơi đây - một thứ âm thanh vừa êm ái, trong trẻo vừa dặt dìu, bay bổng khiến người nghe không khỏi xao xuyến.
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh hướng dẫn các thiếu nữ thổi sáo cúc kẹ.
|
Lần theo những âm điệu độc đáo ấy và để hiểu rõ hơn về loại nhạc cụ dân tộc này, chúng tôi đã tìm đến nghệ nhân Đặng Thị Thanh ở thôn 7 - người duy nhất biết thổi và chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Xa Phó.
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh cho biết: “Dân tộc Xa Phó cũng có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc như khùi xì mờ (điệu xòe truyền thống), ma nhí (khèn ma nhí) và đặc biệt là na cù pí cúc kẹ (sáo cúc kẹ) hay còn gọi là sáo mũi, một loại nhạc cụ độc đáo làm bằng cây nứa. Sáo cúc kẹ nổi tiếng độc đáo không phải bởi chất liệu làm nên nó mà là cách thể hiện nhạc cụ này. Năm 15 tuổi, lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng sáo cúc kẹ vào một đêm trăng khi đi ngủ trông nương ở trên rẫy và được cụ Bơ Thị Bà thổi cho nghe. Tôi đâm ra mê tiếng sáo cúc kẹ từ đó và quyết tâm học thổi bằng được”.
Loại sáo này nghe âm thanh thì hay nhưng để học thổi được là điều không hề đơn giản bởi cúc kẹ là loại sáo chỉ có một lỗ duy nhất, không hề có thêm lỗ chỉnh âm nào khác và được thổi bằng mũi nên để thổi được sáo cúc kẹ một cách bài bản và hoàn chỉnh thì người thổi cần hội tụ nhiều yếu tố. Phải là người có năng khiếu, có duyên với sáo và kiên trì rèn luyện cách thổi, giữ hơi, nén hơi, tiết chế hơi từ bụng để có hơi dài và đều, điều chỉnh âm điệu, ngắt nhịp, tiết tấu lên xuống luyến láy theo lời bài hát mà người thổi muốn thể hiện... Cứ kiên trì rèn luyện kết hợp với tố chất năng khiếu, bà đã học thổi được sáo cúc kẹ một cách điêu luyện.
Từ đó, trong các lễ hội ở địa phương, bà Thanh đều tham gia trình diễn góp phần quan trọng làm đa dạng và phong phú các chương trình văn hóa nghệ thuật của địa phương, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng và du khách. Cũng nhờ tiếng sáo cúc kẹ qua lời bài dân ca “Mời trang” của người Xa Phó đã giúp Nghệ nhân Đặng Thị Thanh đoạt được nhiều giải thưởng danh giá.
Năm 2004, bà Đặng Thị Thanh là một trong ba người đầu tiên trên cả nước chính thức được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Dân tộc Xa Phó là một trong những dân tộc thiểu số có lượng người tương đối ít ở Việt Nam. Đối với Yên Bái chỉ có duy nhất xã Châu Quế Thượng là có dân tộc Xa Phó với số lượng khoảng trên 700 người. Tiếng sáo cúc kẹ không chỉ là món ăn tinh thần mà còn góp phần làm đa dạng và phong phú kho tàng nhạc cụ văn hóa của các dân tộc ở Yên Bái, đã và đang được lưu giữ bởi các nghệ nhân dân gian tâm huyết như bà Đặng Thị Thanh cùng lớp trẻ yêu truyền thống văn hóa dân tộc ở địa phương.
A Mua
Các tin khác
YBĐT - Các bức tranh được tạo ra từ đá của chị Hằng trở nên sống động hơn, những thảm cỏ như được trải thêm một màu xanh mượt mà, óng ánh, những con suối như róc rách reo vang, những tà áo trở nên mềm mại, lụa là... đầy cuốn hút.
YBĐT - Hỏi chuyện mấy đồng nghiệp công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Trạm Tấu, mọi người bảo: “Ông Lò Văn Khiêm và bà Lò Thị Ương chứ gì? Cả huyện đều biết!”. Lý do mọi người đều biết, bởi “kỷ lục” mà ông bà đã tạo nên khi sinh tới 18 người con và bây giờ có cả “đại đội” cháu, chắt. Nhưng sự “nổi tiếng” này càng đặc biệt hơn là, các con cháu của ông bà đều phương trưởng, trở thành công dân tiêu biểu.
YBĐT - Trân trọng và luôn ý thức gìn giữ vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, ở cái tuổi ngoài 70, ông Lạc Văn Sinh đã nỗ lực rất nhiều để phục dựng thành công lễ cấp sắc; các điệu múa chim gâu, múa xúc tép...
YBĐT - Mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, quyết tâm vượt khó để khẳng định bản thân cũng như nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng và góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp - họ là những người nông dân năng động, giàu nghị lực.