Nguyễn Văn Được lập thân lập nghiệp từ chăn nuôi tổng hợp

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/4/2019 | 8:10:25 AM

YênBái - Mô hình chăn nuôi tổng hợp của đoàn viên Nguyễn Văn Được, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Mô hình nuôi bò bán công nghiệp của anh Nguyễn Văn Được.
Mô hình nuôi bò bán công nghiệp của anh Nguyễn Văn Được.

Những năm gần đây, phong trào lập thân, lập nghiệp của thanh niên diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp trong tỉnh. Nhiều thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong số đó, có mô hình chăn nuôi tổng hợp của đoàn viên Nguyễn Văn Được, thôn Thác Cái, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Sinh ra trong gia đình nông dân đông con, Nguyễn Văn Được chỉ học hết trung học cơ sở rồi nghỉ học phụ giúp cha mẹ. Năm 2003, Được vào miền Nam làm công nhân. Nhìn những trang trại gia súc rộng lớn ở miền Nam, anh nghĩ, tại sao với đồng đất màu mỡ ở quê mình lại không thể trồng cỏ và chăn nuôi đại gia súc? 

Những trăn trở ấy, đã thôi thúc Được trở về quê hương làm trang trại chăn nuôi tổng hợp. Từ số vốn 600 triệu đồng tích lũy sau nhiều năm lao động, vợ chồng anh đã đầu tư 15 con trâu, bò giống, xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố, nền cứng, có mái che, đảm bảo kín gió, ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Ngoài ra, anh còn thầu 2 mẫu đất của xã để trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. 

Với phương thức "lấy ngắn nuôi dài”, anh Được nuôi thêm lợn, gà lấy vốn mở rộng trang trại. Bằng sự siêng năng cùng cách chăm sóc đúng kỹ thuật, những nỗ lực của anh đã được đền đáp xứng đáng. Hiện, trang trại của anh luôn duy trì số lượng trâu bò sinh sản 26 con, 8 lợn nái, trên 400 con gà thịt và 30 con lợn thịt đang chờ xuất chuồng. Nhờ đó, năm 2018, anh thu về trên 200 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng. Anh Được chia sẻ: "Những năm tháng đi làm ở miền Nam, học hỏi được kinh nghiệm làm trang trại của bà con trong đó, mình thấy đất đai của quê mình cũng có thể làm được”. 

Hiện, anh Được đang thuê thêm đất trồng lúa kém hiệu quả của xã để mở rộng trang trại. "Trong thời gian tới, ý tưởng của tôi sẽ mở rộng chuồng trại để nuôi thêm lợn rừng, giun quế, tăng số lượng đàn bò sinh sản” - anh Được chia sẻ. 

Với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại khó, chàng thanh niên Nguyễn Văn Được đã bước đầu gặt hái được thành công trong phát triển kinh tế. Qua đó, khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của thế hệ trẻ hôm nay.

Anh Dũng 

Các tin khác
Ông Phạm Văn Quảng trồng cam V2 cho hiệu quả kinh tế cao.

Rời bỏ công việc giám đốc một công ty xây dựng có tiếng tại thành phố Yên Bái khi bước sang tuổi 60, ông Phạm Văn Quảng quyết định trở về quê hương Lục Yên để trở thành ông chủ vườn cam V2 đạt tiêu chuẩn VietGAP thứ 2 của huyện. 

Thầy giáo Trịnh Xuân Biên sử dụng hiệu quả bảng tương tác ActivBoard trong giảng dạy môn Vật lý.

Không chỉ là một giáo viên tâm huyết với nghề, giỏi chuyên môn, được học sinh và đồng nghiệp yêu mến, thầy giáo Trịnh Xuân Biên - Trường THPT Văn Chấn, huyện Văn Chấn còn là Phó Bí thư Đoàn trường năng động, luôn tìm tòi, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần đẩy mạnh công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học ngày càng vững mạnh.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

Đến xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, du khách dễ dàng bắt gặp một homestay nằm ngay giữa trung tâm xã - vị trí tiện lợi nhất có thể để chiêm ngưỡng cảnh sắc núi non hùng vĩ và những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp được xếp hạng danh thắng quốc gia. Chủ nhân của homestay này là anh Hảng A Dò.

Mô hình vườn ươm cây giống lâm nghiệp của gia đình bà Nguyễn Thị Đậu ở tổ dân phố số 10, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 20 lao động thời vụ và 10 lao động thường xuyên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục