Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/8/2017 | 8:08:21 AM

YBĐT - Sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả tại xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái, anh Nguyễn Ngọc Tài từng nuôi dưỡng trong mình ước mơ trở thành sinh viên Đại học Mỏ - Địa chất. Điều kiện không cho phép tiếp tục theo đuổi con đường học tập, người thanh niên giàu nghị lực này đã chọn cho mình hướng đi mới, lập nghiệp bằng nghề làm nhôm kính từ hai bàn tay trắng.

Cửa hàng nhôm kính của anh Nguyễn Ngọc Tài.
Cửa hàng nhôm kính của anh Nguyễn Ngọc Tài.

Được sự giới thiệu của Đoàn xã Phúc Lộc, chúng tôi tìm đến cơ sở làm nhôm kính của anh Nguyễn Ngọc Tài tại thôn 2, xã Phúc Lộc. Mới 32 tuổi nhưng vẻ bề ngoài của anh thì già hơn tuổi khá nhiều và bất cứ ai khi đối diện đều hiểu sự chững chạc ấy cũng bởi những ngày tháng bươn trải, khó khăn anh đã từng trải qua.
 
Nhưng ngược lại với dáng người nhỏ nhắn, anh Tài luôn toát lên vẻ hoạt bát, nhanh nhẹn, rất dễ gần gũi khi tiếp xúc. Bắt đầu câu chuyện của mình với vẻ mặt đượm buồn như vẫn còn nhiều điều nuối tiếc. Sau khi học xong trung học phổ thông, ước mơ sẽ bước vào trường đại học nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh đã đi làm một năm, kết hợp ôn luyện thêm kiến thức, tích cóp tiền chuẩn bị hành trang vào con đường học tập sắp tới.
 
Thế nhưng, bao nhiêu nỗ lực của anh đã không thành hiện thực. Buồn tủi một thời gian dài và đã có nhiều lúc mất phương hướng nhưng rồi như sực tỉnh, anh xác định phải lựa chọn cho mình một hướng đi mới, đó là phải học một nghề để có thể nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Khi đang băn khoăn lựa chọn giữa muôn vàn ngành nghề thì anh Tài được một người chú ở thành phố Yên Bái có cơ sở làm nhôm kính đã định hướng và dạy nghề cho anh.
 
Nhớ lại những ngày tháng mới vào nghề, anh Tài kể: "Giữa lúc đang chới với, thì người chú đối với tôi như vị cứu tinh. Sau một thời gian vừa học vừa làm, tôi ngày một yêu thích nghề này. Mong muốn được nâng cao tay nghề hơn nữa, tôi đã xin phép chú cho xuống Hà Nội làm. Thị trường Hà Nội phát triển hơn ở Yên Bái và làm ở đấy, tôi học hỏi được nhiều, tay nghề cũng lên rất nhanh. Đến năm 2009, tìm hiểu thấy Lào Cai là một thị trường lớn để phát triển nghề nhôm kính, với số tiền tích cóp 6 năm đi làm, tôi đã một thân một mình lên Lào Cai mở cửa hàng lập nghiệp".
 
Là một thợ có tay nghề cao, thị trường tại Lào Cai lại lớn nên anh Tài chỉ mất một thời gian ngắn để khẳng định và thu hút khách hàng. Những tưởng khó khăn đã qua đi, cuối cùng cũng đến ngày gặt hái thành công thì điều không may lại ập đến với anh.
 
Trong một lần lắp đặt cho khách anh bị tai nạn lao động, gãy hai gót chân. Nhìn xuống đôi bàn chân trở trời vẫn đau nhức, anh Tài tâm sự: "Vừa mở được cửa hàng của riêng mình, lượng khách hàng cũng dần đi vào ổn định thì tôi gặp tai nạn. Đóng cửa hàng, tôi về quê điều trị mất một năm. Sau khi hồi phục sức khỏe, được sự động viên của gia đình và với số tiền còn tích cóp trong thời gian mở cửa hàng tại Lào Cai, đầu năm 2010, tôi mở cửa hàng nhỏ tại quê. Ngày ấy, quê tôi còn nghèo lắm, điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nên nghề làm nhôm kính chưa phát triển mấy. Cuối năm 2010, tôi lấy vợ rồi sinh con, lượng khách chưa nhiều nên cuộc sống rất bấp bênh. Đến năm 2013, khi các dự án lớn đi qua địa bàn xã, người dân được đền bù nhiều, chuyển đổi ngành nghề, đời sống dần nâng cao thì cửa hàng của tôi mới đi vào ổn định và phát triển như ngày hôm nay. Nghĩ lại, khó khăn đã trải qua, tôi lại càng quý những gì đang có. Cho đến giờ, tôi tin rằng, nếu có quyết tâm bất cứ ai cũng có thể vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng". Vượt qua những thăng trầm, đến nay, cửa hàng của anh Tài đã phát triển, thu nhập mỗi tháng gần 30 triệu đồng. Hiện, anh thuê thêm 3 thợ và trả công từ 5,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Nguyễn Ngọc Tài còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội ở địa phương và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Anh Uông Văn Trung - một thợ làm tại cửa hàng của anh Tài cho biết: "Tôi ở cùng xã với anh Tài. Bố tôi mất sớm, một mình mẹ tôi nuôi hai anh em khôn lớn. Năm 2014, thấy hoàn cảnh của tôi khó khăn, anh Tài đã tạo điều kiện cho tôi vừa học vừa làm nghề. Anh Tài nhiệt tình, hiền lành, đã chỉ dạy tôi tận tình. Nhờ đó, tay nghề của tôi đã khá lên từng ngày và giờ tôi được trả công 7 triệu đồng/tháng. Số tiền này đủ để tôi trang trải cuộc sống gia đình và để ra một khoản nhỏ cho những dự định tương lai".

Tự đứng dậy sau những khó khăn nhất của cuộc đời, không đầu hàng, cam chịu, anh Tài đi lên từ đôi bàn tay trắng. Anh Nguyễn Ngọc Khoa - Bí thư Đoàn xã Phúc Lộc cho biết: "Anh Tài là một người trẻ, năng động, có chí hướng phấn đấu. Khi huy động các chương trình đóng góp, ủng hộ của Đoàn xã, anh Tài đều nhiệt tình tham gia. Trong cuộc sống hàng ngày, anh Tài cũng rất gương mẫu và sống chan hòa với mọi người, luôn tạo điều kiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Với những nỗ lực của bản thân và những thành công đạt được, anh Tài là tấm gương sáng cho đoàn viên thanh niên trong xã học tập".

Lê Thương

Các tin khác
Bí thư Chi bộ Hảng Tồng Chư (bên phải) trao đổi với lãnh đạo xã về việc vận động bà con hiến đất xây dựng đường điện lưới quốc gia.

YBĐT - Không chỉ là một bí thư gương mẫu, trách nhiệm mà ông còn luôn đi đầu tuyên truyền, vận động bà con phòng chống dịch bệnh, xóa bỏ các hủ tục và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Ông là Hảng Tồng Chư - Bí thư Chi bộ bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

Ông Mai Xuân Thìn (bên phải) trao đổi thông tin sản xuất, kinh doanh với các xã viên trong HTX.

YBĐT - Từ một thương binh hạng 3/4,  ông Mai Xuân Thìn (ở tổ 6, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái) đã trở thành chủ nhiệm một hợp tác xã có 40 xã viên, người lao động với tổng vốn điều lệ 5 tỷ đồng. 

Chăn nuôi gà thương phẩm quy mô lớn của anh Hoàng Văn Hoan mang lại hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Trấn Yên, sớm thoát ly gia đình, sau nhiều năm bươn chải ở Hà Nội, tiết kiệm được khoản tiền nho nhỏ, chàng trai sinh năm 1989 - Hoàng Văn Hoan, ở thôn Đồng Bằng 3, xã Lương Thịnh quyết định trở về quê hương ấp ủ khát vọng làm giàu. 

Phóng viên Hùng Cường trong một lần đi cơ sở viết bài

"Tận mắt chứng kiến cảnh tượng tàn khốc mà trận lũ kinh hoàng vừa càn quét qua Mù Cang Chải (Yên Bái) khiến cả 1 khu dân cư vốn yên bình, nhộn nhịp nay bỗng tan hoang đổ nát; đối diện với những gương mặt, ánh mắt thất thần của đồng bào khi trắng tay bởi tài sản bao năm tích cóp đã bị "dòng nước dữ” cuốn phăng, đặc biệt là những gia đình vẫn đang trông ngóng từng phút, từng giờ mong tìm lại người thân mất tích… đã khiến lòng tôi đau nhói, xót xa, đan xen nhiều cảm xúc khó tả…”. Đó là trải lòng của phóng viên Hùng Cường- Báo Yên Bái- về chuyến hành trình tác nghiệp đầy vất vả, khó khăn nhưng cũng rất ấn tượng của mình. Nhà báo Hùng Cường cho biết:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục