Đưa chúng tôi thăm khu đồi trồng cam rộng hơn 1 ha, những cây cam lá xanh ngắt mới được cắt tỉa thông thoáng, gọn đẹp, chị Thoa chia sẻ: "Cam thu hoạch từ đầu tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Ngay sau khi thu hoạch là phải bắt tay ngay vào việc chăm sóc, tỉa cành. Phải lựa cắt bỏ hết những cành nhỏ, cành mọc sâu trong tán và những cành già yếu, bị sâu bệnh nhằm tạo tán giúp cho cây thông thoáng, nhận được ánh sáng và hấp thụ chất dinh dưỡng, từ đó cây cam phát triển tốt, bớt sâu bệnh hại thì vụ sau mới năng suất”.
Qua câu chuyện với chị Thoa được biết, trước đây do chồng bận làm công tác xã hội nên chị chủ yếu đầu tư chăn nuôi lợn, gà tại gia đình. Năm 2016 là một năm buồn với chị và gia đình khi giá lợn thương phẩm giảm sâu, hàng chục tấn lợn đã phải bán tống, bán tháo với giá bèo bọt chỉ 16.000 - 17.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Chị bảo, năm đó, gia đình chị thua lỗ khoảng 300 triệu đồng.
Nhưng rồi với ý chí, nghị lực, không cam chịu thất bại, sau khi tìm hiểu về một số loại cây, con giống và đặc biệt là từ năm 2016 khi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Cam Văn Chấn”, Đại Lịch là một trong 9 xã nằm trong vùng quy hoạch được sử dụng nhãn hiệu tập thể, chị Thoa đã quyết định chuyển một phần diện tích đất đồi sang trồng một số giống cam như: cam Đường canh, cam Vinh, cam sành…
Sau vài vụ, nhận thấy cây cam phát triển tốt, năng suất, chất lượng tăng dần theo từng năm, chị Thoa đã mở rộng diện tích trồng thêm hơn 450 gốc cam trên diện tích hơn 1 ha. Không dừng lại ở đó, với ước muốn tiếp tục mở rộng quy mô và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chị Thoa đã mạnh dạn vay thêm hơn 100 triệu đồng từ Quỹ Tín dụng nhân dân xã Chấn Thịnh - Đại Lịch về đầu tư trồng hơn 2 ha rừng, chủ yếu là cây keo lai lấy gỗ; đầu tư xây đắp đập ngăn khe suối, cải tạo một phần diện tích đất được cấp thành ao nuôi cá với diện tích mặt nước gần 2.000 m2 nuôi giống cá chim trắng, đồng thời trồng cỏ kết hợp nuôi bò...
Sự năng động dám nghĩ, dám làm và cần cù của chị đã được trả công xứng đáng khi ngay lứa cá chim trắng đầu tiên đã thu được hơn 7 tạ cá, bán giá trung bình 35.000 đồng/kg, thu về gần 30 triệu đồng. Vụ cam năm 2020, gia đình thu hoạch gần 6 tấn cam đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, dù thu nhập không được như dự tính, do giá cam giảm mạnh, tiêu thụ khó khăn. Song điều đó không khiến chị nản lòng, vẫn vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm thông qua các lớp tập huấn của huyện, xã và tham khảo mô hình VACR thành công ở các địa bàn khác… Đến nay, chị đã tạo dựng được mô hình VACR khép kín, trung bình mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.
Không chỉ năng động, làm kinh tế giỏi, chị Thoa còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương như làm Bí thư Chi bộ thôn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn… Nhiều năm liên tục, chị là một trong những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương, được tặng nhiều giấy khen, giấy chứng nhận của huyện, của xã.
Chị Hà Thị Kim Cương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Lịch cho biết: "Mô hình VACR của hộ chị Trần Thị Thoa ở thôn Kè chỉ là một trong số rất nhiều mô hình kinh tế tổng hợp làm ăn hiệu quả ở xã Đại Lịch này. Những năm gần đây phong trào trồng rừng, trồng cây ăn quả, trồng chè… trên địa bàn xã đã phát triển mạnh, dần hình thành nên những vùng trồng rừng nguyên liệu, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để bà con trong xã ngày càng có nhiều hơn nữa mô hình kinh tế như gia đình chị Thoa, góp phần cùng xóa đói giảm nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình".
Vũ Đồng