Những nông dân giàu nghị lực

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/7/2017 | 8:10:21 AM

YBĐT - “Đất tốt hay xấu là do bàn tay con người”, “không có khoảng trống của thời gian”- đó là quan điểm của những nông dân có ý chí, nghị lực vươn lên mạnh mẽ làm giàu trên quê hương Văn Chấn.

Ông Đặng Xuân Nghĩa thu hái chè.
Ông Đặng Xuân Nghĩa thu hái chè.

Bản Đao, xã Phù Nham vốn là vùng đất khai thác nguyên liệu của Nhà máy Gạch tuynel Văn Chấn. Đất này làm nguyên liệu gạch thì tốt nhưng để canh tác thì lại khó khăn, do đất cằn cỗi, tầng canh tác mỏng, ít mùn.

Thế nhưng, với 7 ha đất cằn cỗi đó, dưới bàn tay của ông Đào Danh Bộ đã biến nó thành một trang trại cho thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng. Thử nghiệm nhiều loại cây trồng, chịu khó tìm tòi, học tập qua sách báo, qua truyền hình, lặn lội tìm hiểu các mô hình trang trại phù hợp, ông Đào Danh bộ quyết định đầu tư phát triển trang trại theo hướng trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi bò bán công nghiệp. Đất ở bản Đao tuy cằn cỗi nhưng lại khá phù hợp với cây xoài và dứa. Vì vậy, ông Bộ dành phần lớn đất đai của mình để trồng xoài, dứa, một phần trồng cỏ voi gây dựng đàn bò nái 10 con.

Thu nhập chính của ông Bộ là từ đàn bò sinh sản và ông cho biết: “Đây là giống bò lai, dễ nuôi, khả năng tăng trọng nhanh, ít dịch bệnh, có khả năng sinh sản tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Ngoài những kinh nghiệm đã có, ông Bộ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò để biết thêm những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi. Nhờ sự chăm sóc chu đáo, cộng với việc ông thường xuyên nhận được sự hướng dẫn chăn nuôi của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là công tác tiêm phòng dịch bệnh, tiêu độc khử trùng cho đàn bò và chuồng nuôi nên đàn bò luôn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Mỗi năm, ông Bộ thu về trên 100 triệu đồng từ bán bò giống, kết hợp với cây ăn quả thì tổng thu của ông gần 200 triệu.

Còn ông Đặng Xuân Nghĩa, tổ 4B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ lại chọn hướng làm giàu cho mình từ cây chè, cây ăn quả. Ông Nghĩa kể về những ngày tháng khổ cực khi mới cưới vợ ra ở riêng, đất sản xuất chẳng có được bao nhiêu nên vợ chồng ông phải xoay đủ nghề, buôn bán đủ nơi để duy trì cuộc sống và tích cóp từng đồng vốn.

“Một ngày vợ chồng tôi nấu 4 nồi rượu, mỗi nồi 20 kg gạo, trong chuồng lợn lúc nào cũng có trên 20 con. Tôi lao động từ sáng tới tối mịt không lúc nào rảnh” - ông Nghĩa bày tỏ.

Với ông Nghĩa, thời gian rảnh rỗi là một thứ gì đó quá xa xỉ. Nhờ sự cần cù đó, chỉ sau 6 năm ra ở riêng, năm 1996 ông xây được căn nhà 2 tầng đầu tiên trong thôn và người dân khi đó còn dị nghị rằng, chỉ có buôn bán hàng cấm mới giàu lên nhanh vậy. Năm 2005, ông Nghĩa chuyển đổi 0,5 ha đất trồng sắn sang trồng chè lai DP1.

Với tính cần cù, chịu khó học hỏi, sau vài năm cây chè thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao và ông Nghĩa xác định cây chè là hướng đi chính để phát triển kinh tế gia đình. Ông tiếp tục tích cóp mở rộng diện tích chè lên 1,5 ha, áp dụng sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, mỗi năm ông thu về trên 150 triệu đồng từ cây chè.

Có chút tiền nào, ông lại đầu tư mua đất đồi rừng mỗi năm một ít. Đến nay, ông đã có 10 ha đất rừng; trong đó, 7 ha đầu tư trồng cây ăn quả: xoài, nhãn, vải, còn lại ông trồng keo. Đến nay, thu nhập mỗi năm từ trang trại của ông Nghĩa đạt trên 300 triệu đồng và sẽ còn tăng lên khi 7 ha cây ăn quả cho thu hoạch ổn định. 

Nói về những thành công của nông dân Văn Chấn, ông Nguyễn Hồng Dương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Trước hết, phải khẳng định nghị lực, khát vọng vươn lên luôn cháy bỏng trong tâm thức mỗi nông dân và họ dám chấp nhận thử thách, mạnh dạn đầu tư, biết tận dụng tốt các nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, những năm qua, huyện Văn Chấn đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo được khí thế thi đua sôi nổi, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn huyện tham gia. Qua phong trào, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân đã trở thành nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, tạo sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa tổ chức hội với hội viên, nông dân, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh, đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị địa phương”.

Thông qua phong trào, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thúc đẩy thành lập nhiều loại hình liên kết, hợp tác xã. Đến nay, huyện Văn Chấn có 33 tổ liên kết của 641 hộ trồng cam, hàng trăm gia trại, mô hình kinh tế tổng hợp. Nhiều hộ nông dân đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, HTX nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Anh Dũng

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục