Cụ Phạm Kiểm - cựu cán bộ Công an Yên Bái, người trực tiếp tham gia Chuyên án KL46 ngày nào giờ đã bước sang tuổi 95. Thời gian cũng như những năm tháng gian truân trong những năm kháng chiến đã lấy đi ít nhiều sự tinh anh, cường tráng của người cán bộ Công an nhân dân này.
Không thể nói cụ còn minh mẫn trong mọi việc, nhưng trong chuyện tham gia bắt biệt kích Mỹ - Ngụy thì cụ đặc biệt say sưa.
Cụ Phạm Kiểm chậm rãi kể: Lịch sử Đảng bộ tỉnh và Công an Yên Bái đã ghi rõ về Chuyên án KL46 khi chúng ta bắt được toán biệt kích nhảy dù xuống khu vực giáp ranh giữa hai huyện Văn Bàn (Yên Bái) và Bảo Thắng (Lào Cai) vào ngày 7/6/1963.
Thành tích của quân và dân ta không chỉ là bắt gọn toán biệt kích, thu giữ nhiều vũ khí, quân trang, ngăn chặn được những tội ác theo kế hoạch chúng sẽ gây ra mà Chuyên án do Công an Yên Bái triển khai sau đó chẳng khác gì một màn kịch. Ta đã tương kế, tựu kế, tức là vận động, thuyết phục chúng truyền tin giả về trung tâm chỉ huy của chúng. Từ đó ta xây dựng các phương án tác chiến phòng tránh, đánh trả kẻ địch.
Cụ thể là ngày14/6/1963, ta cho tên truyền tin (hiệu thính viên) của nhóm biệt kích báo cáo về Trung tâm nhảy dù an toàn. Qua kiểm tra liên lạc, Trung tâm chỉ huy của địch vui mừng thúc đẩy toán biệt kích đi vào hoạt động theo kế hoạch đã định sẵn.
Từ 21/12/1963 đến 27/1/1964, ta thông báo cho Trung tâm chỉ huy của địch biết trong quá trình di chuyển, toán biệt kích đã bị chết 3 tên vì ốm đau bệnh tật, chỉ còn lại 4 tên. Ngày 15/7/1964, địch thả 6 kiện hàng tiếp tế cho bọn còn lại. Từ tháng 7/1964, sau khi liên lạc với Trung tâm chỉ huy của địch, toán biệt kích đã điện báo yêu cầu viện trợ hàng để cho bọn chúng hoạt động.
Đúng như dự kiến, ngày 14/1/1965, chúng thả 7 tên biệt kích cùng với 4 kiện hàng xuống Đại Sơn, Đồng Tâm, Đại Đồng. Nhiệm vụ của bọn này là liên lạc với toán trên tiến hành phá hoại 3 cầu trên tuyến đường sắt Yên Bái - Lào Cai. Do nắm và điều chỉnh được tình hình nên toán biệt kích vừa mới chạm đất đã bị ta bắt sống toàn bộ.
Để bảo đảm cho Chuyên án hiệu quả, Ban Chuyên án quyết định tạo tình huống phá cầu và bố trí đoàn chuyên gia Thụy Điển đi qua để thông qua đó bọn địch thấy có hiệu quả trong việc tiếp tế. Ngày 1/12/1965, địch hướng dẫn cho toán biệt kích phá 2 cầu ở bên Trái Hút và hứa sẽ tiếp viện cho 5 tên và 5 thùng hàng nữa.
Để tránh gây tổn thất cho ta, Ban Chuyên án quyết định điện cho Trung tâm chỉ huy của địch, trong chuyến di chuyển quân và toán biệt kích đã va chạm với lực lượng vũ trang của ta, bọn chúng bị chết 1 tên, bị thương 2 tên, số còn lại chạy toán loạn không liên lạc được với nhau.
Chính vì vậy, không thể phá được cầu mà chuyển sang phá đường sắt, phá dây thông tin, vì lực lượng còn ít nên yêu cầu Trung tâm hỗ trợ. Ngày 23/8/1965, Trung tâm chỉ huy của địch chỉ đạo chuyển toàn bộ số còn lại lên trên ga Trái Hút, lập đồn quan sát qua đường sắt và thuyền bè qua lại, chủ yếu là hàng quân sự do nước ngoài viện trợ đi qua đường sắt, tìm hiểu phi công Mỹ bị giam cầm trong khu vực và tìm ngoài bãi để trung tâm thả hàng và người.
Trước tình hình trên, ban đầu Chuyên án tạo tình huống không tìm được bãi thả và không tìm được phi công buộc trung tâm chỉ huy của địch phải chỉ đạo theo kế hoạch điều động của Ban Chuyên án. Ngày 25/10/1965, địch chỉ đạo cho toán biệt kích phải di chuyển lên phía Bắc để quan sát đường 13, đường 70 Yên Bái - Lào Cai và tàu bè qua sông.
Trước tình hình trên, Ban Chuyên án quyết định điện cho trung tâm chỉ huy của địch biết trong quá trình di chuyển, 2 tên bị chết vì ốm đau, bệnh tật yêu cầu trung tâm chỉ huy của địch chi viện. Ngày 11/1/1966, địch cho 2 phi cơ thả 32 ống hàng nhỏ viện trợ cho toán biệt kích.
Ngày 4/4/1966, địch thả tiếp 4 thùng hàng, trong đó có một máy truyền tin và yêu cầu toán biệt kích phải vượt sông Hồng lên Bắc Hà lập căn cứ ở đó. Ban Chuyên án đã tạo tin giả báo về trung tâm: 7 tên chết do vượt sông bị lộ, cho đến nay chỉ còn lại 5 tên. Liên tiếp trong các tháng tiếp theo, địch thả hàng viện trợ, song bị thất lạc do thả dù hàng ban đêm, địch chuyển sang thả dù hàng tiếp tế ban ngày và chỉ đạo toán biệt kích còn lại tìm căn cứ lập khu an toàn.
Ngày 22/2/1967, trung tâm chỉ huy của địch quyết định rút toán biệt kích đến địa điểm, tổ chức ám tín hiệu để bọn chúng đón bằng máy bay. Nắm được thông tin này, một lưới lửa phòng không bủa vây với sự tham gia của đông đảo các lực lượng dân quân, công an, bộ đội trên toàn tuyến địa bàn Kiên Thành (Trấn Yên).
Đúng 13 giờ ngày 23/12/1967, 2 máy bay trực thăng đã bay vào nhưng do bay thấp, ra-đa của ta không phát hiện được và bọn này không tìm được địa điểm ám hiệu của toán biệt kích nên quay ra. Trước tình hình đó, Trung tâm chỉ huy của địch điện báo cho toán biệt kích biết tọa độ để bọn chúng ở đó, máy bay sẽ đến đón. Địch liên tiếp kiểm tra ám hiệu liên lạc. Lúc này, trên toàn miền Bắc đã kết thúc một loạt chuyên án câu nhử biệt kích và giành được thắng lợi. Bộ Công an cũng chỉ đạo kết thúc chuyên án KL46 ở Yên Bái.
Bài học kinh nghiệm rút ra sau khi kết thúc thắng lợi chuyên án KL46 là rất nhiều, ví như: Pphải biết dựa vào quần chúng nhân dân, phải có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phải mưu trí, sáng tạo và đảm bảo an toàn, bí mật… Những kinh nghiệm ấy chính là bản chất của lực lượng công an nhân dân anh hùng cách mạng - cụ Phạm Kiểm tự hào khẳng định. Nhắc nhớ chiến công Chuyên án KL46 thêm tự hào truyền thống Công an Yên Bái.
Lê Phiên