Thương binh Nguyễn Thu Hưởng: Làm giàu cho mình, cho đời

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/7/2020 | 7:50:47 AM

YênBái - Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, bằng ý chí, nghị lực phi thường, thương binh Nguyễn Thu Hưởng ở thôn Miếu Hạ, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đã nỗ lực xây dựng mô hình kinh tế giỏi mỗi năm cho thu nhập trên trăm triệu đồng.

Thương binh Nguyễn Thu Hưởng kiểm tra chất lượng đàn ong.
Thương binh Nguyễn Thu Hưởng kiểm tra chất lượng đàn ong.

Trong cái nắng chói chang của ngày hè tháng Bảy, tôi đến thăm gia đình thương binh Nguyễn Thu Hưởng. Ấn tượng đầu tiên về ông là một người hiền lành, thân thiện với nụ cười tươi luôn nở trên môi. Căn nhà khang trang treo nhiều bằng khen, huân, huy chương ghi nhận công lao, đóng góp của ông. Chỉ vài lời khơi gợi, ông say sưa kể cho tôi nghe về những ngày gian khó của đời mình. 

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Yên Bái, năm 1964, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Nguyễn Thu Hưởng lên đường nhập ngũ huấn luyện tại Sư đoàn 304 ở Bắc Thái. Sau huấn luyện, ông được biên chế vào Sư đoàn 308, chiến đấu tại chiến trường miền Nam. 

Trong một trận đánh, đơn vị chiến đấu quyết liệt với quân địch, ông bị thương ở đầu do mảnh pháo. Năm 1975, ông xuất ngũ trở về quê hương, hưởng chế độ thương binh 3/4, xây dựng gia đình, dần ổn định cuộc sống. 

Sau thời gian dài công tác tại Thanh tra tỉnh Yên Bái, năm 1993, ông nghỉ hưu về xã Thịnh Hưng. Tài sản lúc bấy giờ là 2 ha đất cha mẹ để lại, cùng số tiền tích góp với ý chí làm giàu ông bắt tay vào phát triển mô hình trang trại chăn nuôi. Ban đầu, gia đình ông chỉ nuôi nhỏ lẻ vài con gà, con vịt thu nhập chẳng được là bao. 

Không nản chí, ông học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi trên truyền hình, đài, báo, mở rộng quy mô chăn nuôi đàn gà, đàn vịt lên hàng trăm con. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm 20 thùng ong lấy mật. Cũng từ đây, mô hình trang trại chăn nuôi của ông bắt đầu khởi sắc.

Ngày nào cũng vậy, ông thức dậy từ 4 giờ sáng làm việc cho đến tận đêm khuya. Những ngày trở trời, vết thương năm xưa lại đau nhức, sức khỏe và trí nhớ giảm sút đi nhiều nhưng cứ nghĩ đến gia đình, ông lại lấy đó làm động lực để vượt qua. 

Trời không phụ công người, những nhọc nhằn, vất vả của vợ chồng ông đã được đền đáp xứng đáng. Từ đàn gà, vịt và đàn ong cùng 4 ha đồi trồng keo, trung bình mỗi năm, vợ chồng ông thu được trên 100 triệu đồng tiền lãi. Hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình ông được chính quyền địa phương đánh giá cao. 

Ông Trần Anh Hải – Bí thư Đảng ủy xã Thịnh Hưng cho biết: "Thương binh Nguyễn Thu Hưởng ở thôn Miếu Hạ là một tấm gương điển hình trong lao động, sản xuất. Tuy mang trên mình thương tật nhưng ông và gia đình đã cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế hiệu quả. Thông qua mô hình của ông, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động các hộ dân trong xã học tập và nhân rộng”. 

Có được cơ ngơi như ngày hôm nay là cả hành trình dài nỗ lực vượt khó của người thương binh vừa làm kinh tế lại vừa nuôi dạy bốn người con khôn lớn trưởng thành có việc làm ổn định. 

Ông Hưởng chia sẻ: "Là thương binh, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng vươn lên, phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho con, cháu học tập, noi theo góp phần xây dựng quê hương”. 

Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông còn chia sẻ kinh nghiệm, động viên, giúp đỡ bà con trong xóm cùng vươn lên phát triển kinh tế. Bản thân ông luôn tâm niệm cuộc sống là không ngừng học hỏi và cố gắng, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải sống có ích, có mục tiêu.

Tuổi cao, chí càng cao, thương binh Nguyễn Thu Hưởng - người lính dũng cảm trên mặt trận năm xưa vẫn luôn nỗ lực, cống hiến hết mình cho đất nước quê hương, nêu gương sáng cho lớp lớp các thế hệ noi theo. Tuy chiến tranh đã lấy đi một phần sức khỏe của ông nhưng không thể lấy đi trái tim khát khao cháy bỏng cống hiến, làm giàu cho mình, cho đời. 
Bùi Minh

Tags Thương binh làm giàu kinh tế giỏi

Các tin khác
Thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Thành chăm sóc vườn cây ăn quả.

Cựu chiến binh, thuwong binh nặng Nguyễn Văn Thành đã cùng vợ con biến diện tích 15 ha đồi núi bị khai thác cạn kiệt trở thành một trang trại tổng hợp "rừng, vườn, ao, chuồng” cho thu nhập bình quân từ 70 - 80 triệu đồng/năm.

Hệ thống trang trại nuôi lợn của gia đình ông Vũ Đức Duệ được đầu tư quy mô lớn và hiện đại.

Ông Vũ Đức Duệ, thôn Co Hả, xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ là chủ mô hình trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp quy mô lớn, hiện đại nhất nhì trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ với giá trị tiền tỉ.

Ông Phạm Thế Cầu mở rộng hệ thống rãnh thoát nước của diện tích trồng chanh tứ thời để nuôi ốc nhồi.

Ông Phạm Thế Cầu ở thôn Bình Sơn, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái tâm niệm như vậy với nghề của mình gắn bó lâu nay: nghề làm nông. Tự nhận là lão nông tri điền thật sự, ông Cầu có một cuộc sống sung túc nhờ chọn nghề nuôi ốc.

Người Mông thôn Mo Nhang - Km 21 được mùa ngô.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chị Sùng Thị Say - Bí thư Chi bộ thôn Mo Nhang - Km 21, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động đảng viên và nhân dân đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục