Năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Toàn tham gia tổ tự quản của tổ dân phố và cùng các thành viên trong tổ tích cực tuần tra bảo vệ an ninh trật tự, nhiều lần kịp thời ngăn chặn các vụ việc gây mất an ninh trật tự. Với sự nhiệt tình, năng nổ, ông Toàn được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 3.
Với trọng trách được giao, ông luôn tâm niệm phải thường xuyên gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân. Ông cùng Ban Chi ủy xây dựng chương trình hành động sát với thực tế của tổ, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên trong các hoạt động ở khu dân cư; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân.
Ông Toàn chia sẻ: "Để mọi người đồng thuận, trước tiên, bản thân mình phải gương mẫu; sau đó, mới vận động người thân, bà con trong khu phố làm theo. Có như vậy, mọi việc mới thành công”.
Trong công tác, ông cùng với tập thể Ban Chi ủy lấy ý kiến đảng viên, nhân dân rồi đưa ra bàn bạc kỹ; sau đó, cùng triển khai thực hiện. Vì vậy, phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh đô thị; Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường; phát động xây dựng các loại quỹ... đều được cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tổ đồng tình ủng hộ.
Tổ dân phố 3 hiện có 326 hộ. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ nhân dân, ông Toàn cùng ban lãnh đạo khu phố tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hiến đất làm đường.
Đến nay, tổ đã bê tông hóa được hơn 3 km đường giao thông; tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đều đạt từ 80% trở lên; an ninh trật tự đảm bảo, không có tệ nạn xã hội; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp.
Cùng đó, ông còn thường xuyên đến các hộ để tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng cũng như động viên, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con. Nhờ đó, nhiều hộ đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập.
Hiện, tổ dân phố 3 có 260 hộ khá và giàu, chiếm trên 80% số hộ và trở thành điểm sáng của Đảng bộ thị trấn Thác Bà trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhiều năm liền Chi bộ giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh.
Không chỉ tích cực, mẫu mực, trách nhiệm với công tác xã hội, ông Toàn còn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu thị trường và thực tế địa phương, ông lựa chọn cho mình hướng phát triển kinh tế là trồng rừng kết hợp nuôi ong mật.
Để thực hiện mô hình này, ông đã mua lại 3 ha đất đồi của người dân trong tổ dân phố 3 để trồng keo, bạch đàn. Cùng đó, ông sang các xã bạn để học tập kỹ thuật nuôi ong mật. Lúc đầu, do không có vốn nên ông chỉ nuôi 5 đàn ong và kiên trì gây đàn.
Sau 2 năm, ông đã phát triển được 15 đàn ong và hiện có 200 đàn ong mật. Trung bình mỗi năm ông thu gần 1.000 lít mật, bán với giá từ 180 - 200.000 đồng/lít mang về nguồn thu gần 200 triệu đồng. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình ông Toàn có thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, ông Toàn còn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con trong khu.
Anh Nguyễn Khánh Hùng cùng tổ dân phố được ông Toàn giúp đỡ ong giống và chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong cho biết: "Trước đây, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Nhờ bác Toàn giúp đỡ giống ong và hỗ trợ kỹ thuật nuôi, đến nay, cuộc sống gia đình đã ổn định, có điều kiện nuôi các con ăn học chu đáo”.
Gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, luôn gần gũi với bà con và hết mình vì công việc chung của địa phương, ông Nguyễn Khánh Toàn luôn được bà con tin tưởng, quý mến và nhiều năm liên tục ông được bình chọn là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi và được cấp trên biểu dương khen thưởng.
Hoàng Anh