Người phụ nữ đưa gạo Mông xuống phố

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/1/2020 | 2:05:24 PM

YênBái - Sớm vùng cao lạnh cắt da cắt thịt, trời vẫn còn đặc sương mù, từng tốp xe Win chở theo sau lặc lè lúa gạo nối đuôi nhau đến căn nhà nhỏ của gia đình chị Phạm Thị Phương Hồng ở tổ dân phố số 1, thị trấn Trạm Tấu. Hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn tay chân thoăn thoắt cùng bê vác gạo, giao tiếp thân thiện, thành thạo tiếng Mông và luôn thường trực nụ cười trên môi khiến ai gặp, trò chuyện một lần sẽ nhớ mãi.

Chị Phạm Thị Phương Hồng (bên phải) đưa sản phẩm gạo Mông tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Chị Phạm Thị Phương Hồng (bên phải) đưa sản phẩm gạo Mông tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Vừa tươi cười xen niềm hãnh diện, chị Hồng vừa giới thiệu: "Nhà nhỏ nên mọi đồ vật đều phải xếp gọn để còn chất lúa gạo thế này đấy. Chỗ gạo này đều là gạo Séng cù, Lẩu cáy, kén đỏ, nếp nương nổi tiếng của Trạm Tấu. Chỉ một, hai hôm nữa là tôi chuyển tất về Hà Nội phục vụ thị trường tết. Gạo mình đã có thương hiệu, bao nhiêu cũng có đầu ra thu mua hết, không sợ ế hay tình trạng được mùa mất giá. Năm nay, thời tiết thuận lợi hạt gạo nào cũng mẩy, tròn, thơm ngon lắm”. 

Quả vậy, dù chưa được nếm thử nhưng mới chỉ nắm thử một nắm gạo trong tay mà hương thơm ngọt dịu thoang thoảng mùi nắng gió của núi đồi cứ vương vất mãi. Chị Phạm Thị Phương Hồng sinh năm 1971 tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình. 

Năm 1989, một lần tình cờ gặp gỡ anh cán bộ huyện Trạm Tấu ra thành phố Yên Bái học thêm nghiệp vụ, rồi thương, rồi nhớ chị đã theo anh về thị trấn miền sơn cước. Những ngày tháng "chạy chợ” kiếm tiền nuôi con ăn học, gắn bó với đồng bào dân tộc, thưởng thức vị đậm đà, thơm ngon của hạt gạo được làm ra từ bao vất vả, cần mẫn của những bàn tay người vùng cao chịu thương chịu khó trồng cấy trên núi cao nương sâu. 

Chị Hồng vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm làm sao để có một đầu ra ổn định cho nông dân, giới thiệu sản vật địa phương đến với bạn bè các tỉnh thành khác. Năm 2013, đưa con trai thứ hai về nhập học tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, trong đầu chị chợt nảy ra ý tưởng mua gạo đem theo để chào hàng với các hộ dân quanh trường học của con mình. 

Nhớ về những ngày bắt đầu, chị Hồng chia sẻ: "Được cái con trai tôi nó cũng ủng hộ mẹ, không ngại khó, ngại khổ, xấu hổ với bạn bè. Hai mẹ con chia gạo ra thành từng túi nhỏ, mỗi túi một bát gạo kèm tờ giấy ghi số điện thoại. 

Cứ thế đi gõ cửa từng nhà từ khu này sang khu khác giới thiệu. Đánh liều bỏ tiền đem gạo cho không, cũng sợ lỗ, nhưng may sao sau đấy rất nhiều cuộc điện thoại gọi đặt hàng. Gạo của đồng bào mình thơm ngon, người này giới thiệu người kia, gạo cứ thế chuyển về thủ đô liên tiếp. Mẹ con tôi mừng đến rơi nước mắt. 

Vừa có thêm thu nhập nuôi con ăn học vừa hiện thực hóa nỗi niềm mong mỏi từ lâu”. Không chỉ dừng lại ở việc chào hàng nhỏ lẻ, một thời gian sau, mày mò tìm hiểu chị Hồng đã mạnh dạn đăng ký tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại của tỉnh Yên Bái rồi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trời không phụ lòng người, tại đây, chị được nhiều người tiêu dùng, doanh nghiệp biết tới và đặt hàng số lượng lớn, cam kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Như vẫn còn nguyên niềm vui ngày đầu thành công.

Không dấu nổi xúc động, chị Phạm Thị Phương Hồng khoe: "Năm 2019, sản phẩm gạo Mông đã được nhận Kỷ niệm chương sản phẩm người tiêu dùng yêu thích nhất tại Hội chợ xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và giải C tại Cuộc thi Ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái. Bên cạnh các loại gạo, mỗi lần tham gia hội chợ, mùa nào thức ấy, tôi còn thu mua giới thiệu thêm các sản phẩm nông sản như măng sặt, khoai sọ, táo mèo, dưa chuột…”. 

Được biết, đến nay mỗi vụ mùa chị Phạm Thị Phương Hồng thu mua từ trên 30 tấn gạo các loại của đồng bào dân tộc Mông Trạm Tấu cung cấp đều cho Công ty Gạo Ngọc Linh tại Hà Nội và các hội chợ xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Chất lượng sản phẩm tốt, thị trường ổn định, nhiều năm nay, gạo Mông đã đem lại cho gia đình chị Hồng trên 100 triệu đồng.

Bằng lòng nhiệt tình, tâm huyết, chị Phạm Thị Phương Hồng đã góp phần gìn giữ và đưa những nông sản vùng cao Trạm Tấu đến với người dân phố thị, tạo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho gia đình và người nông dân. Đồng thời, góp một phần vào công cuộc quảng bá nét văn hóa đặc sắc, hình ảnh mảnh đất và con người Trạm Tấu đến với bạn bè bốn phương.

Lê Huyền

Tags Người phụ nữ gạo Mông

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục