Niềm vui chữa bệnh cứu người

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/9/2019 | 8:02:02 AM

YênBái - 80 tuổi tròn theo cách tính dân gian, bà mế dân tộc Tày Hoàng Thị An ở thôn 5 Khe Sấu, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, đặc biệt nụ cười tươi rói khoe hàm răng đều đen nhánh. Nụ cười ấy đã xóa nhòa hết khoảng cách giữa khách với chủ, giữa người bệnh với bà mế này.

Bà mế Hoàng Thị An hàng ngày vẫn bốc thuốc nam chữa bệnh cứu người.
Bà mế Hoàng Thị An hàng ngày vẫn bốc thuốc nam chữa bệnh cứu người.

Bà mế An nói rằng cũng chẳng biết mình có giỏi hay không, chỉ biết là bốc thuốc nam chữa bệnh cho nhiều người rồi nhiều người khác lại tự tìm đến. Nghề thuốc đến với bà bắt đầu từ người mẹ dì chuyên bốc thuốc nam. Cách đây 29 năm, khi bà nghỉ công tác ở xã thì mới chính thức bốc thuốc và có nhiều thời gian làm nghề.

Lúc trước, vừa làm công tác hội phụ nữ vừa nuôi một đàn con nhỏ, bà túc tắc tranh thủ lấy thuốc hộ hàng xóm, người quen nhờ thôi vì cây thuốc có sẵn, có nhiều trên các đồi, gò gần nhà. Những ngày ấy, bà đã được nhiều người biết tiếng bởi "mát tay” chữa bệnh dạ dày. Sau này thì bà còn làm thuốc chữa các bệnh khác nữa như: sa dạ dày, sa dạ con, trĩ nội, trĩ ngoại, xương khớp, gan, thận. 

Ngay trong thôn có ông Phạm Văn Lương năm 2017 bị sỏi thận, bà đã cắt cho 5 thang thuốc và uống đến thang thứ ba thì ông hết đau. Bệnh nhân khỏi bệnh, nhiều người gọi điện cảm ơn nhưng bà không thể nhớ hết. Mọi thứ đều thay đổi theo thời gian, rất nhanh và rất khác nhưng quan trọng nhất vẫn là làm sao cứu giúp người, được nhiều người tin tưởng tìm đến mình để chữa bệnh. 

Bà vẫn nhớ khoảng năm 1995, trong một buổi sáng mà mình bà lấy được 5 bao tải cây thuốc. Càng ngày càng ít cây thuốc mọc tự nhiên và tuổi thêm cao, bà phải tìm nơi bán cây thuốc mình cần và đã chọn được một cửa hàng ở huyện Yên Bình, tùy mỗi đợt lấy từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Mỗi thang thuốc là 20.000 đồng nhưng bà thường cho bệnh nhân thêm thuốc hoặc không lấy hết tiền, thậm chí không lấy tiền.

Bà mế kể chuyện với giọng điệu rất trẻ trung: "Nhiều người hỏi bà sao không tăng giá thuốc cao lên chứ phải đi mua cây thuốc như thế thì có mà "lõm” à… Lõm thì không lõm đâu, chỉ là không giàu thôi, quý nhất là giữ được nghề”. 

Bà nói bà có lương, vợ chồng ông bà sống cùng vợ chồng anh con trai út và hai cháu nội, kinh tế có 3 ha quế mỗi năm bóc tỉa cũng được khoảng 100 triệu đồng, nuôi thêm con gà, con vịt và trồng cấy 5 sào ruộng. Vậy là tạm ổn về thu nhập vì hàng tháng bà tính cũng có thêm độ 3 triệu đồng nữa từ nghề bốc thuốc nam chữa bệnh. Năm 1998, bà mế An chính thức trở thành hội viên Hội Đông y Việt Nam. 

Với bà, việc này vui lắm, phấn khởi lắm, vinh dự lắm và càng thêm có ý nghĩa, có trách nhiệm bởi mình vừa được làm nghề vừa giữ uy tín cho tổ chức Hội. Hàng năm, bà có sổ ghi chép, theo dõi số người đến bốc thuốc bình quân là 550 - 570 người. 

Bệnh nhân xa thì ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, còn gần thì trong xã, trong huyện, trong tỉnh. Ngày xưa cứ phải đến tận nơi, giờ thì tiện đủ thứ: điện thoại để gọi, đường sá thuận lợi, dịch vụ vận chuyển… 

Bà cũng kể chuyện con cháu quay, chụp bằng điện thoại rồi đưa mình lên cả Facebook nữa đấy, hay ghê! Hỏi bà có ý định giới thiệu thuốc chữa bệnh của mình lên Facebook, bà cười rõ tươi: "Không đâu, ai đã chữa khỏi ở đây thì mách cho người khác tìm đến bà thôi, không muốn tự giới thiệu về mình đâu”. Điều khiến bà phấn khởi hơn nữa là vợ chồng anh con trai út ở cùng thì nay đều có thể làm thuốc giúp bà, riêng anh con trai đã đi học và có chứng chỉ làm nghề. 

Cuộc sống của bà mế An bây giờ là hàng ngày vui vầy bên gia đình, cùng con trai và con dâu bốc thuốc chữa bệnh cứu người, chứng kiến xóm làng và quê hương mỗi ngày đổi mới. "Đó là cái phúc lớn nhất của bà, như thế còn gì vui hơn”, bà cười sảng khoái.

Nguyễn Thơm

Tags Dân tộc Tày Hoàng Thị An Khe Sấu Đào Thịnh Trấn Yên người bệnh bà mế

Các tin khác
Cô Chu Thị Tú Liên (giữa) cùng hai em Lường Thị Hoài Hương và Lường Quang Duy đoạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học năm học 2018 - 2019.

Nụ cười hiền hậu, đôi mắt rạng ngời của cô giáo Chu Thị Tú Liên - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Hoàng Văn Thụ, thị xã Nghĩa Lộ khiến câu chuyện của chúng tôi trở nên cởi mở và gần gũi hơn. Cô là nữ giáo viên đầu tiên mang những điệu xòe Thái đến với học sinh, giúp các em hiểu được giá trị văn hóa truyền thống - nét đặc trưng của mảnh đất Mường Lò, Nghĩa Lộ.

Tổ công tác Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự - Cơ động Công an huyện Văn Yên thực hiện tuần tra, kiểm soát trên địa bàn huyện.

Theo học Trường Trung cấp Cảnh sát, Bùi Quốc Quỳnh đã toại nguyện ước mơ trở thành chiến sỹ công an nhân dân. Ra trường, nhận công tác tại Công an huyện Văn Yên, đi học lên đại học, suốt quá trình học tập và công tác, đồng chí Quỳnh càng thấm thía hơn 6 lời dạy của Bác.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hòa Bình - Trần Anh Tuấn đi thăm, tặng quà cho đoàn viên khó khăn dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi, năm 2019.

Tiếp xúc với Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Hòa Bình Trần Anh Tuấn, hầu hết mọi người đều cảm nhận cái “duyên” làm công tác xã hội từ phong cách giao tiếp đến suy nghĩ và hành động của anh. Đến nay, anh đã có gần 20 năm làm cán bộ công đoàn, trong đó 2 nhiệm kỳ là Chủ tịch CĐCS và là Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Yên Bái.

Thầy Giàng A Của (đứng giữa) cùng học sinh cũ về thăm Trường.

Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục Mù Cang Chải, đảm nhiệm nhiều vị trí, lòng yêu nghề và sự tận tâm của thầy thầy giáo Giàng A Của - Hiệu trưởng Trường PTDTNT- THCS Mù Cang Chải đã dìu dắt nhiều thế hệ học sinh nhà trường trưởng thành, góp sức xây dựng quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục