Mùa A Vàng - hạt nhân đoàn kết ở thôn Tấu Giữa

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/11/2017 | 8:08:39 AM

YBĐT - Phần tham luận tại Hội nghị Gặp mặt và biểu dương 160 trưởng ban công tác mặt trận tiêu biểu tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014 - 2017 của ông Mùa A Vàng, thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu thực sự gây ấn tượng. Sau lời giới thiệu của Ban Tổ chức, ông Vàng bước lên bục, phong thái điềm tĩnh cộng với giọng nói trầm ấm và cuốn hút của một người có uy tín trong cộng đồng dân cư, ông Mùa A Vàng cho người nghe có cảm giác yên tâm, tin tưởng.

Ông Mùa A Vàng (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục với các đại biểu.
Ông Mùa A Vàng (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục với các đại biểu.

"Kính thưa các vị đại biểu! Về dự buổi gặp mặt và biểu dương hôm nay, tôi xin phát biểu một số ý kiến về "Vai trò của trưởng ban công tác mặt trận với việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ tập tục lạc hậu, tuyên truyền nhân dân không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ ba…" - ông Vàng từ tốn mở lời.
 
Là người đã nhiều lần lên vùng cao Trạm Tấu, chúng tôi hiểu, quê hương của ông và nhiều vùng quê người Mông khác còn nặng nề bởi những phong tục tập quán lạc hậu, đây chính là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. Chuyện từ bỏ những nét sinh hoạt mang tính truyền thống không hề dễ; không khó có thể liệt kê những hủ tục còn đè nặng dưới mái nhà người Mông như: trong việc tang vẫn còn tình trạng để người chết lâu ngày trong nhà, không đưa người chết vào quan tài, tổ chức lễ tang nhiều ngày gây lãng phí và tốn kém; vẫn còn tình trạng tảo hôn, kết hôn cùng, cận huyết thống, thách cưới cao, đẻ nhiều con...
 
Trước đây đồng bào dân tộc Mông có phong tục ăn tết vào cuối tháng 12 dương lịch, thời gian tổ chức ăn tết thường kéo dài hàng tháng dẫn đến gia đình nào cũng mổ nhiều lợn, gà, trâu bò để tiếp đón anh, em, bạn bè; chuyện học hành của con trẻ cũng ảnh hưởng vì chúng bỏ trường, bỏ lớp về nhà để cùng ăn tết với gia đình. Sau thời gian đón tết Mông là lại đến tết Nguyên đán của dân tộc, các gia đình có con em đi công tác và học tập tại các trường chuyên nghiệp được nghỉ tết về nhà, gia đình lại tiếp tục tổ chức ăn tết tiếp tục mổ trâu, mổ lợn tốn kém không chỉ thời gian, tiền của mà còn ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất...
 
Những tập tục trên là một trong yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giống nòi và tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân; chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Nhưng giờ ở thôn Tấu Giữa, những câu chuyện ấy đang lui vào quá khứ, bà con người Mông nơi đây đang tích cực xây dựng đời sống văn hóa mới. Và ông Mùa A Vàng chính là một trong những người có công làm lên sự đổi thay ấy. Nhận thấy các tập tục không còn phù hợp với nếp sống mới, để thay đổi dần những tập tục lạc hậu, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện và các cấp, các ngành, được sự hướng dẫn của ủy ban MTTQ các cấp, Trưởng ban Công tác Mặt trận Mùa A Vàng đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã Trạm Tấu tích cực "vào cuộc”.
 
Tổ chức họp dân, đến từng hộ gia đình nắm bắt tâm tư nguyện vọng và đời sống của nhân dân để vận động với việc thực hiện hương ước, quy ước thôn bản. Ông Vàng tâm sự: "Ở thôn bản vùng cao, vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng như trưởng bản, trưởng dòng họ... là rất to lớn, nhận thức được điều ấy, mọi cuộc vận động phải bắt đầu từ chính những người có uy tín trong cộng đồng. Họ nghe, họ hiểu, họ gương mẫu thực hiện thì con cháu, dân làng sẽ nghe theo, làm theo”.

Nói như vậy nhưng không phải cuộc vận nào cùng dễ, bởi vậy rất cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành; đặc biệt là sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động, làm sao để người dân thấy rõ cái tốt mà theo, nhìn thấu cái sai, cái yếu kém mà từ bỏ. Ví như chuyện làm ma cho người chết mà kéo dài, gây lãng phí và mất vệ sinh; tệ rượu chè, đánh vợ, nạn tảo hôn, sinh sớm, đẻ nhiều... đều để lại những hệ lụy cho nhiều gia đình, làng bản, dòng họ.
 
Cái khó, cái mới thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước, làm để dân tin, dân theo, ông Mùa A Vàng khẳng định: "Ở cơ sở không thể nói suông được đâu, cán bộ mà tuyên truyền về phòng chống rét cho trâu thì trâu nhà cán bộ không được thả rông, phải có chuồng trại, phải trữ rơm khô... Khi cán bộ làm có hiệu quả thì cán bộ chỉ nói một lần là dân nghe, dân hiểu, dân làm theo ngay”.

Có lẽ, nhờ việc tuyên truyền vận động đúng cách và đội ngũ cán bộ miệng nói, tay làm như ông Vàng mà từ năm 2012 đến nay 100% đồng bào Mông xã Trạm Tấu nói riêng và huyện Trạm Tấu nói chung đã đồng lòng ăn chung một tết Nguyên đán vui vẻ, tiết kiệm; đã có 100% khu dân cư và hộ gia đình ký kết thực hiện hương ước, quy ước thôn, bản; tỷ lệ tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên tiếp tục giảm so với năm trước; người chết đã được khâm liệm vào quan tài và chôn trước 48 tiếng; nhân dân luôn đoàn kết xây dựng cuộc sống, phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo.

Đang phát biểu hăng say, bỗng giọng ông Mùa A Vàng trùng xuống: "Thú thật với các đại biểu, bên cạnh những kết quả đạt được, bản Tấu Giữa vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong nhân dân và cả một số cán bộ, đảng viên vẫn còn; chưa nhìn ra cái yếu kém của mình thì chưa thể thay đổi và vươn lên được. Cán bộ, đảng viên nhất thiết phải là những người tiền phong, gương mẫu, bắt đầu từ chính bản thân mình, gia đình mình và dòng họ của mình. Phải đi thẳng vào những vấn đề mang tính hủ tục lạc hậu như tảo hôn, sinh con thứ 3; phải tích cực tiếp thu những cái hay, cái mới, cái tiến bộ trong cuộc sống và sản xuất. Tấu Giữa và các làng bản người Mông còn nghèo và lạc hậu lắm, cùng với sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ thì bà con mình phải cố gắng vươn lên, phải từ bỏ cái lạc hậu, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... chắc chắn quê hương người Mông sẽ đổi mới, đi lên” .

Bài tham luận của ông Mùa A Vàng kết thúc trong tiếng vỗ tay không ngớt của các đại biểu. Về dự Hội nghị biểu dương, nhận phần thưởng xứng đáng từ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ông Mùa A Vàng có quyền tự hào, từ đó càng nỗ lực hơn trong nhiệm vụ Trưởng ban Công tác Mặt trận, là hạt nhân đoàn kết, thống nhất bà con trong thôn, cùng nhau xây dựng đời sống mới, no ấm, giàu mạnh, văn minh.  

 Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên thanh niên Hoàng Văn Sang, thôn Minh Phú, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên (bên phải) làm giàu từ nuôi ong.

YBĐT - Học xong THPT, nhận thấy diện tích đồi rừng xung quanh nhà có thể nuôi ong được, qua sách báo, tivi, đoàn viên Nguyễn Văn Thịnh ở thôn Phú Nhuận, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái quyết định mua 1 tổ ong với giá gần 1 triệu đồng. Cần mẫn chăm sóc và nhân đàn, qua 4 năm, anh Thịnh đã có 85 tổ ong. Chỉ vụ mật 2017 này, Thịnh đã thắng lớn với 500 lít mật.

Thầy Vũ Trọng Quý đã có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái.

YBĐT - Đông vui, ấm áp, xúc động là những gì mà các thế hệ thầy cô giáo, cựu học sinh, sinh viên cảm nhận trong ngày Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập (1967 - 2017). 

Cô giáo Lê Thị Oanh tận tình truyền đạt cho học sinh những kiến thức mới.

YBĐT - Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương năm 2007, cô Lê Thị Oanh lựa chọn lên huyện vùng cao Trạm Tấu công tác. 

Giống gà ri lai của gia đình CCB Ngô Hồng Hải được thị trường ưa chuộng.

YBĐT - Ai đã biết đến cựu chiến binh (CCB) Ngô Hồng Hải ở thôn 6, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình thì đều khâm phục ông bởi ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục