Tình yêu, nghị lực của người chiến sỹ Trường Sơn
- Cập nhật: Thứ tư, 26/4/2017 | 12:06:33 PM
YBĐT - Đến thăm nhà hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái (gọi tắt là Hội Trường Sơn) - Lê Đình Chiến, huyện Trấn Yên hôm nay, không ai nghĩ gần 10 năm trước, gia đình anh còn ở trong túp lều gió lộng bốn bề và trên chiếc giường gỗ tạp ọp ẹp là người vợ bị bệnh hiểm nghèo và 4 người con nheo nhóc.
Phát triển trồng rừng gắn với chế biến gỗ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương huyện Trấn Yên. (ảnh minh hoạ)
|
Sự túng bấn đã khiến gia đình kiệt quệ. Trong khi đó, bản thân anh Chiến lại mang trên mình nhiều mảnh bom trong những năm chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn, do vậy, những ngày trái nắng, trở trời là thân mình đau nhức. Để có tiền mua thuốc cho vợ chữa trị và có tiền đóng học cho con, Lê Đình Chiến đã bán nốt mảnh đất hương hỏa cha ông đã để lại.
Đất đồi rừng ở xã Việt Cường lúc đó không thiếu, nhưng với hoàn cảnh của anh thì làm sao mà khai hoang, trồng trọt cho được. Cảm thông với hoàn cảnh đồng đội, các chiến sỹ Trường Sơn trong xã Việt Cường đã tập trung lại động viên, giúp đỡ và chung sức khai hoang giúp anh được hơn 1 sào đất đồi để trồng chè, đắp một bờ khe làm ao để bố con anh nuôi cá làm thức ăn hàng ngày.
Nhờ được tôi luyện trong những năm tháng chiến đấu trên chiến trường ác liệt, gian khổ, hy sinh lại được đồng đội động viên, giúp đỡ, Lê Đình Chiến đã dần dần vượt qua khó khăn. Ngoài những ngày lặn lội đưa vợ đi khắp nơi chữa trị, Lê Đình Chiến lại cần mẫn phá hoang, bạt đất làm ruộng. Nhiều hôm, khi cắt được gánh cỏ rải xuống ao cho cá ăn thì trời đã tối.
Thương mẹ bệnh tật, thương bố làm lụng vất vả, 4 đứa con của anh đã bảo nhau khi đi học về thì tập trung làm mọi việc trong nhà đỡ đần bố mẹ rồi mới ngồi học bài.
Khi tiền bán đất mua thuốc điều trị cho vợ vừa cạn, cũng là lúc đồi chè của anh Chiến đã cho thu hoạch lứa đầu. Đứa con trai lớn cũng học xong lớp 12 và cháu xin đi học lái xe ô tô để có nghề giúp đỡ bố.
Được đồng đội và chính quyền địa phương giúp đỡ, bố con anh quyết định vay tiền tín dụng và đồng đội Trường Sơn mỗi người cho vay, giúp đỡ một ít, Lê Đình Chiến đã đưa vợ về Hà Nội phẫu thuật.
Sau nửa tháng, được các giáo sư, bác sỹ hết lòng chăm sóc, chữa trị vợ anh đã dần hồi phục sức khỏe. Hôm đưa vợ về nhà, đồng đội, bà con xóm làng, chính quyền cùng đến chia vui làm anh vô cùng cảm động.
Năm tháng cứ dần trôi, ao cá của gia đình anh Chiến đã thành đầm cá rộng gần nửa héc-ta với đầy đủ: trôi, mè, trắm cỏ mỗi năm cho thu hoạch trên 40 triệu đồng; đồi quế 0,5 ha đã cho thu hoạch mỗi lứa cũng gần trăm triệu đồng và bây giờ đợt quế thứ hai đã to, sắp được khai thác; đồi chè 1,2 ha cho thu hoạch đều đều hàng tháng. Có một chút kinh tế, vợ chồng Lê Đình Chiến đã trả được hết tiền vay tín dụng, vay của đồng đội.
Số còn lại, anh mua một cặp bò sinh sản và một con trâu để canh tác. Vui nhất là 4 đứa con của anh chị đều học xong lớp 12, trong đó có một cháu học cao đẳng sư phạm và nay là cô giáo ngoài thành phố Yên Bái. Cháu cả lái xe nay đã có ô tô tải riêng để đi làm công trình và 4 cháu đều đã có gia đình hạnh phúc, êm ấm.
Khi chúng tôi đến thăm, Lê Đình Chiến và vợ vừa dọn về ngôi nhà mới xây 3 gian, mái bằng mà vợ chồng anh được chính quyền địa phương và các đồng đội Trường Sơn giúp đỡ.
Cảm động trước tình nghĩa đồng đội, anh Lê Đình Chiến tâm sự: "Nếu không có các đồng đội Trường Sơn, không có chính quyền địa phương giúp đỡ thì gia đình tôi chắc sẽ không được như ngày hôm nay. Tôi vô cùng trân trọng tình nghĩa quý báu đó và gia đình tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải sống tốt hơn nữa để đáp đền tình nghĩa đồng đội và có điều kiện để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn mình".
Chia tay với đồng đội, nhìn cơ ngơi một căn nhà xây vững chãi, trước mặt là một hồ cá, sau nhà là đồi chè, đồi quế xanh tốt, đàn gà, đàn ngan tíu tít, cùng những con trâu, con bò béo mập... chúng tôi vui mừng, cảm phục một tình yêu thủy chung, một nghị lực phi thường của người lính, một thương binh Trường Sơn - Lê Đình Chiến. Anh đã sống một cuộc sống đúng như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Bùi Hòa Bình (Hội Truyền thống Trường Sơn -đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Năng động, nhiệt tình, hòa đồng với mọi người, hết lòng vì công việc là nhận xét của lãnh đạo, cộng sự, đoàn viên công đoàn về chị Nguyễn Thị Thủy - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Chủ tịch Công đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.
YBĐT - Sau 21 năm nỗ lực trên quê mới Yên Bái, vợ chồng ông bà Lại Đức Khanh và Phan Thị Đổi đã có khu đất rộng 6 ha làm mô hình kinh tế tổng hợp với 100 gốc vải thiều, 100 cây bưởi da xanh, 4 ha keo, nuôi gà, thả cá...
YBĐT - Tận dụng 1.600 m2 đất của gia đình, vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung ở thôn 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà với quy mô 1.000 con theo mô hình nuôi thả vườn.
YBĐT - Mỗi giờ học của cô Dung, học sinh đều hào hứng bởi toàn bộ nội dung tiết học, nhiệm vụ trong mỗi bài học được biến thành các trò chơi, câu hỏi vui nhộn.