Người giỏi trên đỉnh Lùng Cúng

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/11/2017 | 7:55:58 AM

YBĐT - Tận dụng lợi thế về đất đai, khí hậu, nhiều gia đình hội viên của Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải đã tập trung đầu tư vào việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho gia đình. Nhờ đó, nhiều gia đình hội viên đã thoát khỏi đói nghèo vươn lên làm giàu. Gia đình ông Thào Sú Rùa ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có là một điển hình trong phong trào phát triển kinh tế theo hướng trang trại tổng hợp có thu nhập cao.

Ông Thào Sú Rùa đang chăm sóc vườn sơn tra.
Ông Thào Sú Rùa đang chăm sóc vườn sơn tra.

Là người định cư ở vùng cao, cuộc sống của gia đình ông Rùa gặp không ít khó khăn. Do đó, ông luôn trăn trở phải làm cách nào để thoát khỏi cảnh đói nghèo để vươn lên làm giàu. Từng được tham gia công tác ở xã nên ông thường xuyên đi công tác ở nhiều nơi. Trong mỗi chuyến đi, ông luôn chú tâm học hỏi, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm làm ăn.
 
Với năng lực sẵn có của mình, ông đã quyết tâm bắt tay vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình, vận động vợ con tích cực khai hoang ruộng bậc thang ở những khu vực đất trống dưới chân núi để trồng lúa nước; đồng thời, chuyển toàn bộ diện tích đất sản xuất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô năng suất cao.
 
Cùng đó, ông còn đổi mới tập quán canh tác và tích cực sử dụng phân bón cho cây trồng. Trước khi gieo cấy, gia đình đã thu gom phân chuồng, ủ phân xanh và mua thêm phân tổng hợp về bón cho cây trồng theo đúng kỹ thuật đã được học. Với diện tích 2 ha ruộng và trên 1 ha nương ngô, ông mạnh dạn đưa các giống mới vào sản xuất nên năng suất cao hơn hẳn so với giống cũ. Ông vận động vợ con tích cực gieo trồng 2 vụ lúa/năm, từ đó thóc, ngô của gia đình ông bình quân mỗi năm thu về 4 tấn thóc, 3 tấn ngô.
 
Cùng đó, ông còn tích cực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bằng sự nỗ lực vươn lên của bản thân, hiện nay trong chuồng của gia đình ông luôn có 10 con lợn, trong đó 2 lợn nái để tự túc con giống. Trâu, bò cũng được gia đình ông chú trọng chăn nuôi và hiện nay ông có 3 con trâu, 3 con bò và trên 100 con gia cầm. Biết nắm bắt thời cơ, nên ông đã trồng được trên 4 ha sơn tra, 3 ha thảo quả. Để cây phát triển tốt, ông Rùa phát quang toàn bộ diện tích sơn tra của mình và bón thêm phân để tạo cho đất giàu chất dinh dưỡng giúp cây phát triển nhanh.
 
Hiện tại, gia đình ông có khoảng trên 300 gốc cây sơn tra đã cho thu hoạch và mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng. Theo tính toán của ông Rùa thì cây sơn tra là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và được thu hoạch lâu năm. Vì thế, năm 2016, ông tiếp tục trồng thêm 2 ha nữa để tiếp tục nâng cao thu nhập.
 
Cùng với việc trồng sơn tra, ông Rùa còn tích cực bảo vệ rừng và trồng cây thảo quả. Đây là loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng tốt dưới tán rừng. Mỗi vụ thảo quả, gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng. Từ các nguồn thu, gia đình ông Thào Sú Rùa đã có tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Ông Hàng A Thào - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Có khẳng định: "Gia đình ông Thào Sú Rùa là một trong những hội viên làm kinh tế giỏi, đi đầu trong việc bảo vệ và phát triển cây sơn tra tại địa phương”.
 
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình mà ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ về vốn, cây con giống cho những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
 
Ông Thào Sú Rùa phấn khởi cho biết: "Sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thâm canh tăng vụ đã mang lại lợi ích lớn giúp cải thiện cuộc sống gia đình, vì thế tôi càng tập trung đầu tư cho phát triển rừng kinh tế. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình tôi đã được đổi thay. Hiện, tôi đã mua được máy xúc về phục vụ việc khai hoang ruộng bậc thang, giúp dân bản mở đường giao thông, đào ao thả cá… Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư vốn vào phát triển cây sơn tra để tăng thêm thu nhập”.

Ông Thào Sú Rùa thực sự là tấm gương điển hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng cao cho mọi người cùng noi theo.

Sùng A Hồng

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục