“Tàn nhưng không phế”

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/10/2017 | 7:58:09 AM

YBĐT -  Mất bàn tay phải trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc song với ý chí không cam chịu đói nghèo, ông Vũ Văn Tho, thương binh hạng 3/4 ở thôn Vằm, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn đã trở thành điển hình thoát nghèo vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no với mô hình nuôi bò sinh sản.

Ông Tho cùng vợ chăm sóc bò.
Ông Tho cùng vợ chăm sóc bò.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình, năm 1978 theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Cam pu chia. Hơn một năm sau, ông bị thương mất bàn tay phải và được phục viên.
 
Gia đình khó khăn, nhà đông anh em, mặc dù cha mẹ ông đã cố gắng hết sức nhưng cuộc sống cũng chẳng khá hơn là mấy. Thấy bạn bè rủ lên các tỉnh miền ngược buôn bán, ông khăn gói lên đường và cơ duyên đã cho ông gặp cô gái Tày ở Thượng Bằng La và nên duyên vợ chồng vào năm 1985 rồi định cư tại đây.
 
Với người lành lặn, làm ăn thời buổi bao cấp đã khó khăn, huống hồ với ông đã không lành lặn lại mất sức khỏe do thương tật. Bởi vậy, với chút tiền phụ cấp thương binh và hơn 1.000 m2 ruộng, dù có cố gắng mấy cuộc sống gia đình ông cũng không khá hơn. Không đầu hàng trước khó khăn, hàng ngày ông vẫn tiếp tục chạy chợ buôn bán đủ mọi thứ như mùa chè buôn chè, mùa măng buôn măng...
 
Còn bà Hà Thị Toan - vợ ông thì chăm lo ruộng vườn và 3 con nhỏ. "Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. chạy đôn chạy đáo mà cũng không đủ ăn, trong khi các con đang tuổi ăn tuổi lớn, nên ông Tho chuyển từ việc đi buôn bán sang làm nghề xây dựng nhưng cuộc sống vẫn khó khăn.

Đến năm 2007, gia đình ông được nhận một con bò giống theo chương trình dự án bò nghèo để phát triển kinh tế. Niềm vui đã mở ra cho gia đình ông kể từ đó. Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, ông tận dụng đất quanh nhà, ven bờ ruộng trồng cỏ để đỡ công chăn thả. Hàng ngày, ông đi xây còn bà Toan chăn nuôi lợn, gà, bò.
 
Cứ thế, từ một con bò nái, sau 7 năm, đàn bò của ông đã có 11 con. Không dừng lại ở đó, tận dụng nguồn nước sẵn có từ mương, khe ông đào ao để thả cá. Bình quân mỗi năm hơn 300 m2 ao cũng mang về nguồn thu 5 triệu đồng. Nhất quyết không động đến đàn bò, bởi đó là tài sản lớn nhất cũng là món quà mà Nhà nước dành tặng cho các hộ nghèo như gia đình ông. Hàng ngày, để đồng tiền sinh hoạt, ông vẫn cần mẫn đi xây còn bà thì chăn nuôi để tích lũy cho gia đình.

Đến năm 2014, ngôi nhà gỗ đã xập xệ xuống cấp, bàn đi tính lại, hai vợ chồng ông quyết định bán đi 8 con bò cùng với tiền bán lợn, gà để xây dựng ngôi nhà cho khang trang hơn. Không có tiền để thuê người, vậy là cứ ban ngày ông đi xây, tối đến vợ chồng con cái ông lại thắp điện tự xây. Những phần đòi hỏi kỹ thuật thì mới thuê thêm người. Sau gần 3 tháng, ngôi nhà xây cấp 4 khang trang trị giá gần 300 triệu đồng đã hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của gia đình.
 
Rót chén nước chè nóng mời chúng tôi, ông Tho tâm sự: "Mặc dù cuộc sống vẫn còn khó khăn, ruộng cũng chỉ đủ ăn, còn chăn nuôi manh mún nhỏ lẻ chưa thể ra tấm ra món, dù cố gắng để xây dựng ngôi nhà, song tôi cũng phải vay mượn thêm gần 40 triệu đồng nữa từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Nghĩ lại, thấy cũng liều nhưng sức mình còn thì phải cố gắng mà vượt qua, công nợ trả dần, có ý chí thì lo gì không trả được”.
 
Chỉ vào cặp bò nái, ông Tho vui mừng cho biết thêm: "Đó là tất cả gia tài của tôi đấy! Dựng vợ gả chồng cho con cũng từ bò; xây nhà cùng nhờ bò. Cặp bò này mỗi năm sẽ lại có thêm một cặp bò giống nữa. Giá bình quân một cặp bò giống từ 35 - 36 triệu đồng. Có ý chí thì lo gì không thoát nghèo!”.

Giờ đây khi sức khỏe đã yếu, những lúc trái gió trở trời, vết thương do chiến tranh liên tục hành hạ ông. Song, với mong muốn còn sức còn phải làm vì gia đình, vì đồng đội và vì cuộc sống hôm nay, nên ông Vũ Văn Tho vẫn cần mẫn với công việc của mình. Đồng thời, ông luôn răn dạy con cái phải chăm chỉ lao động, bởi theo ông, chỉ có chăm chỉ lao động thì mới có thành quả tốt và có cuộc sống ấm no. 

Thanh Tân

Các tin khác
Anh Nguyễn Ngọc Linh bên đàn gà Đông Tảo F1.

YBĐT - "Mình đến với gà Đông Tảo có cơ duyên gì đặc biệt đâu! Chỉ là đơn giản trong một lần về Hưng Yên chơi, tôi cùng vài người bạn ăn gà thấy ngon quá thế là quyết "ủ mưu” nuôi bằng được". Đã ba năm , anh Nguyễn Ngọc Linh, ở thôn 2, xã Giới Phiên, sinh năm 1978 miệt mài theo đuổi niềm đam mê với giống gà mang lại hiệu quả kinh tế cao này.

Chị Bàn Thị Chạn (bên trái) trao đổi kinh nghiệm lựa chọn cây quế giống.

YBĐT- Qua câu chuyện của chị Bàn Thị Chạn - đảng viên người dân tộc Dao đã cho tôi hiểu, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Văn Chấn, nhất là chị em phụ nữ đã có sự đổi mới về tư duy, nhất là tư duy kinh tế. Đây được xem là mấu chốt để vùng cao Văn Chấn vươn lên.

YBĐT - Bằng sự siêng năng, cần cù, gia đình đảng viên trẻ Lạc Thị Vui, dân tộc Cao Lan ở thôn Đá Chồng, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình từ hai bàn tay trắng đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá trong thôn.

Đồi quế 15 năm tuổi của gia đình ông Lý Văn Ngân.

YBĐT - Bà con luôn quý mến, nể phục ông Lý Văn Ngân, dân tộc Dao ở thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn. Bởi vì, ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn biết giúp đỡ những hộ nghèo về vốn, cây, con giống để cùng vươn lên thoát nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục