Bước chân người lính giữa đời thường

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/8/2017 | 8:03:39 AM

YBĐT -  Người cựu chiến binh đầy sáng tạo đã quy hoạch đất thành từng vùng và có kế hoạch sản xuất, chăn nuôi được vạch ra theo phương châm đầu tư ít, hiệu quả cao. 

Ao cá thương phẩm và cơ ngơi khang trang của cựu chiến binh Văn Hữu Khanh.
Ao cá thương phẩm và cơ ngơi khang trang của cựu chiến binh Văn Hữu Khanh.

Giản dị, chân thành, cởi mở đó là những cảm nhận đầu tiên khi tôi gặp CCB Văn Hữu Khanh ở xã Việt Cường, huyện Trấn Yên. Trong ngôi nhà xây 2 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi ông rôm rả kể cho chúng tôi nghe về những nỗ lực của bản thân và gia đình để có thành công trong phát triển kinh tế như ngày hôm nay.
 
Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông lên đường nhập ngũ. Tham gia chiến đấu chưa được bao lâu, năm 1972, trong một trận chiến tại chiến trường miền Tây Quảng Trị do sức ép của hơi bom B52 ông bị thương, bỏng nặng, suy giảm thị lực hai mắt. Sau một thời gian được chữa trị, tiếp tục trở lại chiến đấu nhưng tham gia công tác hậu cần. Đến năm 1974, sức khỏe suy giảm ông rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường.
 
Bồi hồi nhớ lại quá khứ, ông kể: "Ngày mới ra quân, hai mắt hoàn toàn không nhìn thấy, sức khỏe suy yếu, tất cả mọi thứ đều tăm tối, đi lại phải sờ, hoàn toàn không làm được gì giúp vợ con. Được sự động viên của vợ, tôi chạy chữa suốt 2 năm, cuối cùng cũng nhìn thấy trở lại tuy không được rõ cho lắm. Sau thời gian phục hồi, tôi nghĩ mình may mắn sống trở về với gia đình là hạnh phúc rồi, bản thân không tiếp tục tham gia chiến đấu cùng đồng đội nữa thì ở hậu phương cũng phải sống sao cho xứng đáng là người lính Cụ Hồ".
 
Năm 1976, ông Khanh tham gia công tác thu ngân sách tại xã, đồng thời khai hoang mở rộng ruộng đất, đào 2 sào ao thả cá. Ban ngày, hai vợ chồng ông lao động sản xuất tại hợp tác xã, đêm về đốt đuốc cuốc từng tấc đất, tự tay đắp từng bờ ao. Năm 1991, dưới chủ trương giao đất giao rừng, gia đình ông nhận thêm 10 ha đất trồng rừng.
 
Chỉ tay về vạt đồi phía sau nhà, ông kể: "Trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế đấy nhưng không phải được thu ngay trước mắt. Nhiều đêm nằm trăn trở, tôi nghĩ mình phải làm gì để phát triển kinh tế, không thể trông chờ rừng cây vài năm mới cho thu hoạch, phải lấy ngắn nuôi dài".
 
Nghĩ là làm, người CCB đầy sáng tạo đã quy hoạch đất thành từng vùng và có kế hoạch sản xuất, chăn nuôi được vạch ra theo phương châm đầu tư ít, hiệu quả cao. Ông dành 1ha đất để trồng chè, mua trâu, bò về nuôi, thuê máy xúc về đắp hơn 6.000m2 đất thả cá.
 
Để tránh rủi ro ông thả các giống cá truyền thống, nuôi vài chục gà vừa đẻ trứng vừa thương phẩm. Cá thả ao, gà thả vườn, chi phí chăn nuôi thấp mà chẳng mấy chốc đã cho thu nhập. Cặp trâu, bò sau vài năm phát triển lên được gần 30 con. Làm ăn thắng lợi, kinh tế gia đình ông cũng đi lên từ đấy. Với phương thức lấy ngắn nuôi dài, đến nay, gia đình ông mỗi năm thu về gần 200 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, CCB Văn Hữu Khanh còn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các CCB khác vươn lên thoát nghèo. Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội CCB xã Việt Cường cho biết: "Những năm qua, CCB Văn Hữu Khanh luôn tích cực trong mọi hoạt động của Hội, giúp đỡ các hội viên khác thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Với kinh nghiệm của mình, ông còn tích cực trao đổi với các hội viên, giúp họ biết cách làm kinh tế hiệu quả, cải thiện thu nhập cho gia đình".
 
Giữa đời thường, dẫu vẫn còn gian khó nhưng người lính Cụ Hồ năm xưa giờ đây đã hạnh phúc sống bình yên bên gia đình. Phần thưởng cao quý nhất đối với ông chính là sự tin yêu của đồng chí, đồng đội, sự bao bọc, kính trọng của người dân nơi đây.

Lê Thương

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục