Huyện Văn Yên có gần 30.000 người là dân tộc Tày sống xen kẽ với các dân tộc khác trên địa bàn huyện. Từ xa xưa, then đã trở thành mạch nguồn tâm linh thành kính trời đất, tổ tông trong văn hóa người Tày và thầy then chính là người "giữ lửa” cho di sản then trường tồn đến ngày nay.
Trong số đó, không thể không nhắc đến bà Hoàng Thị Quán, ở thôn Đoàn Kết, xã Ngòi A, một trong những nghệ nhân đã góp công "truyền lửa" và giữ gìn những điệu then Tày trên vùng đất quế Văn Yên.
Nằm nép mình dưới chân núi Mỏ Vọ của thôn Đoàn Kết, xã Ngòi A, ngôi nhà nhỏ của bà Hoàng Thị Quán luôn rộn rã trong âm thanh của những điệu múa, bài hát Then.
Với bà Quán và người Tày nơi đây, then không chỉ là một hoạt động mang tính tín ngưỡng dân gian mà then chính là tiếng lòng, là cuộc sống của họ. Lời then hoà trong điệu múa, cùng tiếng lục lạc lúc khoan nhịp, lúc dồn dập.
Gần 40 năm làm thầy Then, bà Hoàng Thị Quán trở thành một thầy then có tiếng trong vùng bởi bà thành thạo rất nhiều bài hát, điệu múa then cổ. Tuy đã 80 tuổi nhưng tình yêu những làn điệu then giúp bà dẻo dai và khỏe mạnh để cùng con cháu và các thành viên trong câu lạc bộ văn nghệ của xã tập múa, tập hát.
Gia đình bà Quán đã làm then từ nhiều đời, ngay từ nhỏ, những bài cúng then, bài múa, làn điệu then đã thấm sâu vào tâm hồn như một duyên nợ, rồi bà được cha ông truyền lại công việc làm thầy then từ khi còn trẻ. Cũng từ lúc ấy, bà bắt đầu hiểu hơn về then, về giá trị của các bài then với đời sống người Tày.
Tự hào với truyền thống gia đình và nặng lòng với làn điệu then, ngoài việc trở thành thầy then có tiếng trong vùng, bà còn dày công truyền dạy cho con cháu và lớp trẻ trong thôn, trong xã về cách hát, điệu múa trong then. Những cuốn sách cũ, các vật dụng làm then, các bài hát, phong tục, nghi lễ được ghi chép lại, bà đều xem như đồ gia truyền, được giữ gìn cẩn thận. Bà hy vọng lớp trẻ sẽ tiếp nối công việc mà bà để lại, tiếp nối truyền thống của gia đình, của dân tộc để giữ gìn văn hóa cha ông.
Thời gian đầu, khi chưa nhiều người thích thú với hát then, múa then, bà Quán phải đến từng nhà, mời người dân trong làng bản cùng tham gia, ai muốn học thì đến học, ai muốn hát múa thì đến chung vui. Bà mong muốn giúp những người đến với hát then hiểu thêm và yêu nét đẹp văn hóa dân tộc, cũng như sẽ gìn giữ để câu hát then từ cổ truyền đến hiện đại không bị mai một.
Nhờ thế, bà con dân làng ngày một hiểu hơn ý nghĩa và vai trò của then. Từ đó, tất cả mọi người cùng chung tay giữ gìn điệu then và ngày một tự hào với văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Sau những buổi tận tình đến gõ cửa, trò chuyện với từng nhà như thế, một đội biểu diễn của xã Ngòi A được hình thành và phát triển. Các thành viên đều là những người yêu thích văn hóa văn nghệ, có đôi chút năng khiếu hát múa và quan trọng là đều có mong muốn giữ lại điệu then truyền thống của người Tày.
Tuy thời gian tập luyện chưa nhiều, điệu hát, điệu múa chưa thực sự thành thục nhưng sự nhiệt tình và trách nhiệm trong quá trình tập luyện của mọi người đã cho thấy nghệ thuật then Tày đang ngày một phổ biến hơn với đồng bào nơi đây. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực của bà Hoàng Thị Quán sau thời gian cố gắng giữ gìn vốn văn hóa dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Ngòi A cho biết: "Bà Quán vừa là người có uy tín ở thôn Đoàn Kết, vừa là thầy then có tiếng trong vùng. Với sự am hiểu sâu sắc đời sống tâm linh, văn hóa, tín ngưỡng của người Tày, bà Hoàng Thị Quán không chỉ tích cực gìn giữ nghệ thuật múa hát then bằng việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, bà còn tham gia và đạt nhiều giải tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng của tỉnh, của huyện và được nhận Bằng khen của UBND tỉnh bởi những đóng góp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Tuy đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm” nhưng tình yêu văn hóa then ở bà Hoàng Thị Quán chưa khi nào vơi cạn. Với tâm huyết của một người lớn lên bằng những lời ca của núi và thiết tha với văn hóa dân tộc, bà Hoàng Thị Quán đang cố gắng gìn giữ những giá trị văn hóa còn lại của cha ông bằng việc truyền dạy, vận động cộng đồng người Tày cùng gìn giữ bản sắc dân tộc, góp phần vào việc "giữ hồn Then của người Tày" trong dòng chảy của sự giao thoa các giá trị văn hóa và nhịp sống đầy màu sắc ở vùng đất quế Văn Yên.
Hồng Vân