Đúng vào Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), Sở Tư pháp tỉnh tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi "Tìm hiểu Bộ luật Hình sự” cho các thí sinh đạt giải. Có thể nói, đây là cuộc thi có ý nghĩa rất lớn nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, Bộ luật Hình sự nói riêng.
Cuộc thi đã thu hút được sự tham gia không chỉ của giới luật gia, cán bộ, nhân viên trong ngành tư pháp mà còn có sự tham gia của đông đảo cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh với hơn 15 nghìn bài dự thi. Vượt lên rất nhiều những bài thi công phu, tỉ mỉ, sáng tạo khác, bài thi của thí sinh Phạm Thị Khánh Hà công tác tại Công an tỉnh Yên Bái đã đạt giải Nhất.
Không chỉ là bài thi đúng, đủ về nội dung, thực hiện rất công phu, sáng tạo mà sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong từ chi tiết cũng là điểm cộng, để rồi Ban Giám khảo không khó dành cho những số điểm tuyệt đối, tại buổi lễ tổng kết, Phạm Thị Khánh Hà trong bộ quân phục mới, tự tin bước lên bục danh dự nhận giải Nhất và không quên nói lời cảm ơn đến Ban Tổ chức đã cho cô cơ hội thể hiện mình, cảm ơn gia đình, đồng chí, đồng nghiệp đã quan tâm, động viên, giúp đỡ…
Cuộc thi "Tìm hiểu Bộ luật Hình sự” được phát động từ ngày 1/4/2009, là cuộc thi có ý nghĩa lớn nên rất nhiều cơ quan, đơn vị địa phương tổ chức vận động cán bộ, đảng viên, hội viên và người lao động của mình tham gia.
Tại Công an tỉnh, Đảng ủy, Ban Giám đốc đã có văn bản chỉ đạo tất cả cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng tham gia; khuyến khích, động viên những tập thể, nhất là những cá nhân có điều kiện đầu tư, nghiên cứu viết bài có chất lượng thật tốt, góp phần lan tỏa bộ luật hết sức quan trọng, thể hiện ý thức trách nhiệm của người chiến sĩ công an Yên Bái với một bộ luật gắn liền với công việc của mình.
Tại Phòng Tham mưu, Công an Yên Bái - nơi Phạm Thị Khánh Hà công tác, lãnh đạo chỉ huy đơn vị yêu cầu 100% cán bộ, chiến sĩ cùng tham gia, trong đó lựa chọn Thượng úy Phạm Thị Khánh Hà là người tham gia cuộc thi phấn đấu mang được giải thưởng về cho đơn vị.
Thượng tá Chu Văn Hải - Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh chia sẻ: "Chúng tôi đã chọn được đúng người bởi Khánh Hà là cán bộ văn hay, chữ tốt, có ý thức trách nhiệm trong công việc. Lấy Khánh Hà làm "mũi nhọn” nhưng không thể có chuyện "khoán trắng” cho cô ấy mà lãnh đạo chỉ huy cùng chung sức cũng như động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện cho cô”.
Được sự động viên của các cấp lãnh đạo, ngay từ tháng 4 năm 2019, Khánh Hà đã bắt tay vào thực hiện bài thi, từ xây dựng đề cương, đưa ra các ý tưởng, viết lời mở đầu, đặc biệt là phần liên hệ mở rộng phải thật sự sinh động, đặc sắc nhất.
Đặc biệt, cô quyết định viết tay toàn bộ bài thi nhằm gây ấn tượng cho Ban Tổ chức… Cái khó của Cuộc thi "Tìm hiểu Bộ luật Hình sự” lần này là nguồn tư liệu hạn chế cả trong thư viện lẫn trên mạng Internet nhưng không vì thế mà Khánh Hà lùi bước.
Khánh Hà kể lại: "Hơn 4 tháng làm bài thi, khoảng thời gian tưởng là dài nhưng quá ngắn đối với tôi vì nhiệm vụ thường xuyên vẫn phải hoàn thành, mỗi tuần có 3 buổi trực, trong đó ngày thứ Bảy phải trực từ 7 giờ 15 phút tới 18 giờ, chưa kể con lớn năm nay vào lớp 1, rất cần mẹ kèm cặp học hành, con nhỏ mới 4 tuổi, cũng hay đau ốm, quấy khóc”.
Để hoàn thành bài thi, chị phải tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ, trong đó phần lớn thời gian làm bài từ 22 đến 24 giờ khuya, nhiều hôm vừa bế con, vừa viết hoặc nghiên cứu tài liệu nên rất vất vả nhưng không vì thế mà Khánh Hà nản chí, bởi được gia đình và cán bộ, chỉ huy động viên. Hơn nữa, cô nghĩ về trách nhiệm của mình trước tập thể, trước bộ luật quan trọng này.
Rồi những khó khăn, vất vả cũng vượt qua, bài thi của Thượng úy Phạm Thị Khánh Hà đã hoàn thành với những con số rất ấn tượng như 1.000 trang viết tay khổ A4, hơn 100 ảnh tư liệu công an nhân dân, được đóng thành 5 tập, bìa cứng trang trọng; đặc biệt, điểm nhấn là những câu chuyện, những vụ án hình sự phức tạp, những chiến công của lực lượng công an Yên Bái, trong đó Khánh Hà tập trung vào hai lĩnh vực tội phạm ma túy và mua bán người.
Theo Khánh Hà, đó là những lĩnh vực gây nhức nhối xã hội hiện nay; giải pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm hình sự không gì khác chính là tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống tội phạm của quần chúng nhân dân - những nội dung mà Công an Yên Bái đã và đang làm rất tốt, trong đó tăng cường cơ sở, "4 cùng” với đồng bào các dân tộc là một ví dụ điển hình.
Không chỉ là bài thi đúng, đủ về nội dung, thực hiện rất công phu, sáng tạo mà sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong từ chi tiết cũng là điểm cộng, để rồi Ban Giám khảo không khó dành những số điểm tuyệt đối. Tại buổi lễ tổng kết, Phạm Thị Khánh Hà trong bộ quân phục mới, tự tin bước lên bục danh dự nhận giải Nhất và không quên nói lời cảm ơn đến Ban Tổ chức đã cho cô cơ hội thể hiện mình, cảm ơn gia đình, đồng chí, đồng nghiệp đã quan tâm, động viên, giúp đỡ…
Buổi trò chuyện hôm nay, sau 1 tháng nhận giải Nhất, Khánh Hà tâm sự: "Mình không quên ơn người cha công an đã cho mình đức tính nhanh nhẹn, cẩn thận và trách nhiệm với công việc, còn người mẹ giáo viên với câu nói "nét chữ, nết người”.
Lê Phiên