Một ngày đầu năm học mới 2019 - 2020, trong căn phòng nhỏ bé của khối lớp 2, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH & THCS) xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu, chúng tôi gặp những ánh mắt chăm chú của các em học sinh hướng về phía bục giảng, nơi cô giáo Lương Thị Minh Phương đang dành những cử chỉ thân thiện, ân cần, ánh mắt trìu mến, giọng nói truyền cảm, ấm áp cho các em. Chỉ vậy, cũng đã cảm nhận rõ ở cô hội tụ đủ những yếu tố của một nhà giáo gạo cội say nghề. Sau tiết học ấy, những câu chuyện về kỷ niệm buồn vui trong 31 năm công tác của cô giáo Phương càng khiến chúng tôi nể phục bởi những hy sinh, cống hiến thầm lặng và đầy ắp tình yêu nghề, mến trò.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, từ thuở bé đã có ước mơ được làm cô giáo dạy chữ cho những em nhỏ vùng cao. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Nghĩa Lộ năm 1988, tôi viết đơn xin tình nguyện lên dạy học tại huyện vùng cao Trạm Tấu và nguyện đem hết sức mình để giúp học sinh nơi đây hiểu biết thêm nhiều kiến thức, có ý thức đạo đức tốt để sau này góp sức xây dựng quê hương" - đó là quyết tâm trong nghề mà cô giáo Phương chia sẻ.
Sau 31 năm công tác, bây giờ giảng dạy ở Trường PTDTBT TH & THCS xã Pá Lau, cô Phương vẫn say sưa với nghề và tiếp tục để lại những hình ảnh đẹp của một nhà giáo nhiều tuổi nghề sau một thời thanh xuân gắn bó với học trò vùng cao Trạm Tấu. Thậm chí, cô giáo Phương chắc chắn đã trở thành "miền nhớ" của nhiều lớp học trò trong mỗi dịp tri ân.
Nhiều năm gắn bó mảnh đất này, cô giáo Phương hiểu được cái khó của giáo dục vùng cao như Trạm Tấu - nơi phần lớn là đồng bào dân tộc sinh sống, vẫn còn nhiều lắm khó khăn, thiếu thốn cùng những tư tưởng "cái chữ không no được cái bụng” còn hiện hữu ở một bộ phận phụ huynh khiến nhiều em không được đến trường, đến lớp.
Cô Phương chia sẻ: "Dạy học bằng tiếng phổ thông nhưng chúng tôi phải học tiếng Mông để có thể lắng nghe, trao đổi, tâm sự và tuyên truyền cho các bậc phụ huynh hiểu được lợi ích của việc cho con em mình đi học. Có những trường hợp khó thì phải dùng biện pháp "mưa dầm, thấm lâu”.
Chúng tôi dành nhiều thời gian xuống thăm gia đình học sinh, tranh thủ phụ giúp việc mùa màng để tạo sự thân thiện, tin tưởng, gần gũi với đồng bào... Như thế, các bậc phụ huynh mới cho con em mình tới trường".
Vận động học sinh đến lớp vất vả là thế nhưng để học sinh yên tâm học tập, các cô giáo vùng cao còn phải vận dụng nhiều sáng kiến, dành thời gian và công sức để học trò nghe lời thầy cô, yên tâm học tập. Học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn, các em hình dáng nhỏ nhắn hơn các bạn miền xuôi; thiếu sách vở, thiếu quần áo, giày dép; khá nhút nhát khi tiếp xúc với môi trường mới..., các thầy cô vùng cao phải lo những "cái thiếu” ấy cho học sinh.
Nói về điều này, cô Phương mỉm cười chia sẻ: "Từ khi Yên Bái thực hiện mô hình trường học bán trú, tỷ lệ học sinh ra lớp luôn đạt cao, thời gian các em ở lại trường nhiều hơn nên trách nhiệm của giáo viên tăng lên. Chúng tôi chăm sóc học sinh như các con của mình vậy: dạy các em nề nếp sinh hoạt tập thể; mua quần áo, giày dép; cắt tóc, gội đầu; phụ đạo học sinh vào buổi tối và đôn đốc các em đi ngủ... Năm học 2019 - 2020 này, nhà trường đang thực hiện phong trào vận động học sinh mặc quần áo truyền thống. Lớp 2 do tôi chủ nhiệm đã có 32/37 em có trang phục truyền thống dân tộc Mông, chỉ còn 5 em chưa có trang phục. Vì thế, tôi sẽ hỗ trợ một phần kinh phí và vận động thêm tài trợ để mua trang phục cho các em".
Với 31 năm cống hiến nơi vùng cao để đưa con chữ đến với các bản làng, chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bản thân nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, được tặng bằng khen của UBND tỉnh, Công đoàn ngành giáo dục... song niềm vui lớn nhất với cô Lương Thị Minh Phương là được thấy các thế hệ học trò của mình trưởng thành, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.
Hoài Văn