Ông Nguyễn Văn Biết thoát nghèo nhờ tâm huyết chăn nuôi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/12/2018 | 8:15:11 AM

YBĐT - Hơn 10 năm nuôi lợn nhỏ lẻ và 4 năm chăn nuôi quy mô lớn, điều giúp ông Nguyễn Văn Biết thành công là tinh thần kiên trì, tâm huyết, không bỏ nghề.

Lãnh đạo xã Châu Quế Hạ thăm mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Biết.
Lãnh đạo xã Châu Quế Hạ thăm mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Biết.

Cũng như nhiều nông dân khác tại thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, do đất canh tác ít nên ông  Nguyễn Văn Biết chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán và ít đồi rừng trồng quế. Rừng thì phải có chu kỳ mới được khai thác, còn lại phải lấy ngắn nuôi dài. 

Nghĩ vậy, ông tập trung nuôi gà, nuôi lợn và lúc đầu chỉ là nhỏ lẻ, sau thấy chăn nuôi nhỏ lẻ, không bài bản, quy mô nhỏ thì hiệu quả kinh tế không cao, vậy là, đầu năm 2015, ông Biết đăng ký xin hỗ trợ từ chính sách của tỉnh về hỗ trợ chăn nuôi lợn quy mô 100 con/lứa. Do có kinh nghiệm chăn nuôi từ trước, để chủ động con giống ông nuôi thêm 8 con lợn nái. 

Ông Biết cho hay: "Nếu mình chủ động được giống sẽ không lo nhập con giống không rõ chất lượng, nguồn gốc. Hơn nữa, tự chủ được con giống sẽ giúp việc chăn nuôi thuận lợi hơn, tính toán cụ thể hơn, chẳng hạn, đến khi nào là xuất chuồng, khi nào là có lợn giống? Như vậy, sẽ không có khoảng thời gian nghỉ mà sẽ quay vòng liên tục trong chăn nuôi; từ đó, tạo hiệu quả kinh tế cao hơn". Từ tính toán bài bàn, khu chăn nuôi của ông được đầu tư quy củ, xa khu dân cư để không ô nhiễm môi trường, không lây nhiễm các mầm bệnh. 

Theo chia sẻ của ông Biết, để đầu tư cho khu chăn nuôi lợn quy mô tập trung, ông phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại, làm hầm biogas, chưa kể tiền cám cả một kho chẳng khác nào đại lý. Vốn ít phải tích lũy nhiều, vay ngân hàng thì lúc nào cũng được nhưng quan trọng là làm thế nào để đồng vốn sinh lời, trong khi chăn nuôi thì rủi ro rất lớn. Hôm nay nhìn đàn lợn béo tốt nhưng chỉ vài ngày sau nếu không chú ý là coi như tiền bạc đổ hết xuống sông. 

Bởi vậy, ngoài việc tự mày mò tìm đọc tài liệu qua sách báo, trên mạng Internet, ông  còn chủ động đăng ký tham gia các lớp tập huấn về công tác thú y mở tại xã để bổ sung kiến thức chăn nuôi. Nhờ vậy, đàn lợn của ông phát triển khỏe mạnh, bình quân mỗi năm ông xuất bán gần 10 tấn lợn thịt, thu lãi cả trăm triệu đồng. 

Tâm huyết theo đuổi nghề nuôi lợn nên dù năm 2017 giá lợn hơi xuống thấp tới mức nhiều hộ chăn nuôi bỏ nghề chuyển sang nghề khác; thậm chí, có nhiều người phá sản vì chăn nuôi nhưng gia đình ông vẫn duy trì. 

Ông Biết tâm sự: "Cái khó là không điều tiết được thị trường. Khi có lãi thì ồ ạt chăn nuôi, khi giá thấp lại ồ ạt bỏ bê, đấy là cái bất lợi trong chăn nuôi. Yếu tố quan trọng nhất là phải kiên trì tìm giải pháp hữu hiệu nhất, không thể bỏ chăn nuôi mà chuyển sang nuôi nhỏ lẻ đợi thị trường ổn định sẽ tạo đà phục hồi". 

Chính những suy nghĩ ấy mà ông vẫn tiếp tục duy trì đầu đàn ổn định qua hơn một năm lợn hơi rớt giá. Khi giá lợn hơi tăng trở lại, ông đã chủ động được con giống để chăn nuôi và duy trì đầu đàn và bình quân mỗi năm ông nuôi được gần 4 lứa lợn, cứ lứa này xuất chuồng lại có lứa lợn khác nuôi kế tiếp quay vòng, không có thời gian bị gián đoạn. Hiện nay, ngoài việc phục vụ con giống cho gia đình, ông còn cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi trong thôn, xã; đồng thời, hỗ trợ các hộ chăn nuôi có hoàn cảnh khó khăn về vốn, giống để vươn lên thoát nghèo. 

Hơn 10 năm nuôi lợn nhỏ lẻ và 4 năm chăn nuôi quy mô lớn, điều giúp ông Nguyễn Văn Biết thành công đó là tinh thần kiên trì, tâm huyết, không bỏ nghề. Bởi vậy, mà mô hình chăn nuôi của gia đình ông được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá là mô hình kinh tế điển hình của địa phương được chỉ đạo nhân rộng trong toàn xã.

Thanh Tân

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục