Ông Huyên dân vận khéo

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/9/2020 | 8:15:26 AM

YênBái - 15 năm qua, ông Phạm Quang Huyên - Bí thư Chi bộ thôn Bản Chanh, xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ không quản ngại nắng mưa để đến từng hộ vận động người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao; xây dựng thôn vững mạnh toàn diện.

Lãnh đạo Ban Dân vận Thị ủy Nghĩa Lộ thăm mô hình trồng bưởi Diễn của ông Đặng Văn Chung, thôn Bản Chanh, xã Phù Nham.
Lãnh đạo Ban Dân vận Thị ủy Nghĩa Lộ thăm mô hình trồng bưởi Diễn của ông Đặng Văn Chung, thôn Bản Chanh, xã Phù Nham.

Diện tích 3.000 m2 trồng bưởi Diễn của ông Đặng Văn Chung, thôn Bản Chanh, xã Phù Nham mang về thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm cùng với sự nỗ lực vươn lên của gia đình là thành quả có được từ sự kiên trì vận động của Bí thư Chi bộ thôn Phạm Quang Huyên và các đồng chí trong Ban Chi ủy đến tuyên truyền, hướng dẫn ông Chung chuyển đổi diện tích đất lúa, đất màu sang trồng bưởi Diễn từ hơn chục năm trước. 

Ông Chung phấn khởi: "Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn nhưng được bác Huyên và đảng viên trong Chi bộ đến tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi đất lúa, màu sang trồng bưởi và đến giờ tôi cảm thấy cuộc sống khá ổn định”.

Chị Lò Thị Diêu cùng thôn, với diện tích hơn 1.000 m2 rau các loại cũng cho thu nhập gần 250 triệu đồng/năm. Cách đây 5 năm, chị về làm dâu ở đây và loay hoay không biết phát triển cây, con gì để có thu nhập ổn định. Được sự động viên, chia sẻ kịp thời của Chi bộ, nhất là ông Huyên đã giúp đỡ theo phương thức "cầm tay chỉ việc” rất tận tình cách trồng, chăm sóc rau theo vụ, đến nay, kinh tế gia đình chị đã thuộc diện khá của thôn. Chị Diêu hồ hởi: "Nếu không có bác Huyên, các đảng viên trong Chi bộ thì không biết bao giờ tôi mới có cuộc sống như thế này. Tôi rất cảm ơn bác Huyên và mọi người”.

Xác định để thực hiện được "Dân vận khéo" thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể phải là những người đi trước tìm tòi những cây, con giống mới phù hợp với địa phương để phát triển kinh tế gia đình thì khi tuyên truyền, vận động dân mới tin. 

Bởi vậy, 15 năm qua, trên cương vị Bí thư Chi bộ, ông Huyên không chỉ quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch… của cấp trên về công tác vận động quần chúng nói chung, Phong trào thi đua "Dân vận khéo" nói riêng mà ông còn tích cực phát triển kinh tế gia đình. 

Theo đó, trên diện tích 0,5 ha đất của mình, ông trồng khoảng 50 cây cóc, 200 cây bưởi, cam, nhãn... mỗi năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Ông còn là người tiên phong thành lập nhóm hộ sản xuất giúp đỡ nhau kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Ông Phạm Quang Huyên bày tỏ: "Tôi luôn xác định để làm tốt cùng lúc nhiều nhiệm vụ thì trước tiên phải biết kết hợp hài hòa mọi công việc; phải nêu cao tinh thần đoàn kết, gần dân, sát dân, thường xuyên trực trao đổi với mọi người về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… để nâng cao đời sống mọi mặt và gắn kết giữa Đảng với nhân dân”.

Với những cách làm sáng tạo, gương mẫu đi đầu của một bí thư chi bộ, đến nay, thôn Bản Chanh có 6,5 ha đất màu chuyên canh cây ngô và 2,1 ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại rau thương phẩm; 6 ha đất màu trồng cây ăn quả lâu năm; 1,6 ha đất vườn tạp được cải tạo để trồng bưởi da xanh, bưởi Diễn; 1 ha đất tham gia dự án trồng chanh leo theo mô hình liên kết chuỗi giá trị. 

Cùng đó, ông Huyên và các đồng chí trong cấp ủy Chi bộ từng bước vận động gần chục hộ đầu tư các dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như: xay xát, sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp, vận tải, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, buôn bán nông sản… 

Trong đó, hộ ông Bùi Văn Học từ một hộ nghèo, sau khi được tuyên truyền, vận động và được giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền thôn, đặc biệt là cá nhân ông Huyên nên 10 năm trước ông đã đầu tư hơn 200 triệu đồng mở xưởng sửa chữa ô tô, máy nông cụ nông nghiệp, kinh doanh tạp hóa, phân bón và đến nay thu nhập đạt hơn 300 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí; đồng thời, giải quyết việc làm ổn định cho 4 đến 5 lao động với thu nhập 3 đến 5 triệu đồng/tháng.

Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, ông Huyên còn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng. Từ đó, các đảng viên đóng góp được nhiều ý kiến của mình vào việc chung của Chi bộ, của thôn; đồng thời, nắm bắt được hoàn cảnh từng nhà để giúp đỡ. 

Đến nay, thôn Bản Chanh chỉ còn 2 hộ nghèo; số hộ có mức sống khá, giàu chiếm hơn 55%; hơn 90% số hộ đạt gia đình văn hóa. Hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/ người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2015. 

Hơn 10 năm liên tục, Chi bộ thôn xếp loại trong sạch, vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Mới đây nhất, thôn được thị xã Nghĩa Lộ tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước và được đề nghị Ban Dân vận Trung ương tuyên dương, khen thưởng tập thể dân vận khéo tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2020. 

Thùy Hương - Xuân Thắng (Trung tâm TT&VH thị xã Nghĩa Lộ)

Các tin khác
Anh Lò Xuân Thịnh luôn tận tình giúp đỡ đồng nghiệp trong thực hiện chuyên môn nghiệp vụ.

Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Khoa Kinh tế lao động, chàng trai trẻ dân tộc Tày - Lò Xuân Thịnh quay trở về phục vụ quê hương Yên Bái và bén duyên với ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) ngay từ những ngày đầu thành lập.

Ngày 8/9, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên tiếp nhận một ca bệnh sốc mất máu nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Trung tâm đã khẩn trương tiến hành phẫu thuật cấp cứu và huy động cán bộ truyền máu cứu sống bệnh nhân.

Ông Bàn Văn Kim hướng dẫn người dân và thế hệ trẻ trong thôn học chữ viết của người Dao.

Đó là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn người Dao Bàn Văn Kim ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên 32 năm đảm trách hai nhiệm vụ này, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào thi đua, tiên phong hiến đất, góp sức, góp tiền xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn, vận động đồng bào dân tộc Dao đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Lợi làm giàu từ chăn nuôi bò 3B.

Bò 3B là giống bò lai của Bỉ, mới du nhập vào nước ta cách đây ít năm. Giống bò với nhiều ưu điểm này đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho ông Nguyễn Văn Lợi, thương binh ¾, ở tổ dân phố số 11, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, người đầu tiên đem giống bò 3B về nuôi tại huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục