Học và làm theo Bác để đam mê sáng tạo

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/8/2017 | 2:11:24 PM

YBĐT - "Cả cuộc đời không ngừng học tập, tiếp thu những cái mới. Học theo Bác Hồ là học ở tính cần cù, kiên nhẫn và cả niềm đam mê sáng tạo” - đó là chia sẻ của anh Phạm Văn Quang - Phó Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa và Thí nghiệm điện (SC&TNĐ), Công ty Điện lực Yên Bái - tấm gương tiêu biểu về tinh thần say mê lao động sáng tạo, cống hiến cho xã hội.

Anh Phạm Văn Quang - Phó Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa và Thí nghiệm điện (thứ hai bên phải) cùng các đồng nghiệp đang trao đổi chuyên môn tại phân xưởng.
Anh Phạm Văn Quang - Phó Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa và Thí nghiệm điện (thứ hai bên phải) cùng các đồng nghiệp đang trao đổi chuyên môn tại phân xưởng.

Là kỹ sư trực tiếp sản xuất và giữ cương vị Phó Quản đốc Phân xưởng, anh Phạm Văn Quang luôn ý thức nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề, đáp ứng yêu cầu sửa chữa và thí nghiệm của phân xưởng. Nhiều năm qua, anh luôn là tấm gương sáng về tình yêu nghề nghiệp, ham học hỏi và say mê sáng tạo.
 
Cùng làm việc tại Phân xưởng hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Ngọc Hưng hiểu rất rõ đức tính và ham học hỏi cùng những sáng kiến mà Phạm Văn Quang đã đóng góp cho Phân xưởng. Anh Hưng chia sẻ: "Ấn tượng đầu tiên của tôi về Quang chính là tính kiên nhẫn, không ngại khó khăn. Trong lần đầu tiên em cùng tổ công tác đi sửa chữa trạm biến áp tại huyện Văn Yên, khi mọi người đã mệt mỏi trước điều kiện thời tiết oi bức, trang thiết bị cũ kỹ thì Quang vẫn kiên trì để hoàn thành công việc dù quá bữa trưa”.
 
Chỉ về phía cầu trục lăn 1 dầm 3 tấn đang vận chuyển máy biến áp nặng hàng trong xưởng sửa chữa, anh Hưng nói tiếp: "Khi Phân xưởng được tiếp nhận cầu trục lăn 1 dầm để vận chuyển các biến áp phục vụ công nhân sửa chữa, do thiếu một số thiết bị nên nó hoạt động không tốt, gây nguy hiểm cho người vận hành và cả trang thiết bị nên Quang đã mày mò, nghiên cứu bổ sung một số chi tiết giúp cầu trục hoạt động tốt hơn, độ an toàn rất cao”.

Với lòng yêu nghề và đam mê sáng tạo không ngừng, trong 10 năm làm việc ở Phân xưởng SC&TNĐ Quang đã thực hiện đến 8 sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn sản xuất được Công ty Điện lực Yên Bái và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đánh giá cao.
 
Cụ thể, chế tạo thành công máy cuốn dây máy biến áp, chế tạo máy tạo dòng điện xoay chiều từ 0 đến 6 nghìn Ampe phục vụ công tác thí nghiệm điện, chế tạo máy hàn thanh cái đồng bằng điện trở than; chế tạo thiết bị sấy tiết kiệm điện phục vụ công tác thí nghiệm dầu MBA... Cá nhân anh đã cải tiến hợp lý hóa sản xuất thành công "Cầu trục lăn một dầm 3 tấn” để phục vụ nhu cầu sửa chữa máy biến áp được Công ty Điện lực Miền Bắc công nhận năm 2012; chế tạo thành công "Thiết bị đo tỷ số biến và đóng xung kích máy biến áp” và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc công nhận năm 2013; chế tạo "Máy tạo dòng lưu động 850A” có trọng lượng nhẹ phục vụ công tác thí nghiệm tại hiện trường được Công ty Điện lực Yên Bái công nhận năm 2015 và chế tạo "thiết bị thử nghiệm một pha đa năng TPR-05F”  và Công ty Điện lực Yên Bái Công nhận năm 2016.
 
Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liền Phạm Văn Quang luôn đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cấp cơ sở, cấp ngành, đạt các danh hiệu "Sáng kiến, sáng tạo”, "Công nhân giỏi” cấp ngành và cấp thành phố…
 
Chia sẻ về kinh nghiệm học tập và làm theo lời dạy của Bác, anh Phạm Văn Quang tâm sự: "Học Bác luôn bắt đầu từ những điều nhỏ nhất và cũng khởi nguồn chính từ sự tâm huyết với công việc được giao, mong muốn được phấn đấu, vươn lên không ngừng. Hiểu được điều đó, nên mỗi khi làm bất kể công việc gì dù nhỏ hay lớn với tôi đều học hỏi từ những người làm nghề lâu năm, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với đồng nghiệp để tìm ra phương pháp tối ưu, tích cực nhất, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng công việc tại đơn vị công tác. Phát huy tinh thần sáng tạo, trong năm nay, tôi sẽ đưa ra 4 sáng kiến mới góp phần làm giảm chi phí sản xuất và tăng sức lao động của công nhân là: chế tạo máy tự động nạp nguồn của máy phát điện 25KVA, chế tạo thay thế cuộn dây khởi động từ của máy phát điện 250 KVA, chế tạo máy kiểm tra thứ tự pha của lưới điện và chế tạo mở rộng phạm vi kiểm tra công suất đo máy biến áp tại phân xưởng”.

Đánh giá về Phạm Văn Quang, Quản đốc Phân xưởng SC&TNĐ Phạm Văn Sơn khẳng định: "Với lòng yêu nghề, không ngừng học hỏi và đam mê sáng tạo thể hiện qua nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tế, Phạm Văn Quang xứng đáng là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hoài Văn

Các tin khác
Ao cá thương phẩm và cơ ngơi khang trang của cựu chiến binh Văn Hữu Khanh.

YBĐT -  Người cựu chiến binh đầy sáng tạo đã quy hoạch đất thành từng vùng và có kế hoạch sản xuất, chăn nuôi được vạch ra theo phương châm đầu tư ít, hiệu quả cao. 

Ông Nguyễn Tiến Lực cùng gia đình chăm sóc vườn hoa.

YBĐT - Bằng chính sức lao động của gia đình, ông Nguyễn Tiến Lực, thôn Hồng Thái, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên đã cải tạo vùng đất vốn cằn cỗi, hoang hóa thành vườn hoa lớn mang đến lợi nhuận cho gia đình ông mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.

YBĐT - Ở xã vùng cao Phan Thanh, huyện Lục Yên, mọi người đều biết đến gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi - Hoàng Văn Chương ở thôn Bản Rầu. Với bản lĩnh, ý chí vươn lên của một người lính, từ một hộ nghèo, giờ đây ông đã là hộ có mô hình kinh tế đứng đầu trong thôn và hầu như năm nào ông cũng được cấp ủy, chính quyền xã lựa chọn biểu dương điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi để các hộ khác học tập làm theo.

Anh Trần Quốc Nghị chăm sóc đàn lợn của gia đình.

YBĐT - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế ta lấy canh nông làm gốc... Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, anh Trần Quốc Nghị ở thôn 4, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn không ngừng học tập, nghiên cứu, sáng tạo, cần cù lao động phát triển chăn nuôi, trồng trọt để làm giàu ngay tại quê hương mình và được xem là một hội viên nông dân vừa giàu, vừa giỏi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục