Gương mẫu phát triển kinh tế thoát nghèo.
Về thôn Trung Tâm, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, chúng tôi được gặp ông Phùng Vinh Minh (69 tuổi, dân tộc Dao).Nhiều năm qua, ông được chính quyền và nhân dân ghi nhận là một điển hình trong phát triển kinh tế làm giàu, với việc đưa cây quế về trồng tại thôn Trung Tâm mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, mở hướng phát triển kinh tế cho đồng bào ở địa phương noi theo.
Theo lời ông Minh kể, những năm 1967, nhận thấy trồng quế có hiệu quả, ông đã mua 120 cây quế giống về trồng, rồi vận động người dân cùng tham gia. Tuy nhiên, thời điểm ấy, người dân nơi đây có thói quen sống du canh, du cư nên cuộc sống không ổn định, bà con sợ không được giá, bán không ai mua nên còn dè dặt. Đến những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, khi thấy gia đình ông thu hoạch quế cho thu nhập cao thì bà con mới trồng theo. Đầu tiên là một vài nhà trồng, sau đó cả bản tham gia trồng quế.
Sau vài năm khi cây quế đã cho thu hoạch (cành quế, vỏ cây quế) đời sống của bà con theo đó cũng ngày càng được cải thiện. Nhiều hộ làm được nhà mới khang trang, mua sắm được xe máy và những tiện nghi đắt tiền như ti vi, tủ lạnh…. Riêng diện tích quế của gia đình ông Minh đã mở rộng lên 7 héc-ta, với hàng ngàn cây.
Tại xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, ông Nguyễn Văn Huynh, sinh năm 1946, người có uy tín tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Đi qua vườn cây cảnh để vào căn nhà cấp 4 khang trang, chúng tôi thấy trên tường nhà treo rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành trao tặng.
Người có uy tín Nguyễn Văn Huynh, một điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương
Nhấp một ngụm trà, ông Huynh bộc bạch, trước kia, ông từng làm Bí thư Đảng ủy xã Châu Quế Thượng. Ông đã từng được phân công giúp đỡ 5 hộ gia đình phát triển kinh tế. Đến nay, đã có 4 hộ đã vươn lên có kinh tế khá giả, duy chỉ có 1 hộ do bệnh tật nên kinh tế vẫn còn khó khăn…
Sau khi nghỉ hưu, ông được bà con tín nhiệm bầu là Người có uy tín trong cộng đồng. Với kinh nghiệm trong quá trình công tác và đức tính chịu khó được rèn luyện từ những năm tháng tuổi trẻ, khi về hưu, ông vẫn hăng hái tham gia các hoạt động cộng đồng, tích cực tăng gia sản xuất để làm gương cho con cháu, và bà con noi theo. Hiện nay, gia đình tham gia trồng rừng, chăm sóc hơn 2ha quế, đầu tư chăn nuôi tổng hợp, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng
Trên địa bàn Yên Bái, hiện có hàng trăm người có uy tín tiêu biểu, tiên phong trong các phong trào hoạt động ở địa phương. Ngoài tích cực trong phát triển kinh tế cho gia đình, đội ngũ Người uy tín còn tích cực vận động bà con đổi mới cách làm ăn, xây dựng vườn đồi, làm kinh tế trang trại, không phá rừng làm rẫy, tham gia xóa nhà tạm…; vận động bà con tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình nông thôn mới; đóng góp ngày công lao động, tham gia làm đường giao thông, tu sửa kênh mương thủy lợi…
Điển hình như ông Hoàng Đình Thăng, xã Đại Phác (Văn Yên) đã vận động người dân trong xã hiến hàng nghìn m2 đất làm đường giao thông nông thôn; ông Cư A Phần, xã Nà Hẩu (Văn Yên) đã hiến hơn 4000m2 đất để giải phóng mặt bằng xây trường mầm non của xã…
Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, những Người có uy tín đã vận động Nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, cho thu nhập cao. Cụ thể như mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ba ba, trồng măng tre Bát Độ, sắn cao sản, trồng quế, trồng chè, trồng rừng...
Ông Trần Xuân Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái nhấn mạnh, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh, luôn khẳng định vai trò trách nhiệm đầu tàu, gương mẫu của mình tại cơ sở. Họ luôn được đồng bào tin tưởng, tôn trọng và lắng nghe ý kiến, do đó Người uy tín đã hỗ trợ chính quyền địa phương rất nhiều trong việc triển khai những chủ trương, chính sách, các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đến cơ sở...
(Theo Dân tộc và phát triển)