Giàu nhờ cây quế
- Cập nhật: Thứ năm, 4/5/2017 | 6:40:36 AM
YBĐT - Rời quê huơng Nam Định, vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Bình và Trần Thị Yến đã 40 năm gắn bó với thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên. Đến nay, gia đình ông bà đã có 10 ha quế hơn 10 năm tuổi trở lên, cây lâu năm nhất là 30 năm tuổi.
Vừa tròn 40 năm, vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Bình và Trần Thị Yến gắn bó với thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên. Rời Nam Định, ông bà lựa chọn nơi đây làm quê hương thứ hai. Lúc đó, cây quế của người Dao địa phương đã có rất nhiều nhưng giá trị kinh tế chưa cao. Dẫu vậy, thấy nhiều đất còn trống nên tiếc, vợ chồng ông bà cũng cứ trồng theo mọi người.
Tích ít thành nhiều, ông bà xin nhặt hạt giống từ những đồi quế của đồng bào Dao để mở rộng dần diện tích. Vùng đất này vốn nổi tiếng có giống quế lá nhỏ, hàm lượng và chất lượng tinh dầu tốt.
Đến nay, gia đình bà Yến có 10 ha quế hơn 10 năm tuổi trở lên, cây lâu năm nhất là 30 năm tuổi. Đặc biệt, 20 cây quế ở một khu đồi tập trung của ông bà đã trở thành những cây quế giống bảo tồn nguồn gen của huyện. Thường thì tuổi đời cây quế phải từ 15 năm trở lên mới có thể lấy hạt giống gieo trồng nên cây quế được đưa vào bảo tồn nguồn gen giống lại càng quý hơn.
Tận dụng lợi thế của nhà sẵn có, bà Yến cho biết đã mua thêm được 2 ha để trồng bằng số hạt giống lấy từ những cây quế bảo tồn nguồn gen quý giá ấy. 2 ha này ở thời điểm hiện tại đã 4 năm tuổi, sinh trưởng và phát triển tốt. Giá trị kinh tế của cây quế ngày càng cao, nhất là đối với vùng quế trọng điểm của huyện, trong đó có xã Viễn Sơn. Bởi thế, nhân dân địa phương cũng ngày càng chú trọng quan tâm phát triển cây quế.
Ngoài sự ưu đãi của thiên nhiên về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để trồng quế, một yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của cây quế chính là hạt giống. Bà Yến chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của bản thân, dù gieo thẳng hay gieo bầu thì vẫn phải luôn chú ý xử lý hạt giống nhưng tôi thường chọn cách gieo bầu, giúp cây quế có sức phát triển tốt hơn”.
Cây quế cho hạt giống cũng có năm được mùa, có năm mất mùa. Được mùa, gia đình có thể thu về 50 kg đến 60 kg hạt quế giống. Tránh bị chim ăn mất nhiều hạt ở những cây quế giống tốt thì phải có người trèo lên cây đập, hái, nhặt. Thu gom hạt giống xong, bà loại bỏ những hạt lép lẫn hạt lửng, ủ hạt vào trong cát, tưới nước để giữ ẩm, đợi đến lúc nứt mầm sẽ chuyển hạt đó vào bầu.
Với cách này, tỷ lệ hạt quế giống nảy mầm thường đạt tới 90% và khi trồng bảo đảm sự sinh trưởng và phát triển. Hạt quế của 20 cây quế bảo tồn nguồn gen giống, những năm được mùa, bà Yến rất vui khi đem bán cho những người có nhu cầu.
Bà Yến cho biết: “Giá bán của hạt quế giống ở những cây quế thường và những cây quế bảo tồn nguồn gen, tôi bán bằng giá nhau ở mức 100.000 đồng một cân tươi, không có chênh lệch. Nói thật cũng không ai biết thế nào để phân biệt hai loại hạt quế giống đó nhưng tôi thường nói rõ cho người mua biết. Thực tế thì người nọ mách người kia nên họ cũng tìm tới nhà tôi đặt mua hạt quế giống. Có là tôi bán hết, không giấu, không giữ”. Bà Yến cứ nhắc mãi rằng gia đình mình đã thoát nghèo và làm giàu trên quê hương vùng cao, có cây quế đóng góp không nhỏ.
Nguyễn Thơm
Các tin khác
YBĐT - Anh Nhâm Thế Tuyền, "người lính Cụ Hồ" ở Lữ đoàn Phòng không 297, Quân khu 2 đã 4 lần trả lại tài sản cho người đánh rơi, trong đó có hai lần trả lại số tiền 78,9 triệu đồng.
YBĐT - Dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được và đứng ra vận động các bạn nhỏ trong xóm thành lập nhóm nhặt ve chai gây quỹ, ủng hộ cho những người hoàn cảnh khó khăn - đó là việc làm giàu lòng nhân ái của em Trịnh Xuân Mai, học sinh lớp 3D, Trường Tiểu học Trần Phú, thị trấn Yên Thế - Lục Yên, người sáng lập ra nhóm từ thiện “Búp sen xanh”.
YBĐT - Đến thăm nhà hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái (gọi tắt là Hội Trường Sơn) - Lê Đình Chiến, huyện Trấn Yên hôm nay, không ai nghĩ gần 10 năm trước, gia đình anh còn ở trong túp lều gió lộng bốn bề và trên chiếc giường gỗ tạp ọp ẹp là người vợ bị bệnh hiểm nghèo và 4 người con nheo nhóc.
YBĐT - Năng động, nhiệt tình, hòa đồng với mọi người, hết lòng vì công việc là nhận xét của lãnh đạo, cộng sự, đoàn viên công đoàn về chị Nguyễn Thị Thủy - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Chủ tịch Công đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.