Vượt lên nỗi đau da cam

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/8/2018 | 1:50:50 PM

YBĐT - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương chiến tranh thì chẳng thể phai mờ nhất là với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Dù vậy, bằng nghị lực và sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, các nạn nhân da cam đã vượt qua nỗi đau, tích cực tham gia công tác xã hội, vươn lên làm kinh tế giỏi nơi trận tuyến mới.

Tháng 12/1971, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Tạ Trần Tín lên đường nhập ngũ và được biên chế tại đơn vị C18- E124 F304, Quân chủng Thông tin, rồi tham gia chiến dịch Bình Trị Thiên, tại đây ông bị nhiễm chất độc da cam nhưng không hề hay biết. Tháng 12/1976, ông được điều về Quân khu II, tham gia chiến dịch biên giới phía Bắc.
 
Năm 1983, ông chuyển ngành về Công ty Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, công tác đến năm 1993 thì nghỉ hưu. Bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe giảm sút nhưng khi di chứng sang đời thứ ba ông mới được đề nghị giám định y khoa và tỷ lệ mất sức lao động là 61%.
 
Đến năm 2010, ông mới chính thức được công nhận hưởng chế độ nạn nhân da cam/ dioxin. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng với nghị lực và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, sau khi nghỉ hưu, ông luôn tích cực tham gia công tác xã hội, được bà con trong Khu dân cư tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ Khu dân cư, 2 khóa tham gia đại biểu HĐND, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường và hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Yên Ninh.

Cũng với tinh thần vì nhân dân phục vụ, tháng 1/1973, chàng thanh niên Bùi Văn Toản đã hăng hái lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, ông từng tham gia nhiều mặt trận tại chiến trường miền Nam và chiến trường nước bạn Lào. Năm 1976, ông chuyển sang ngành xây dựng, đến năm 1993 nghỉ mất sức, trở về quê hương tại tỉnh Lai Châu cũ.
 
Cuộc sống gia đình khó khăn, con còn nhỏ, sức khỏe yếu, ông Toản phải ngược xuôi mưu sinh, lo cho kinh tế gia đình. Năm 1990, do thiên tai lũ lụt, nhà cửa và nhiều tài sản của gia đình ông bị lũ cuốn trôi, cuộc sống vốn đã chật vật lại càng khó khăn hơn. Năm 1998, được sự động viên của đồng đội, ông cùng vợ con chuyển về định cư tại tổ 33 phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái.
 
Mặc dù sức khỏe yếu do bị di chứng chất độc hóa học, nhưng không cam chịu đói nghèo, ông Toản đã cùng với gia đình tích cực tăng gia sản xuất vươn lên thoát nghèo. Hiện với việc duy trì 5 con trâu sinh sản, cùng với chăn nuôi gà, gia đình ông đã thu nhập trên dưới 60 triệu đồng/ năm.
 
Với hội viên Hà Ngọc Xô - Chi hội trưởng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Giới Phiên và Phúc Lộc, thành phố Yên Bái, dù đã mất sức lao động 61%, nhưng ông vẫn luôn tích cực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trở thành hộ khá giàu tại địa phương.
 
Với việc duy trì tốt hơn 3 ha gỗ rừng trồng, hơn 1 sào ao, 1 mẫu ruộng cấy lúa và trồng rau màu cùng hơn 300 khóm chuối tây ở 5 sào màu dọc sông Hồng, mỗi năm gia đình ông thu về từ 70 đến 100 triệu đồng.
 
Đây chỉ 3 trong số rất nhiều hội viên thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Yên Bái đã luôn phát huy phẩm chất của người lính, vượt qua nỗi đau, vươn lên làm kinh tế giỏi và tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần xây dựng quê hương. Hiện, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Yên Bái có 256 hội viên, sinh hoạt tại 11 chi hội.
 
Dù mới thành lập được hơn 2 năm, nhưng với tình cảm, tấm lòng tri ân của mình Thường trực Hội đã luôn tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương tạo mọi điều kiện thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho các hội viên. Đồng thời, làm tốt công tác huy động, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, nhà hảo tâm để kịp thời chia sẻ, động viên hội viên vượt qua khó khăn, những đau đớn thể chất, vươn lên trong cuộc sống.
 
Ông Lê Hồng Cường - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Yên Bái cho biết: Vượt qua mặc cảm và nỗi đau về thể chất, nhiều hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin thành phố Yên Bái đã luôn phát huy phẩm chất của người lính, gương mẫu tham gia công tác xã hội làm bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể khu dân cư, công tác tại phường, khu dân cư, tổ dân phố…
 
Với tinh thần trách nhiệm của mình các cán bộ, hội viên luôn được nhân dân tín nhiệm, yêu mến và kính trọng. Bên cạnh đó, nhiều hội viên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tiên phong trong phát triển kinh tế trở thành điển hình trong lao động, sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, làm giàu cho gia đình và xã hội.

  Lê Hương - Thanh Nghị (Trung tâm TT&VH thành phố Yên Bái)

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục