Mô hình trồng nấm rơm của ông Nguyễn Xuân Tĩnh, thôn Minh Long, xã Tuy Lộc là một trong những điển hình sản xuất, kinh doanh nấm mang lại lợi nhuận cao.
Dẫn chúng tôi đi thăm các lán trồng nấm, ông Nguyễn Xuân Tĩnh chia sẻ: "Để có được những sản phẩm ngon, sạch, bảo đảm chất lượng đòi hỏi quy trình và kỹ thuật thực hiện đạt chuẩn. Trước đây, khi mới học trồng nấm, tôi cũng thất bại nhiều lần và chỉ cần sai sót trong bất kỳ một khâu nhỏ nào như: xử lý nguyên liệu, cấy giống hay quá trình chăm sóc… đều không mang lại sản phẩm như ý".
Theo ông Tĩnh, cơ duyên đến với nghề trồng nấm khá tình cờ. Năm 2009, nhân một lần ông được đi thăm mô hình trồng nấm, với tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, ông đã mạnh dạn đầu tư và bắt đầu học hỏi cách trồng nấm. Những ngày mới vào nghề, tuy có nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền đã tạo động lực cho ông quyết tâm hơn.
Ông được thành phố hỗ trợ vốn đầu tư khởi nghiệp 26 triệu đồng để xây dựng lán trại khoảng 120m2, hỗ trợ giống và có kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật trong tháng đầu.
Nhờ vậy, những bỡ ngỡ cũng giảm đi phần nào. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên, dù sản xuất được khoảng 1 tấn nấm sò (bào ngư) nhưng giá thành bán ra lại rẻ (chỉ 25.000 đồng/kg và có thời điểm xuống còn 20.000 đồng/kg), lãi thu về không được là bao. Không nản chí, ông cùng gia đình tiếp tục học hỏi thêm kỹ thuật và trồng thêm mộc nhĩ vừa giúp sản xuất đa dạng chủng loại vừa bảo đảm yếu tố nguồn thu.
Từ đó, gia đình ông dần mở rộng quy mô sản xuất nấm, đầu tư làm lò hấp và thêm 2 dãy lán trại khoảng 240m2, thuê 3 nhân công nhân làm việc thời vụ. Trung bình mỗi năm, ông sản xuất khoảng 12 tấn nấm sò, mang lại thu nhập khoảng 360 triệu đồng và sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 200 triệu đồng.
Thời điểm cận tết Nguyên đán Canh Tý, ông đã bán khoảng gần 3 tấn nấm sò với giá từ 45.000 đồng - 50.000 đồng/kg mang lại thu nhập đáng kể.
Ông Tĩnh tâm sự: "Điều quan trọng nhất là phải nắm vững kỹ thuật trồng nấm, hiểu được đặc tính của nấm để có chế độ chăm sóc tốt nhất. Đối với nấm sò thì nhiệt độ thích hợp nhất để nấm phát triển là từ 20 - 28oC. Do đó, cần phải kiểm tra mức nhiệt thường xuyên để có sự điều tiết hợp lý, giúp nấm cho sản lượng cao nhất. Ngoài ra, bước xử lý nguyên liệu cũng rất quan trọng. Bịch trồng nấm có 70% là cám cưa, 30% là rơm khô và đối với cám cưa phải chọn loại không có dầu như bồ đề, mỡ, xoan, keo, còn nếu chọn phải cám cưa có dầu như quế, pơ mu, đinh, lim... thì sẽ không cho nấm tốt; rơm phải khô, sạch. Cám cưa sau khi ủ trong thời gian 2 tháng thì trộn đều với vôi bột tỷ lệ 1%, độ ẩm đạt khoảng 60%.
Với rơm khô, thời gian ủ khoảng 7 ngày, khi băm trộn rơm với cám cưa phải bổ sung dinh dưỡng cho nguyên liệu tỷ lệ 7% là bột gạo, bột ngô và nếu cho nhiều dinh dưỡng bịch nấm sẽ mốc xanh, cho ít thì năng suất nấm sẽ thấp.
Khi đóng bịch cũng cần phải tuân thủ theo những quy tắc nhất định, bảo đảm bịch đã cấy giống căng tròn, có độ nén vừa phải, trọng lượng dao động từ 2,2 - 2,5 kg/bịch. Khi đốt lò hấp phải đủ 16 tiếng, nhiệt độ đạt trên 100oC đủ 10 tiếng; khi chuyển xuống lán nuôi phải vệ sinh lán sạch sẽ và rắc vôi bột trước 2 ngày.
Với mô hình trồng nấm rơm mang lại hiệu quả cao, nhiều người dân ở các địa phương lân cận đã tìm đến gia đình ông Tĩnh để học hỏi kinh nghiệm và được ông hướng dẫn tận tình. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, được UBND xã Tuy Lộc và thành phố Yên Bái khen thưởng.
Quang Thiều