Mai Vũ Sơn - kỹ sư trẻ năng động và sáng tạo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/9/2019 | 11:02:15 AM

YênBái - Với hơn chục năm gắn bó với nghề và bản thân cũng là một cán bộ kỹ thuật, anh Mai Vũ Sơn thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của những anh em cán bộ kỹ thuật trong Công ty mỗi khi triển khai thực hiện việc lắp đặt các thiết bị điện hay khi có sự cố hệ thống điện xảy ra trên địa bàn tỉnh…

Kỹ sư Mai Vũ Sơn (bên trái) trao đổi nghiệp vụ với kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực Yên Bái.
Kỹ sư Mai Vũ Sơn (bên trái) trao đổi nghiệp vụ với kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực Yên Bái.

Năm 2006, tốt nghiệp chuyên ngành hệ thống điện - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Mai Vũ Sơn được nhận vào làm việc tại Phân xưởng Sửa chữa xây lắp điện, sau đó làm việc tại Phân xưởng Thí nghiệm điện - Công ty Điện lực Yên Bái (ĐLYB) cho đến tháng 3/2009 được điều động về Phòng Kỹ thuật (P4) - Công ty ĐLYB. 

Anh Sơn tâm sự: "Khi bước vào làm việc tại các phân xưởng, lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ với công việc mới, nhưng nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo Công ty; đồng thời, học hỏi từ đồng nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và áp dụng những kiến thức được học nên tôi đã nắm bắt nhanh công việc, phát huy được khả năng của bản thân”. Quá trình công tác, dù ở bất cứ cương vị nào, công việc gì, lĩnh vực nào được lãnh đạo Công ty giao, anh Sơn đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Ông Cao Bình Định - Phó Giám đốc ĐLYB cho biết: Phòng Kỹ thuật của Công ty ĐLYB hiện có 5 cán bộ kỹ thuật viên, khối lượng công việc khá lớn, song với vai trò là người lãnh đạo Phòng, anh Sơn luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm đi đầu trong mọi công việc, phát huy tinh thần đoàn kết, kịp thời động viên, tập hợp anh em cán bộ công nhân viên, tập trung lãnh đạo, điều hành tổ chức thực hiện mọi hoạt động của Phòng mà Ban Giám đốc giao; làm tốt công tác quản lý kỹ thuật, vận hành sửa chữa hệ thống điện; bồi huấn đào tạo, tuyển dụng; khoa học, công nghệ sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; bảo vệ môi trường; đề xuất phương án đầu tư xây dựng, quy hoạch lưới điện; tư vấn thiết kế, thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán các công trình cấp điện áp 35kV trở xuống theo phân cấp của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc; quản lý tổn thất điện năng…

Do vậy, anh cùng với các đồng nghiệp không ngừng nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo, đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Trong giai đoạn 2016 - 2018, anh Sơn cùng với các đồng nghiệp đã nghiên cứu đưa ra rất nhiều các đề tài, giải pháp sáng kiến cải tiến kỹ thuật như: thiết kế đo dòng rò chống sét van đang vận hành trên lưới trung áp; thiết kế bộ báo tín hiệu lệch pha dòng điện hạ thế 3 pha 4 dây; thiết kế sàn thao tác đấu nối hotline lưới điện trung áp khu vực miền núi; lắp đặt bảo vệ chạm đất có định hướng công suất tại các xuất tuyến 35kV thuộc các trạm 110kV trên địa bàn tỉnh Yên Bái… 

Đặc biệt, năm 2018 Công ty đã công nhận 6 giải pháp là sáng kiến, 12 giải pháp là hợp lý hóa sản xuất và tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ VIII năm 2018, anh Sơn cũng có  đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất tham gia tại hội thi và đoạt giải nhì, đó là thiết kế sàn thao tác đấu nối hotline lưới điện trung áp khu vực miền núi và thiết kế đo dòng rò chống sét van đang vận hành trên lưới trung áp.

Nói về đề tài sáng kiến "Thiết kế sàn thao tác đấu nối hotline lưới điện trung áp khu vực miền núi”, anh Sơn chia sẻ: "Công ty ĐLYB triển khai thiết kế đấu nối hotline lưới điện trung áp đối với các công trình điện mới từ năm 2015. Tuy nhiên, việc đấu nối hotline dựa vào xe tải cẩu có gắn gầu chỉ áp dụng được ở những nơi có đường giao thông lớn. Đối với địa hình đồi núi… thì việc bắc giàn giáo vận chuyển rất khó khăn, giàn giáo không có sàn đẳng thế đảm bảo an toàn khi thao tác. Do vậy, với giải pháp, sáng kiến, thiết kế sàn thao tác đấu nối hotline lưới điện trung áp mà tôi đưa ra có ưu điểm, đó là: chiều cao tối đa 10,5m; tổng trọng lượng: 200kg - nhẹ hơn nhiều so với dàn giáo xây dựng; sử dụng cho mọi địa hình mà xe tải cẩu gắn gầu không vào được và vận chuyển thuận tiện vì các chi tiết có thể tháo rời, đến nơi thi công lắp ráp lại". 

"Có sàn đẳng thế cấp điện áp 35kV đảm bảo tuyệt đối an toàn về điện khi thao tác đấu nối hotline lưới điện trung áp và áp dụng đấu nối Hotline lưới điện trung áp tỉnh Yên Bái trên mọi địa hình; đồng thời, làm các công việc sửa chữa điện trên cao xe tải cẩu gắn gầu không đến được. Qua đó, nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, giảm chỉ số thời gian mất điện trung bình của khách hàng; số lần mất điện kéo dài trung bình của khách hàng trong năm và tần suất mất điện thoáng qua của khách hàng trong năm khi sử dụng sàn thao tác đấu nối hotline trong đấu nối các công trình điện mới xây dựng vào lưới điện trung áp Công ty Điện lực Yên Bái hiện có”. Anh Sơn nói.

Anh Trần Kim Thìn - cán bộ Phòng Kỹ thuật tâm sự: "Anh Sơn là người nhiệt tình, năng động, sáng tạo trong công việc; nắm bắt năng lực sở trường của từng người để giao việc và tận tình chỉ bảo để cán bộ trẻ hoàn thành tốt công việc được giao. Đặc biệt, anh là người có rất nhiều ý tưởng, giải pháp sáng kiến hay hợp lý hóa sản xuất để anh em cùng trao đổi, nghiên cứu. Anh là tấm gương sáng để cán bộ trẻ trong Công ty học tập, noi theo”.
Đức Toàn 

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục