Chúng tôi cùng đồng chí Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ đến tận vườn trồng cỏ Công ty để thực tế. Chị Đông xuất hiện với dáng người nhỏ nhắn, tác phong nhanh nhẹn. Chị giới thiệu cho chúng tôi về mô hình trồng cỏ của mình, từ hệ thống tưới tự động, khu vườn ươm giống… tất cả đều được đầu tư bài bản.
Qua câu chuyện được biết, chị từng là kế toán của Trại Giống thủy sản Nghĩa Lộ, đã tham gia thành công các mô hình như nuôi tôm càng xanh trên chân ruộng hai vụ, cá trạch sông…, sau chị chuyển ra kinh doanh ngoài và thành lập công ty riêng.
Thành công thì ít mà thất bại đắng cay cũng nhiều, song không làm chị nản chí, mỗi lần vấp ngã, thất bại lại cho chị thêm nghị lực để cố gắng vượt lên. Rồi cơ duyên đã đưa chị đến với một mô hình khá mới mẻ khi mà tình cờ chị gặp lại một người bạn sinh sống tại thành phố Yên Bái lấy chồng bên Hà Lan. Sẵn niềm đam mê kinh doanh lại nghe thấy chị bạn đang khảo sát tìm địa điểm để trồng cỏ ngọt, chị đã mạnh dạn nhận làm thử nghiệm.
Nhận thấy thị xã Nghĩa Lộ có điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho cây cỏ ngọt phát triển, chị đã xây dựng Dự án và được tỉnh chấp thuận.
Năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt danh mục các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, trong đó có Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm cây cỏ ngọt tại thị xã Nghĩa Lộ. Ngày đầu bắt tay vào làm thử nghiệm, thật sự là những chuỗi ngày khá gian nan, bởi đồng đất này từ trước đến nay vốn chỉ quen với cây lúa, cây ngô và cũng đã có khá nhiều mô hình cây, con mới lạ triển khai nhưng phần nhiều thất bại.
Với số tiền hỗ trợ 400 triệu đồng của Dự án, chị bỏ thêm tiền của gia đình và vay thêm ngân hàng để đầu tư hệ thống tưới nước, khu ươm cây giống, thuê công nhân và thuê 7.000 m2 đất của Trại Giống cây trồng Nghĩa Văn để làm mô hình với tổng số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng. Cỏ ngọt là giống cây thân mềm, có tên khoa học là Stevia rebaudiana, thường được gọi là lá đường, lá mật, hoặc lá ngọt bởi nó ngọt hơn 250 lần đường ăn thông thường.
Sử dụng loại thảo dược này trong y học như một loại thuốc bổ cho tim và hạ huyết áp, các bệnh về thận, tiểu đường. Cỏ ngọt dễ trồng, thích hợp với những vùng đất pha cát, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chỉ cần đảm bảo nước tưới, độ ẩm là cỏ phát triển tốt, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 2 tháng, sau đó cứ 15 ngày lại thu được một lứa tiếp theo, một năm thu hoạch được 7 – 8 tháng.
Đầu tư cho một héc ta bao gồm giống, nhân công, phân bón mất khoảng 60 triệu đồng, hai năm mới phải trồng lại, nếu hạch toán, trừ tất cả chi phí một héc ta cho thu lãi khoảng 80 triệu đồng, cao gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa. Hiệu quả đã khá rõ ràng, một số tỉnh miền trung đã đưa vào trồng thử nghiệm và đã thành công.
Tuy nhiên, với tỉnh Yên Bái nói chung và thị xã Nghĩa Lộ nói riêng, chưa có một cơ sở hay một cá nhân nào đưa giống cây này vào trồng thử nghiệm.
Khu vực trồng và nhân giống cỏ ngọt rộng 7.000 mét vuông của Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông - lâm, thủy sản TND.
Chị Đông chia sẻ: "Là phụ nữ nên cũng có khá nhiều hạn chế bởi mình không thể khỏe mạnh, xốc vác và nhanh nhẹn như đàn ông, song cái gì đã tâm huyết tôi phải làm bằng được, phần là vì mình ngoài ra còn cùng với địa phương tạo việc làm, tăng thu nhập, mở ra cơ hội thoát nghèo và làm giàu cho các hộ dân trong địa phương”.
Mục tiêu bước đầu của chị là xây dựng vườn ươm nhân giống cây cỏ ngọt với quy mô 7.000 m2; trồng thử nghiệm 5 ha cỏ ngọt, năng suất đạt 5 tấn khô/ha/năm nhằm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Với hình thức Công ty hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón, 30% bạt phủ luống và hướng dẫn kỹ thuật, nông dân góp đất và sức lao động, Công ty cam kết song hành cùng nông dân, bao tiêu sản phẩm và đảm bảo tốt nhất lợi ích của cả 2 phía nhằm mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu lên khoảng 20 ha để đủ điều kiện đầu tư các hạng mục phục vụ việc sơ chế sản phẩm như sân phơi, kho bãi, hệ thống sấy ngay tại địa phương.
Đến nay, mô hình đã được nhân rộng tại phường Pú Trạng, phường Trung Tâm và xã Nghĩa Lợi, cho hiệu quả rõ rệt với hình thức doanh nghiệp cung cấp giống, chuyển giao công nghệ, cho cán bộ kỹ thuật giám sát.
Gia đình chị Hoàng Thị Thúy Hiệp, ở tổ dân phố Căng Nà đăng ký trồng 800 m2 giống cỏ ngọt, nhờ được sự giúp đỡ của cán bộ kỹ thuật nên những luống cỏ ngọt của gia đình đảm bảo trồng đúng quy trình, chất lượng, đảm bảo diện tích bề mặt cho cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển. Sau hơn 2 tháng đã cho thu hoạch lứa đầu tiên được 1 triệu đồng.
Chị Hiệp cho biết: "800 m2 ruộng tương đương hơn 2 sào đầu tư mất 3 tháng mới được thu hoạch, trừ tất cả các loại chi phí cho thu lãi mỗi vụ khoảng 4 triệu đồng, cả năm là 8 triệu đồng trong khi đó cũng diện tích cỏ ngọt 1 năm thu 7 – 8 tháng, mỗi tháng 2 lứa, bình quân cũng được 14 - 16 triệu đồng/năm”.
Gia đình ông Trần Ngọc Bích ở thôn Đồng Lú, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn tham gia trồng 1 ha cỏ ngọt trên diện tích đất soi bãi của gia đình. Sau hơn nửa năm đưa giống cỏ ngọt vào trồng bước đầu đã cho thu nhập.
Ông Bích chia sẻ: "Nếu trồng cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp trên diện tích đất này ít nhất cũng phải từ 3 – 5 năm mới có thu nhập, chi phí đầu tư cho 1 héc ta cây ăn quả, cây lâm nghiệp cũng tương tương cỏ ngọt. Còn nếu trồng lúa, 1 ha chi phí mỗi vụ khoảng 31 triệu đồng, sau 3 tháng thu được trên 54 triệu đồng, trừ chi phí cho thu nhập trên 23 triệu đồng/vụ, một năm 2 vụ lúa thu nhập 46 triệu đồng. Tuy nhiên, với cỏ ngọt được Công ty hỗ trợ giống, phân bón kỹ thuật, chỉ 2 tháng sau khi trồng là cho thu hoạch và 2 năm sau mới phải trồng lại. Đến thời điểm này, gia đình tôi đã thu được 6 lứa, mỗi lứa cũng được gần 10 triệu đồng, tính ra hiệu quả cũng khá cao”.
Hiện tại, mô hình trồng cỏ ngọt đã được chị Đông phát triển ra một số tỉnh như Sơn La, Tuyên Quang, cho hiệu quả rõ rệt. Chị Đông đang tiếp tục làm đề tài để thực hiện mô hình nhân giống lúa Séng cù và giống lúa lai Li trên cánh đồng Mường Lò để góp phần tạo sản phẩm đặc trưng trên cánh đồng Mường Lò.
Việc đưa vào trồng cây cỏ ngọt tại thị xã Nghĩa Lộ là một hướng đi mới, góp phần vào chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển các sản phẩm chủ lực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh, đồng thời đang mở ra hướng đi giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Thanh Tân