Thạc sỹ Bùi Thái Sơn với mô hình hữu ích

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/11/2018 | 8:23:15 AM

YBĐT - Đó là mô hình mang tên "Điều khiển phân loại sản phẩm dùng PLC và điều khiển khí nén" của Thạc sỹ Bùi Thái Sơn - Phó trưởng Khoa Điện tử - Công nghệ thông tin đang được ứng dụng trong đào tạo tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thực hành trên mô hình điều khiển phân loại sản phẩm dùng PLC và điều khiển khí nén.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thực hành trên mô hình điều khiển phân loại sản phẩm dùng PLC và điều khiển khí nén.

Thạc sỹ Bùi Thái Sơn chia sẻ: Hầu hết hiện nay tại các cơ sở giáo dục nghề trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh bạn đang sử dụng các thiết bị giảng dạy bằng mô đun riêng lẻ. Khi thực hiện một bài giảng, chúng tôi phải rất vất vả trong việc lựa chọn, ghép nối các mô đun với nhau để hình thành một quá trình công nghệ sát với thực tế. 

Tuy nhiên, việc sử dụng các mô đun đơn lẻ ghép nối với nhau không thể phản ánh một cách trực quan, sinh động quá trình sản xuất. Vì vậy, tôi đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo ra mô hình điều khiển phân loại sản phẩm dùng PLC và điều khiển khí nén, giúp học sinh lĩnh hội kiến thức một cách tốt nhất, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. 

Mô hình này thực chất là một hệ thống cơ điện tử thu nhỏ, mô tả được tất cả các công đoạn của một quá trình sản xuất thực tế, từ khâu cấp phôi, phân loại đến quá trình sắp xếp thành kiện hàng đều được thể hiện một cách trực quan. 

Khác với các mô hình đơn lẻ trước kia, mô hình này tích hợp được nhiều phương pháp phân loại khác nhau như: màu sắc, kích thước, vật liệu. 

Hơn nữa, mô hình ứng dụng điều khiển công nghệ cao, điều khiển chính xác cánh tay máy dùng động cơ AC servo giúp người học tiếp cận và nắm bắt kiến thức công nghệ mới trước khi bước vào ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0. 

Thông qua việc sử dụng mô hình trong học tập sẽ giúp học sinh hình thành và phát triển nhiều kỹ năng như: sử dụng phần mềm lập trình trên máy tính thông thạo, kết nối thiết bị ngoại vi với PLC một cách chính xác, điều khiển động cơ AC servo, lập chương trình điều khiển theo yêu cầu, kết nối truyền thông, nạp chương trình và vận hành, xử lý khắc phục được các lỗi trong hệ thống...

Cùng đó, mô hình được chế tạo từ các máy móc sẵn có của Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái nên tiết kiệm chi phí; các thiết bị lắp đặt trên mô hình thông dụng dễ tìm kiếm và thay thế nên có thể nhân rộng cho các cơ sở giáo dục nghề. 

Trong khi trên thực tế, để đầu tư thiết bị đào tạo như một hệ thống sản xuất thực tế thu nhỏ cần chi phí rất lớn, lên tới vài chục nghìn USD. Đây là mức chi vượt quá khả năng tài chính của các cơ sở giáo dục nghề trên địa bàn. Vì thế, với mô hình điều khiển phân loại sản phẩm dùng PLC và điều khiển khí nén có giá khoảng 61 triệu đồng là một giải pháp hoàn toàn tối ưu về kinh tế lại đáp ứng nhu cầu đào tạo. 

Với mô hình này, việc học các môn học tưởng chừng như khô khan, trừu tượng, khó hiểu như: PLC cơ bản, PLC nâng cao, kỹ thuật cảm biến, điều khiển điện khí nén và một số môn học liên quan đến điều khiển truyền động điện trở nên dễ dàng hơn.

Em Phạm Văn Giang, lớp Cao đẳng Điện công nghiệp 1, K25, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái tâm sự: "Mô hình này là phần thu nhỏ của hệ thống cơ điện tử có tại cơ sở sản xuất, sát với thực tế; các thiết bị trên mô hình được sắp xếp logic, khoa học giúp chúng em có cái nhìn tổng thể và trực quan về hệ thống điều khiển bằng PLC trong thực tiễn sản xuất, vì vậy việc học trở nên dễ hiểu và hứng thú hơn rất nhiều”.

Qua thí điểm đào tạo mô hình này tại 2 lớp Cao đẳng Điện công nghiệp 1 và 2, K24 tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cho thấy, tỷ lệ học sinh khá giỏi tại lớp tham gia mô hình tăng đáng kể. Nếu như lớp Cao đẳng Điện công nghiệp 1 (không sử dụng mô hình) có tỷ lệ học sinh giỏi, khá, trung bình lần lượt là 5%, 14%, 81% thì ở lớp Cao đẳng Điện công nghiệp 2 (sử dụng mô hình) là 25%, 42%, 33%. 

Việc ứng dụng mô hình này trong quá trình giảng dạy, không chỉ giúp người dạy biến các kiến thức lý thuyết trừu tượng thành các kỹ năng thực hành cụ thể, phù hợp với phương pháp giảng dạy tích hợp mà còn giúp người học rút ngắn được thời gian nhận thức về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận với công nghệ một cách chủ động, kích thích hứng thú học tập nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Hoài Anh

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục