Người làm giàu từ VACR ở Khe Trang

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/9/2022 | 7:52:26 AM

YênBái - Ông Ngô Quốc Khánh, ở thôn Khe Trang, xã An Bình, huyện Văn Yên được nhiều người trong vùng biết đến là một nông dân năng động, sáng tạo phát triển kinh tế, làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp vườn, ao, chuồng, rừng (VACR).

Ông Ngô Quốc Khánh chia sẻ với lãnh đạo xã An Bình, huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi lợn nái để có con giống tốt.
Ông Ngô Quốc Khánh chia sẻ với lãnh đạo xã An Bình, huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi lợn nái để có con giống tốt.

Những năm trước đây, gia đình ông Ngô Quốc Khánh chủ yếu gắn bó với ruộng vườn, chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên hiệu quả kinh tế không cao, cuộc sống luôn gặp khó khăn. Từ khi địa phương triển khai chủ trương về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, sau khi nghiên cứu các điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và khả năng của gia đình, ông Khánh quyết định đầu tư vào mô hình kinh tế VACR theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài”. 

Ông Khánh chia sẻ: "Nhận thấy diện tích đồi rừng của gia đình bỏ hoang nhiều năm rất lãng phí, tôi tự nhủ, cần phải chọn mô hình kinh tế tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao. Khi đó, Nhà nước đang có chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tôi thấy đây là cơ hội tốt để phát triển mô hình VACR nên tôi càng quyết tâm, mong muốn biến đồi rừng của gia đình mang lại giá trị kinh tế cao”. 

Để thực hiện ước mơ, ông Khánh tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức và học hỏi kinh nghiệm qua sách, báo, đi thăm quan các mô hình VACR làm ăn hiệu quả ở nhiều địa phương. Thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông mạnh dạn tập trung vốn, quy hoạch, xây dựng kè đập ngăn khe làm ao nuôi cá, phát dọn đồi rừng trồng tre măng Bát độ, trồng quế và chè Bát tiên kết hợp với chăn nuôi lợn, gà, ngan, vịt... 

Sau nhiều năm miệt mài lao động, đến nay, mô hình VACR của gia đình ông Khánh đang có 5 ha tre măng Bát độ; 5 ha quế 7 năm tuổi cho thu hoạch tỉa hàng năm; 2 ha chè Bát tiên thu theo vụ; trên 7.500 m2 ao và nuôi các loại cá: trắm, trôi, mè, rô phi đơn tính. 

Để tăng thêm thu nhập, ông Khánh nuôi thêm đàn dê luôn ổn định khoảng 50 con; nuôi lợn thịt siêu nạc thương phẩm 30 con/lứa, nuôi 15 lợn nái để chủ động con giống tái đàn và bán con giống, nuôi các loại gia cầm như: gà, ngan, vịt luôn có từ 200 con trở lên. 

Từ mô hình phát triển kinh tế VACR, cuộc sống gia đình ông Khánh đã đổi thay, không những ổn định và có tích lũy mà còn, tạo được việc làm thời vụ cho từ 6 - 8 lao động tại địa phương với mức lương thỏa thuận trả theo ngày công. Kết quả từ mô hình VACR, gia đình ông Khánh có nguồn thu nhập trừ chi phí đạt từ 250 - 300 triệu đồng/năm. 

Từ diện tích đồi rừng không hiệu quả, ông Ngô Quốc Khánh ở thôn Khe Trang đã thực hiện thành công ước mơ làm giàu, gia đình ông đã có một cơ ngơi khang trang, mô hình VACR kết hợp đạt hiệu quả cao, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. 

Ông Khánh tâm sự: "VACR là mô hình tổng hợp khép kín nên cần tận dụng một cách hiệu quả và triệt để từ chất thải, thức ăn, khí đốt… Từ đó, sẽ giảm được tối đa chi phí cho mỗi sản phẩm. Bên cạnh đó, phải cần cù, chịu khó và có tính kiên trì để duy trì mô hình kinh tế phát triển ổn định”. 

Ngoài năng động làm kinh tế giỏi, ông Ngô Quốc Khánh còn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với người dân trong thôn, xã. Luôn gương mẫu đi đầu trong ủng hộ các phong trào của địa phương, đặc biệt thực hiện Phong trào "Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, nên ngoài việc tích cực đóng góp tiền, công lao động, gia đình ông Khánh còn gương mẫu hiến hơn 500 m2 đất vườn và một số cây cối, hoa màu để làm đường giao thông nông thôn. 

Với những nỗ lực đóng góp xây dựng quê hương, nhiều năm qua, ông Khánh liên tục đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, được chính quyền và hội nông dân các cấp biểu dương, khen thưởng.

Vũ Đồng

Tags Văn Yên phát triển kinh tế mô hình VACR nông thôn mới sản xuất kinh doanh

Các tin khác
Anh Nguyễn Văn Chi kiểm tra chất lượng nho trước khi thu hoạch.

Những chùm nho nhiều màu sắc, căng tròn, bóng loáng đã chuyển ngọt trên đồng đất An Thịnh, huyện Văn Yên với thành công của mô hình trồng 5 giống nho của anh Nguyễn Văn Chi ở thôn Cổng Trào.

Cách làm du lịch của vợ chồng chị Vàng Thị Lỳ đã thu hút một lượng khách du lịch khá lớn đến với Mù Cang Chải.

Người thành công thường có lối đi riêng. Và chỉ có những người dám dấn thân, dám thay đổi, dẫn đầu xu hướng thì mới tạo nên những đột phá. 4 năm trước, đó là câu chuyện "cơn sốt trà chanh" theo hình thức kinh doanh nhượng quyền thương hiệu đã từng khuấy đảo thị trường Yên Bái.

Bà Phạm Thị Mận (bên trái) cùng hội viên sử dụng phế liệu nhựa tái chế thành các chậu hoa xinh xắn, với kiểu dáng, màu sắc khác nhau.

"Bà mõ” là cái tên người dân tổ dân phố số 5, phường Đồng Tâm trìu mến gọi thường gọi đùa bà Mận. Bà là Phạm Thị Mận - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 5, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái. Và không phải ngẫu nhiên bà có cái biệt danh ấy....

Anh Phạm Văn Năm vệ sinh chuồng trại chăn nuôi lợn nái.

Từ ngày nuôi lợn nái, nhà anh Năm hầu như chưa bao giờ cung cấp đủ lợn con giống cho nhu cầu của người mua. Không cần bán đâu xa, chỉ ngay những người dân trong thôn, trong xã đã liên tục đặt mua lợn con của nhà anh quanh năm. Chất lượng lợn con đảm bảo cũng là một yếu tố giúp lợn con nhà anh bán ra được người nuôi đánh giá cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục