Chúng tôi tìm đến nhà anh Phạm Huy Cảnh tại số nhà 117, tổ 10, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái sau một đêm mưa rào. Sàn bếp nhà anh ướt sũng, nhiều chỗ nước còn đọng lại thành từng vũng nhỏ. Gian bếp nhỏ hẹp chừng chục mét vuông ấy tưởng chừng như chỉ có thể nhìn thấy ở những làng quê xa xưa.
Nhấp ngụm trà nóng, anh Cảnh kể, trước đây căn nhà còn tồi tàn hơn nhiều, anh phải nhịn ăn nhịn tiêu, tích góp từng đồng để sửa lại nhưng đến giờ vẫn chưa đủ tiền để làm hệ thống máng nước. Hễ trời mưa, nước trên mái không thoát được lại chảy thẳng xuống nhà.
Có những hôm mưa to nước chảy lênh láng ngập đến tận mắt cá chân. Vừa nghe anh Cảnh kể, tôi vừa đưa mắt quan sát căn nhà cấp 4 xây cách đây mấy chục năm. Tài sản trong nhà anh chẳng có gì nhiều ngoài một chiếc tivi cũ được một người bạn tặng.
Sinh năm 1981, anh Cảnh không may mắn bị mất hoàn toàn thị lực từ khi 9 tháng tuổi do biến chứng của bệnh sởi. Lớn lên, thấy con yêu ca hát, bố anh vay mượn để mua cho con trai một chiếc đàn organ rồi lại lặn lội khắp nơi tìm thầy dạy nhạc với hy vọng sau này con có chút vốn nghề để tự kiếm sống.
Được thầy cô hướng dẫn, anh Cảnh bắt đầu làm quen với từng phím đàn, từng nốt nhạc, từng giai điệu. Và rồi tình yêu với cây đàn trong anh lớn lên từng ngày. Sau dần anh tự chơi được những bản nhạc đầu tiên. Đến bây giờ, anh đã chơi thành thạo loại nhạc cụ này và chỉ cần nghe là có thể mày mò tìm cách chơi lại gần giống với bản gốc.
Hiện nay, anh Cảnh sống cùng người mẹ già 70 tuổi bị tai biến, đi lại phải dùng đến nạng và một người con trai đang học lớp 4. Kinh tế gia đình khó khăn, ba người không đủ khả năng lao động phải sống nhờ vào hơn một triệu đồng tiền trợ cấp xã hội của anh và tiền tử tuất của bố anh để lại.
Bà Nguyễn Thị Phúc - mẹ anh Cảnh cho biết: "Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngỡ tưởng chiếc đàn organ sẽ giúp nó có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nhưng vì khiếm khuyết quá lớn, người ta cũng ít gọi nó tới đám cưới, hội nghị. Không biết bao giờ gia đình tôi mới thoát được nghèo khó”.
Không đầu hàng trước số phận, anh Cảnh quyết định tự tìm con đường mới cho mình. Nhờ vào sự hỗ trợ của Hội Người mù tỉnh Yên Bái, anh được học và làm việc cho một phòng tẩm quất do Hội mở. Có nghề trong tay nhưng do đi làm thuê nên thu nhập cũng không khá là bao.
Ước ao bấy mở được một phòng tẩm quất của chính mình cũng khó mà thực hiện được. Thế rồi như có phép màu, một người bạn của anh đã đứng ra vay mượn tiền để đầu tư, tu sửa căn phòng khách của căn nhà rộng chừng 30m2 thành phòng tẩm quất, phục vụ khách tại gia đình. Dù vậy, số lượng khách tìm đến tẩm quất không nhiều, chủ yếu là hàng xóm thương tình ghé qua. Một phần cũng là do các trang thiết bị tại đây còn sơ sài, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Thu nhập của gia đình anh Cảnh cũng không khá lên là mấy, có tháng chỉ đón được hơn 10 khách, tháng nhiều nhất cũng chỉ thu được gần 2 triệu đồng. Nhiều đêm, anh Cảnh trằn trọc vì phải lo nghĩ đến việc trả nợ.
Bà Hoàng Thị Hiệp - tổ trưởng tổ 10, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Tuy rằng khả năng thị lực không có nhưng Cảnh là người nghị lực luôn nỗ lực vươn lên, không đầu hàng số phận. Dù vậy, do hoàn cảnh quá éo le, các thành viên trong gia đình lại không có khả năng lao động nên cuộc sống vẫn còn rất khó khăn, vất vả”.
Khi được hỏi về mong muốn và dự định trong tương lai, anh Cảnh cười thật tươi chia sẻ: "Tôi chỉ mong công việc ổn định, có nhiều khách hàng tìm đến để hàng tháng có đủ thu nhập lo cho mẹ già và con trai”.
Trong cái siết tay tạm biệt cũng là sẻ chia với nỗi niềm của anh, tôi thầm mong cho ước nguyện của anh sẽ thành hiện thực và mong anh sẽ nhận được nhiều hơn sự đồng cảm, giúp đỡ của các tổ chức, các nhà hảo tâm để trang trải hết nợ nần, ổn định cuộc sống như bao người bình thường khác.
Bảo Linh