Người cán bộ Mặt trận tiêu biểu

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/1/2018 | 8:11:36 AM

YBĐT - Đi qua những năm tháng khói lửa, bom đạn nơi chiến trường biên giới phía Bắc, hành trang mà người lính Cụ Hồ - Nguyễn Đức Thành mang về quê hương Yên Bái là ý chí, là nghị lực phi thường và cả những vết thương trên cơ thể.

Nhờ sự vận động, tuyên truyền của Trưởng Ban công tác Mặt trận Nguyễn Đức Thành (giữa) con đường liên xóm thôn Cổng Chào được bê tông hóa, đi lại thuận tiện.
Nhờ sự vận động, tuyên truyền của Trưởng Ban công tác Mặt trận Nguyễn Đức Thành (giữa) con đường liên xóm thôn Cổng Chào được bê tông hóa, đi lại thuận tiện.

Là thương binh hạng 4/4, về nghỉ chế độ đã 20 năm cũng là từng ấy thời gian ông Thành gắn bó, sâu sát với cơ sở. Đặc biệt, 6 năm làm công tác mặt trận là 6 năm tiêu biểu ông kết nối cộng đồng vì sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương.

Tôi may mắn gặp được người cán bộ mặt trận có khuôn mặt hiền và nụ cười thân thiện ở thôn Cổng Chào, xã An Thịnh (Văn Yên) ấy vào một ngày đầu đông. Rót chén trà ấm nóng, ông Thành chậm rãi tâm sự: "Tôi tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc, sau khi ra quân, từ năm 1976 - 1994, tôi giữ cương vị Tiểu đoàn Phó Chính trị tại Lữ đoàn 406, Quân khu II. Bản lĩnh, tác phong, ý chí của một người lính dường như đã ăn sâu vào trong máu thịt".
 
"Về nghỉ chế độ, được bà con nhân dân tin tưởng, tín nhiệm, tôi tham gia làm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh 14 năm rồi mới đảm nhận nhiệm vụ công tác mặt trận này. Dù ở bất cứ cương vị nào, sự nhiệt huyết, sáng tạo luôn là yếu tố hàng đầu để tôi phấn đấu, hoàn thành tốt mọi công việc, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó” - ông Thành chia sẻ.

Gắn bó với mảnh đất An Thịnh - nơi có đến 96% bà con là đồng bào công giáo nhưng ông Thành lại không phải người theo đạo. Những tưởng đó là khó khăn trong công tác vận động, tuyên truyền bà con trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nhưng nhờ phát huy bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ công việc của ông đã có nhiều thuận lợi.
 
Bất cứ hoạt động chung nào của Giáo xứ, vào dịp tết, các ngày lễ lớn của bà con đồng bào công giáo, ông Thành đều tham gia, giúp đỡ nhiệt tình. Chẳng quản ngại khó khăn, vất vả, ông "vào từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động, lắng nghe và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của bà con giáo dân, gây dựng phong trào đoàn kết giữa đồng bào công giáo với cộng đồng cũng như những hoạt động chung và phong trào phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền thôn, xã.
 
Đồng thời, tạo lập mối quan hệ gần gũi, mật thiết với các cụ cao niên, người có uy tín trên địa bàn, trưởng ban hành giáo thôn. Bởi theo ông, đó chính là nòng cốt trong ban công tác mặt trận nên công tác phối hợp, điều hành công việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
 
Bên cạnh đó, với vai trò của mình, ông đã cùng Ban công tác Mặt trận thôn cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng bộ và của MTTQ huyện Văn Yên thành các chỉ tiêu, nội dung phù hợp với tình hình thực tế để tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn cùng thực hiện, góp phần củng cố và kiện toàn các tổ chức hội, đoàn thể đi vào hoạt động hiệu quả; phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, thực hiện tốt công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nguồn quỹ để giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; vận động nhân dân trong thôn đoàn kết cùng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ khi có người không may bị tai nạn, rủi ro, đau ốm.
 
Với kinh tế chủ lực tại địa phương là trồng rừng và chăn nuôi trang trại, nhờ sự vận động trực tiếp của ông Thành và Ban công tác Mặt trận thôn, các mô hình phát triển kinh tế của thôn đã xuất hiện ngày càng nhiều như: mô hình trồng quế của gia đình ông Nguyễn Công Chức; mô hình trồng rừng và chăn nuôi lợn, gà tổng hợp của gia đình ông Đoàn Văn Bao, bà Phạm Thị Quyên; mô hình nuôi cá thương phẩm của gia đình ông Phạm Văn Minh…

Nhằm tập hợp và xây dựng khối đoàn kết lương - giáo, ông Thành đã chủ động xây dựng từng chương trình tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước.
 
Đặc biệt, hàng năm, ông đứng ra tổ chức tốt Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”. Có thể nói, công việc được ông Thành dành nhiều tâm huyết nhất chính là đi tuyên truyền, vận động bà con đồng bào công giáo chung tay xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, tuyến đường bê tông liên xóm dài hơn 220m nhanh chóng hoàn thành trong niềm hân hoan, phấn khởi của bà con thôn, xóm.
 
Ông Phạm Văn Minh ở thôn Cổng Chào cho biết: "Thấy đội xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai còn thừa khá nhiều vật liệu, ông Thành tìm đến tận nơi xin về, huy động bà con thuê xe chở vật liệu, đóng góp thêm kinh phí. Bằng chính đôi tay của người dân trong thôn chúng tôi đã được đi trên con đường bê tông sạch đẹp thay vì con đường lầy lội bùn đất trước kia. Có được như vậy, phần lớn là nhờ sự nhanh nhạy, xông xáo của Trưởng Ban công tác Mặt trận Nguyễn Đức Thành. Thấy ông Thành "miệng nói, tay làm”, công việc lại rất thực tế, khả thi nên bà con chúng tôi nghe và làm theo”.

 Ông Thành xác định, chỉ khi có nhiều phong trào, hoạt động lành mạnh, vui tươi thì người dân, nhất là thanh thiếu niên mới có cơ hội tham gia, tránh xa được các tệ nạn xã hội. Vì vậy, sau khi hoàn thành tuyến đường liên xóm, ông tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con giáo dân xây dựng một sân bóng chuyền hơi rộng hơn 200m2; thành lập Câu lạc bộ Bóng chuyền hơi nam và Bóng chuyền hơi nữ với sự tham gia của gần 100 thành viên đủ mọi lứa tuổi. 

Cả 2 công trình đường liên thôn và sân bóng với sự tuyên truyền, vận động tích cực của ông Thành được bà con nhiệt tình ủng hộ, đóng góp gần 50 triệu đồng.
 
Cùng với hoạt động thể dục thể thao, hoạt động văn hóa văn nghệ tại thôn Cổng Chào cũng hết sức sôi nổi. Ba năm liên tiếp Đội Văn nghệ thôn đều giành giải A, B tại Hội thi Văn nghệ quần chúng của xã. Đội còn đại diện cho xã tham dự Hội thi Văn nghệ quần chúng của huyện và vinh dự đạt Giải A năm 2013, Giải B năm 2015 và Giải Khuyến khích năm 2017.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người cán bộ mặt trận Nguyễn Đức Thành cũng luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, ngày đêm lăn lộn với phong trào, với cơ sở, hết lòng tận tụy với nhân dân. Nhờ sự tích cực, tận tụy, tâm huyết, trách nhiệm của ông Thành mà nhiều năm liên tục thôn Cổng Chào đạt danh hiệu thôn văn hóa, 95% hộ gia đình đạt Danh hiệu Gia đình văn hóa.
 
Với tác phong gần gũi, cởi mở, sát dân, thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và giải quyết các vấn đề một cách "thấu tình, đạt lý”, ông Thành và Ban Công tác Mặt trận thôn Cổng Chào luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu cấp trên giao.
 
Ông tâm sự: "Để tạo được sự đồng thuận của nhân dân, người cán bộ mặt trận phải sâu sát địa bàn, kiên trì tuyên truyền, vận động; kịp thời phát hiện, giới thiệu điển hình tiên tiến để động viên, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, bản thân phải luôn là người đi đầu trong các phong trào để người dân thấy và làm theo”. 

Với những thành tích, nỗ lực không ngừng trong công tác mặt trận tại cơ sở, ông Nguyễn Đức Thành vừa vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen "Trưởng Ban công tác Mặt trận tiêu biểu” tỉnh Yên Bái giai đoạn 2014 - 2017.

Bằng những việc làm cao cả, những hành động đẹp, những sáng kiến đóng góp cho cộng đồng, ông Thành đã vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về kết nối, xây dựng khối đoàn kết lương - giáo trong cộng đồng, kết nối ý Đảng - lòng dân, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, phát huy và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương ngày càng vững mạnh.
 
Mai Linh

Các tin khác
Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục