Hiệu quả kinh tế cao từ trồng thanh long

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/11/2017 | 8:05:17 AM

YBĐT - Nguyễn Văn Quân, thôn Đa Cốc, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình chính là người tiên phong đưa cây thanh long về trồng tại xã từ cách đây hơn 20 năm. 

Vườn thanh long của gia đình ông Nguyễn Văn Quân đang cho thu hoạch những đợt quả cuối năm.
Vườn thanh long của gia đình ông Nguyễn Văn Quân đang cho thu hoạch những đợt quả cuối năm.

Học tập kinh nghiệm từ trồng cây thanh long tại tỉnh Bình Thuận, gia đình ông Nguyễn Văn Quân, thôn Đa Cốc, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đã mạnh dạn đầu tư trồng 350 cây, trong đó có 250 cây thanh long ruột trắng và 100 cây thanh long ruột đỏ.

Nghe xã giới thiệu về mô hình trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao của ông Nguyễn Văn Quân ở thôn Đa Cốc, chúng tôi đã đến thăm. Ông chính là người tiên phong đưa cây thanh long về trồng tại xã. Khi vào thăm vườn thanh long của ông, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự mạnh dạn đầu tư và dám nghĩ, dám làm của ông.
 
Ông Quân chia sẻ: "Gia đình tôi trồng thanh long cách đây hơn 20 năm rồi. Năm 1979, tôi đi bộ đội trong Bình Thuận và biết được trong đó trồng thanh long rất hiệu quả, đem lại lợi nhuận khá cao. Tôi liền có ý định đem giống cây này về quê hương trồng. Năm 1983, tôi hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương Vĩnh Kiên và bắt đầu xây dựng mô hình trồng thanh long mà mình ấp ủ từ lâu”.
 
Theo ông Quân, mới đầu ông gặp khá nhiều khó khăn trong vấn đề tìm vốn. Ông phải vay mượn tiền từ ngân hàng đến người thân mới có vốn xây dựng mô hình.
 
May mắn thay, khi ông bắt tay vào trồng thử, cây phát triển rất tốt, rất hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Từ đó, ông kiên trì và duy trì trồng đến bây giờ. Hiện tại, gia đình ông Quân có 350 trụ thanh long, trong đó có 250 trụ thanh long ruột trắng là ông tự trồng và 100 trụ thanh long ruột đỏ theo đề án xây dựng nông thôn mới của xã chọn gia đình ông làm thí điểm.
 
Do có sự đầu tư, tỉ mỉ trong chăm sóc nên thanh long của ông luôn đảm bảo về chất lượng và được thị trường ưa dùng. Thanh long thuộc họ xương rồng, không kén chọn đất đai hay thổ nhưỡng, nếu chăm sóc tốt mỗi gốc thanh long có thể cho khoảng 20 quả, trọng lượng mỗi quả từ 0,3 đến 0,5 kg đối với thanh long ruột trắng và 0,5 kg đối với thanh long ruột đỏ. Mỗi năm, thanh long cho thu hoạch được 7 - 8 đợt, trung bình mỗi trụ sẽ thu được khoảng 10 kg quả. Theo ông Quân, thanh long của gia đình chủ yếu được tiêu thụ tại chợ trung tâm của xã và một số chợ ngoài thành phố với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên cho biết: mô hình thanh long của ông Quân được đánh giá là một trong những mô hình hiệu quả và đang được bà con làm theo. Năm 2015, xã đã vận động các hộ dân trồng, hỗ trợ 100% cây giống, phân bón đến cơ sở vật chất cho 8 hộ ở thôn Đa Cốc trồng thanh long ruột đỏ với diện tích 1 ha theo nguồn vốn nông thôn mới hỗ trợ cho sản xuất.
 
Trong đó, ông Quân nhận trồng 0,1 ha và đây là mô hình thí điểm đầu tiên trồng thanh long ruột đỏ trong xã. Giống thanh long này rất ngon, ngọt, màu sắc lạ mắt, kỹ thuật trồng chăm sóc giống như trồng giống thanh long ruột trắng. Mô hình này đang được xã tuyên truyền tới các hộ dân để nhân rộng nhằm đảm bảo tăng thu nhập cho các hộ.
 
Từ đầu năm đến nay, 350 trụ thanh long đã mang về cho ông Quân sản lượng trên 2 tấn quả tươi, thu về trên 50 triệu đồng. Hiện nay, diện tích cây thanh long ruột đỏ của ông cũng đang chuẩn bị cho thu hoạch những lứa quả tiếp theo vào cuối tháng này. Thanh long thu hoạch đến đâu đều được bán hết ngay.
 
Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2017, gia đình ông Quân tiếp tục thu hoạch trên 1 tấn thanh long, tổng thu nhập 1 năm từ trồng thanh long của ông khoảng trên 70 triệu đồng đã trừ chi phí. Ngoài việc phát triển cây thanh long, ông Quân cũng đã đưa một số giống cây thanh long mới vào trồng và hướng dẫn bà con trong xã cách trồng, chăm sóc thanh long đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhìn những trụ thanh long cho quả trĩu trịt, thật khâm phục ý chí, sự cần cù của người nông dân này. Thành công từ mô hình trồng thanh long của ông Quân là kinh nghiệm quý cho nhiều nông dân khác trong xã học tập và làm theo, tạo thu nhập ổn định cho gia đình và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp có chất lượng theo hướng sản xuất hàng hóa.

Hải Hà

Các tin khác

YBĐT - Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái bên cạnh việc định hướng cho cán bộ, hội viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Hội còn khuyến khích các hội viên tích cực tăng gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao đời sống. Qua các phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB làm kinh tế giỏi.

Anh Hoàng Đình Văn đang chăm sóc đàn bò.

YBĐT - Lên xã vùng cao Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, nhắc đến anh Hoàng Đình Văn, dân tộc Thái ở thôn Lừu 2 thì ai cũng biết, bởi anh là một nông dân trẻ không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn giúp đỡ mọi người về giống, vốn, kỹ thuật cùng vươn lên thoát nghèo.

Nguyễn Thị Phương Linh (thứ hai bên phải) trao đổi chuyên môn cùng các đồng nghiệp.

YBĐT - Vinh dự lớn đến với Nguyễn Thị Phương Linh khi chị được kết nạp vào Đảng. Cô gái sinh năm 1989 tâm sự: "Thế hệ trẻ hôm nay có nhiều điều kiện cả về vật chất và tinh thần hơn trước rất nhiều, nên bản thân tôi luôn ý thức rằng mình phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu để cống hiến, trưởng thành”.

Dù tuổi cao song ông Nguyễn Đình Vỹ vẫn là nguồn động viên cho hội viên nỗ lực phấn đấu.

YBĐT - Nhiều hội viên ở Việt Cường vẫn còn nhắc mãi hình ảnh vị Đại tá gần 90 tuổi ngày đông giá rét đi chiếc xe đạp điện đến xã cách thành phố hơn 20 km để chỉ đạo dự án trồng cây dược liệu giảo cổ lam. Đến nơi, ông xắn quần lội xuống cùng hội viên chăm sóc cây.

 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục