Những ngày gian khó
Đưa cánh tay gầy guộc, lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, thấy tôi từ xa, ông vẫy: "Mua cam chanh cháu ơi! Cam chanh nhà bác ngon mà sạch lại đảm bảo chất lượng". Tôi lại gần chọn cam của ông. Sau một hồi trò chuyện, được biết ông năm nay đã ngoài sáu mươi, là chủ vườn cam, bưởi rộng lớn, nhà cách thành phố gần 40 km.
Cầm túi cam đã cân đưa cho tôi, ông nói: "Một tuần bác ra đây bán ba buổi cháu ạ! Được cái mang hàng ra chợ bán chỉ 3 - 4 tiếng buổi sáng là hết". Tôi ấn tượng ở ông - một người nhiệt tình, xởi lởi lại hay cười. Trong lần ấy, tôi hẹn ông vào dịp gần nhất sẽ tới thăm ông.
Một buổi sáng thứ bảy, trong tiết trời se lạnh cuối thu, đúng như lời hẹn, tôi cùng ông vượt qua những khúc cua, con dốc lớn, đoạn đường đất lầy lội khó đi, qua Ủy ban nhân dân xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, rồi rẽ vào một ngõ nhỏ.
Dừng lại trước ngôi nhà xây cấp bốn khang trang, đẹp như tranh, xung quanh là khu vườn quả rộng lớn với những cây cam, cây bưởi sai trĩu trịt. Tôi không khỏi choáng ngợp bởi khu vườn rộng lớn của gia đình ông. Vợ ông từ trong nhà bước ra đon đả đón khách với nụ cười hiền hậu. Bà mang ấm chè nóng rót nước mời tôi.
Nhấp chén chè nóng, tôi cùng ông Lê Văn Sơn và vợ là bà Vũ Thị Điệp ở thôn Chùa 2, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn ngược dòng trở lại những ngày gian khó tìm hướng thoát nghèo. Ngày mới lấy nhau, vợ chồng ông chỉ có căn nhà gỗ được bố mẹ để lại. Sau rồi hai vợ chồng ông khai hoang khu đất đầy lau lách, cỏ dại phía sau nhà trồng được hơn 1 ha chè và làm ruộng.
Ông trút bầu tâm sự: "Ngày xưa hai bác vất vả lắm! Thức khuya, dậy sớm làm việc quần quật cả ngày mà cũng chỉ đủ ăn, nhưng vẫn phải cố gắng chắt chiu nuôi để nuôi các em ăn học".
Dù cuộc sống khó khăn là thế, nhưng hai vợ chồng ông vẫn cố gắng vươn lên. Với số tiền dành dụm tích góp nhiều năm, năm 1991, gia đình ông đã xây được ngôi nhà cấp bốn gần 30 triệu đồng.
Vài năm sau, khi chè được trồng phổ biến khắp nơi, tư thương ép giá khiến chè rẻ như bèo bán chẳng được bao nhiêu. Những khó khăn ấy thúc giục ông phải tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế. Ông trăn trở nhiều đêm không ngủ nghiên cứu, tìm hiểu từ sách báo, truyền hình… để tìm cây trồng mới làm giàu.
Tìm cây trồng mới làm giàu
Qua bao ngày tháng suy tư, trăn trở, năm 2011, ông quyết định phá chè chuyển đổi sang trồng cây ăn quả sạch có múi. Với đồng vốn là tiền dành dụm của hai vợ chồng, ông mua cây giống ở thị trấn Nông trường Trần Phú về trồng thử nghiệm.
Hai vợ chồng thay nhau chăm sóc, mua phân chuồng, phân ủ vi sinh bón cho cây; diệt sâu bọ bằng biện pháp sinh học giã tỏi, gừng, ớt ra phun. Chẳng mấy chốc, hơn 1 ha đất của ông đã thành vườn bưởi, vườn cam xen lẫn nhau.
Chỉ những gốc bưởi to sai trĩu quả, ông nói: "Trông thế này mà chăm sóc vất vả lắm cháu ạ, thời tiết nắng nóng thì ảnh hưởng đến cây, đến chất lượng quả, trời mưa nhiều thì gây ngập úng nước không thoát được dễ chết cây, không kể còn sâu bệnh đục khoét phá hại cây".
Bằng cách làm hay "lấy ngắn nuôi dài" đọc được qua sách báo, mạng Internet ông chọn ra được những cây bưởi, cây cam tốt nhất để tự chiết, ghép nhân giống. Từ đó, giống bưởi, giống cam của ông được nhân rộng, cây nào cây nấy cũng to khỏe lại sai trái với nhiều loại như bưởi da xanh, bưởi diễn, cam sen, cam chanh... Ông khoe, có cây bưởi da xanh phải tới gần trăm quả.
Ngoài trồng bưởi, cam ông còn trồng thêm vườn thanh long. Nhờ công chăm sóc tỉ mỉ của hai vợ chồng, nên cứ đều đặn từ tháng 7 đến tháng 10 trong năm, gia đình ông lại được thu hoạch thanh long ruột đỏ.
Từ tháng 7 đến tháng 2 năm sau, ông lại thu hoạch bưởi và cam, mỗi lần xuất ra thị trường từ 4 - 5 tấn cam, vài nghìn quả bưởi bán tết. Đến nay, vườn quả của gia đình ông đã 7 năm cho quả, năm nào thu nhập cũng ổn định.
Năm 2018, gia đình ông thu về gần 300 triệu đồng tiền lãi. Nói đến đây, ông Sơn như chùng xuống, khi nhớ về thời gian đầu tiên chuyển từ chè sang cây ăn quả. Ngày đó, hàng xóm quanh ông không nhà nào làm vậy. Rồi đất không phụ công người, những cây cam, cây bưởi lại phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất Chùa 2.
Thu nhập từ cây ăn quả cũng từ đó mà tăng lên, giúp cuộc sống gia đình ông ngày càng khấm khá hơn. Tôi không khỏi khâm phục ở ý chí và nghị lực của ông - lão nông quyết tâm vượt khó, vươn lên để có được cơ ngơi như ngày hôm nay thực sự không phải ai cũng làm được.
Đó là cả hành trình dài nỗ lực đi lên từ khó khăn, vất vả của hai vợ chồng ông, vừa làm kinh tế lại nuôi dạy năm người con, khôn lớn trưởng thành có việc làm ổn định.
Câu chuyện giữa chúng tôi đứt quãng bởi tiếng gọi ngoài cổng: "Ông Sơn ơi! Còn bưởi da xanh bán không?” Thì ra, hai thương lái đến hỏi mua bưởi nhà ông. Nhưng hết bưởi rồi, chỉ còn vài quả lẻ ông để mang ra chợ bán. Ông hẹn hai anh vào dịp khác quay lại.
Lời kết
Trước lúc chia tay, ông Sơn chia sẻ: "Bác bán hoa quả sạch đã có uy tín rồi, nhưng bây giờ vẫn muốn mở rộng thị trường, mong nhiều người biết đến hoa quả sạch của mình hơn nữa”.
Tôi chợt hiểu ước nguyện của ông, một lão nông có tâm. Và đó, cũng là mong muốn của nhiều nông dân khác, khi sản xuất ra hoa quả sạch chỉ mong được cấp giấy chứng nhận và bao tiêu giới thiệu sản phẩm, để nhiều người tiêu dùng không phải tìm kiếm mà dễ dàng tiếp cận với sản phẩm sạch an toàn của mình.
Hoài Linh