Anh Đoàn Văn Khánh quyết tâm để thành công

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/4/2019 | 8:00:09 AM

YênBái - "Những lần có việc về với Hải Dương, thấy người ta nuôi cá mà giàu, tôi mê quá. Lại nhớ các cụ mình đã dạy rằng: "Muốn giàu nuôi cá…” nên tôi cũng làm theo thôi” - anh Đoàn Văn Khánh ở tổ dân phố 3, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên nói mình bắt đầu đến với con cá như vậy.

Mỗi năm, gia đình anh Đoàn Văn Khánh có lãi khoảng 200 triệu đồng từ nuôi cá.
Mỗi năm, gia đình anh Đoàn Văn Khánh có lãi khoảng 200 triệu đồng từ nuôi cá.

Thật sự là đến nay, trải qua hơn chục năm gắn bó cùng con cá, gia đình anh đã có nguồn thu nhập khá cao. Cụ thể mọi chi phí, 2 mẫu ao nuôi mỗi năm cho anh lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Trên diện tích mặt nước này, bình quân anh thả 1,2 vạn cá giống một lứa. 

Cứ một năm nuôi một lứa, đàn cá chủ yếu được gia đình bán buôn, còn ai biết tiếng thì đến tận nhà mua. Cũng là cá rô phi, cá trắm nhưng cá nuôi ao nhà anh được đánh giá có chất lượng tốt bởi thịt chắc, dai, thơm, ngọt. Cá anh lấy của một trung tâm thủy sản ở Hải Dương, giống này nhập khẩu từ Đài Loan và nuôi bằng cám Kagiu. 

Anh còn bổ sung thêm thức ăn là cỏ voi và thân cây chuối tươi thái nhỏ. Không phải ngẫu nhiên lựa chọn giống cá nhập ngoại và hãng cám này để nuôi mà là kinh nghiệm anh đã phải trả giá trong thực tế. Anh đầu tư đào 1 mẫu ao hết 100 triệu đồng tại thời điểm năm 2007 vừa là vốn tích lũy của gia đình vừa được anh em cho vay hơn nửa. 

5 triệu đồng mua giống để thả lứa cá trắm, chép, rô phi đầu tiên mang theo mong ước tốt đẹp của anh. Một năm sau, những gì anh nhận được lại là thất vọng tràn trề vì mỗi con cá bình quân chỉ tăng 0,5 kg. Gạt bỏ nỗi buồn phiền, tự động viên và dồn sức cho lứa tiếp theo, lần nữa anh có thêm thất bại. 

Hai lần liên tiếp không cho kết quả như kì vọng, ai cũng gàn và khuyên bỏ cá đi, chuyển hướng khác, đâu đã hết cách làm ăn. 

Nghe, thấu nhưng anh nhất quyết không từ bỏ ý định của mình với suy nghĩ đơn giản nhưng rất quyết liệt: "Đã làm thì phải làm đến cùng, có thất bại thì cũng mới có thành công”. 

Rà soát, kiểm tra lại các khâu trong qui trình chăn nuôi cũng như tham khảo nhiều gia đình nuôi cá khác, anh nhận thấy mấu chốt của thất bại do yếu tố chất lượng con giống, chất lượng nguồn cám. 

Tìm về Thái Bình theo lời giới thiệu của người quen nhưng cuối cùng anh dứt khoát dừng lại ở Hải Dương để xem người ta đã nuôi cá như thế nào mà có hiệu quả cao, mà rất khá giả. 

Ngay lập tức anh chi 20 triệu đồng mua 1 vạn con cá giống nhập của Đài Loan gồm cá rô phi đơn tính, cá trắm mang về tiếp tục thả trong 1 mẫu ao năm 2009. Dù mức giá của các giống cá nhập ngoại này luôn cao hơn hẳn nhưng anh vẫn chọn đầu tư. Kiểm soát các công đoạn chăn nuôi từ chất lượng con giống, chất lượng cám, mật độ thả, nuôi dưỡng và chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh, một năm sau, đàn cá tạo nên khác biệt lớn với tăng trọng bình quân 1,5 kg/con, cá bán dễ như không. 

Theo dõi sổ sách thu chi của vợ, anh cho biết: "Tính ra cứ đầu tư 100 triệu đồng thì tôi có lãi 30 triệu đồng”. 

Có kết quả ban đầu tạo động lực, những năm sau này, anh Khánh đều tiếp tục đặt mua cá giống ở trung tâm thủy sản đó và đến năm 2016 quyết định đào thêm 1 mẫu ao nữa. Duy trì qui mô thả 12.000 con ở hai ao, bình quân một năm cho gia đình anh thu khoảng 16 tấn cá, bán giá buôn là 40.000 đồng/kg rô phi đơn tính, 65.000 đồng/kg cá trắm, lợi nhuận đạt khoảng 200 triệu đồng. Anh Khánh thường vào đàn lúc tháng 3 âm lịch để có cá xuất bán đúng tháng Chạp. 

Từ thất bại rồi có được thành công với con cá bao năm qua, anh Khánh chia sẻ giản dị rằng trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều có rủi ro, quan trọng nhất là phải nỗ lực đi đến cùng con đường mình chọn cũng như phải đầu tư công sức cho công việc, không ngừng học hỏi, luôn luôn mang ước vọng chinh phục thử thách. 

Nguyễn Thơm

Tags Mậu A Văn Yên rô phi đơn tính cá trắm

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục