Triệu phú người Dao ở Nậm Lành

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/9/2017 | 8:32:17 AM

YBĐT - Bà con luôn quý mến, nể phục ông Lý Văn Ngân, dân tộc Dao ở thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn. Bởi vì, ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn biết giúp đỡ những hộ nghèo về vốn, cây, con giống để cùng vươn lên thoát nghèo.

Đồi quế 15 năm tuổi của gia đình ông Lý Văn Ngân.
Đồi quế 15 năm tuổi của gia đình ông Lý Văn Ngân.

Do ảnh hưởng tập quán lâu đời, nên trước đây đồng bào Dao ở xã Nậm Lành chỉ làm nương rẫy để trồng lúa, ngô, khoai, sắn là chủ yếu. Mỗi năm, người Dao cũng chỉ sản xuất một vụ nên thu nhập thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, khiến năm nào cũng bị thiếu gạo ăn từ 1 đến 2 tháng.
 
Là cán bộ xã, ông Ngân được đi nhiều nơi tham quan học hỏi, đặc biệt trong những chuyến đi ấy, ông đã học hỏi, tích lũy được nhiều cách về phát triển kinh tế, xây dựng đời sống tiến bộ. Qua đó, nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương mình phù hợp trồng cây quế, nên năm 1987, ông đã bàn với vợ con về việc làm kinh tế bằng cách phát triển loại cây này.

Để phát triển cây quế, vợ chồng ông đã sang xã Đại Sơn và Viễn Sơn, huyện Văn Yên tìm mua hạt quế giống về ươm. Sau đó, ông đưa cây quế vào trồng ở những diện tích đất trống, đồi trọc và trên những mảnh nương bỏ hoang của gia đình. Sau nhiều năm cần cù trồng và chăm sóc, cây quế đã phát triển xanh tốt và mang lại nguồn thu nhập cao.
 
Thấy vậy, người dân trong xã đã học cách làm của ông cùng phát triển cây quế. Tuy nhiên, có những thời điểm quế bị mất giá, nhiều gia đình đã chặt bỏ để lấy đất trồng cây khác. Còn gia đình ông Ngân thì vẫn tin tưởng sau này cây quế sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao, nên ông tiếp tục mở rộng diện tích.

Sau gần 30 năm đưa cây quế về trồng tại địa phương, gia đình ông Ngân đã có nguồn thu nhập lớn và thực sự thoát khỏi đói nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Ngân cho biết: "Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm! Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, nhưng nhờ trồng quế, gia đình tôi đã mua sắm được đầy đủ các vật dụng, mua được trâu, bò, làm được nhà ở khang trang và có điều kiện cho con, cháu ăn học đến nơi, đến chốn”.

Không những làm giàu cho gia đình, ông Ngân còn giúp đỡ các hộ nghèo trong thôn, xã và ở những nơi khác về quế giống. Mỗi năm, gia đình ông đã ươm trên 30 vạn cây quế giống để phục vụ nhu cầu trồng quế của bà con. Cùng đó, ông còn truyền đạt kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây quế cho nhiều người như ông: Lý Kim Hưng ở thôn Giàng Cài; Bàn Kim Tiến thôn Tặc Tè; Mùa A Khua, Mùa A Nhà ở thôn Ngọn Lành, xã Nậm Lành và nhiều người khác ở các xã vùng sâu như: Cao Phạ, Nậm Có huyện Mù Cang Chải; Túc Đán, Phình Hồ huyện Trạm Tấu...
 
Cũng nhờ sự giúp đỡ tận tình của ông Ngân mà nhiều gia đình ở thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành từng bước vươn lên thoát khỏi đói nghèo và có cuộc sống ổn định. Được biết, hiện nay thôn Giàng Cài có 168 hộ thì đã có 89 hộ có cuộc sống khá giả.
 
Ông Phùng Sinh Sương - Trưởng thôn Giàng Cài cho hay: "Ông Lý Văn Ngân là người đầu tiên đưa cây quế về trồng tại thôn nói riêng và xã Nậm Lành nói chung. Vì thế, gia đình ông đã có rất nhiều quế. Vụ khai thác quế năm 2015 - 2016, ông Ngân đã thu về hàng tỷ đồng và chính số tiền này giúp ông xây được ngôi nhà to đẹp nhất thôn”.

Ngoài cây quế, ông Lý Văn Ngân còn phát triển cây măng sặt, chăn nuôi trâu, lợn, gà... Hiện tại, ông có 4 đồi măng sặt, mỗi năm thu về từ 70 đến 80 triệu đồng; có từ 6 đến 7 con trâu và mỗi năm bán từ 2 đến 3 con, thu về từ 60 đến 70 triệu đồng trở lên; chăn nuôi lợn mỗi năm cũng thu về gần 50 triệu đồng. Từ các nguồn thu, bình quân mỗi năm gia đình ông Ngân có tổng thu trên 200 triệu đồng.
 
Ông Triệu Tòn Pết - Chủ tịch UBND xã Nậm Lành nhận xét: "Trước đây, gia đình ông Ngân rất khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực của mình, ông đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong xây dựng kinh tế gia đình, được nhiều người đến tham quan, học tập và làm theo”.

Là người cần cù, sáng tạo trong lao động, biết làm giàu chính đáng, ông Lý Văn Ngân được xã, huyện và hội nông dân các cấp trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen về những thành tích làm kinh tế.

Sùng A Hồng

Các tin khác

YBĐT - Hết lòng vì công việc chung trong thôn, luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là những lời nhận xét, đánh giá của cấp ủy, chính quyền xã và bà con trong thôn dành cho ông Nguyễn Đình Huệ - Bí thư Chi bộ thôn Tuy Lộc, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái.

Anh Vàng A Chư (bên phải) dạy nghề sửa chữa máy nông cụ cho thanh niên các xã trong và ngoài huyện.

YBĐT -Từ một chàng trai chỉ có trình độ tiểu học, Vàng A Chư đã trở thành chủ cửa hiệu sửa chữa máy nông cụ phục vụ bà con trong huyện và còn dạy nghề cho trên 30 thanh niên ở các xã trong huyện và các huyện lân cận. 

YBĐT - Sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác, dù được nghỉ chế độ nhưng nhiều cán bộ công an vẫn nhiệt tình với phong trào địa phương, phát huy phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn và năng lực công tác, đảm nhận nhiều phần việc ở cơ sở, là nòng cốt trong nhiều phong trào tại các khu dân cư. Cựu cán bộ công an nhân dân, Trung tá Nguyễn Quang Trung là người như vậy.

Cô giáo Phạm Đỗ Việt Anh hướng dẫn học sinh ôn bài.

YBĐT - Em Hoàng Thu Hằng chia sẻ: "Có thể nhiều bạn không thích học môn Lịch sử vì đó là môn học thuộc cứng nhắc. Trước đây, em cũng từng như vậy. Nhưng từ khi học cô Việt Anh, em đã có cái nhìn khác. Đó cũng là cảm nhân chung của bao thế hệ học trò tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS Trấn Yên về cô Phạm Đỗ Việt Anh, giáo viên môn Lịch sử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục