Lâm Thị Kim Thoa - Người gìn giữ “báu vật tinh hoa của đất trời”

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/1/2024 | 7:39:16 AM

YênBái - Gắn bó với mảnh đất vùng cao Suối Giàng hơn 30 năm, có tình yêu và niềm đam mê đặc biệt với cây chè Shan tuyết, chị Lâm Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng đã dành mọi tâm huyết để tìm lại chỗ đứng cho chè Shan tuyết Suối Giàng - “báu vật tinh hoa của đất trời”.

Chị Lâm Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Suối Giàng quảng bá, giới thiệu chè Suối Giàng đến với du khách.
Chị Lâm Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Suối Giàng quảng bá, giới thiệu chè Suối Giàng đến với du khách.


Tản mạn dưới những đồi chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nâng niu từng búp chè xanh mơn mởn, đôi mắt có chút tư lự, chị Thoa kể: "Chè Shan tuyết không chỉ là nguồn sống, có giá trị về kinh tế mà còn giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần, tâm linh của đồng bào người Mông Suối Giàng. Gắn bó với cây chè đã nhiều năm, tôi là người hiểu rõ hơn ai hết những thăng trầm của đời chè. Có những thời điểm, chè Shan tuyết Suối Giàng được bán với giá khá cao, "cung” không đủ "cầu”… Vậy nhưng, khi thâm nhập vào nền kinh tế thị trường, chè Shan tuyết Suối Giàng phải gánh chịu những tác động không thuận lợi, đặc biệt là sự lên xuống thất thường của giá cả, đầu ra thiếu ổn định, tập quán canh tác cũ có nhiều bất cập hoặc không đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa, năng lực hạn chế của một số công ty chế biến... Sự cộng dồn của các yếu tố trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, thương hiệu chè cũng như đời sống người dân nơi đây”. 

Trăn trở trước những khó khăn, thách thức mà cây chè và người trồng chè phải đối mặt, năm 2007, chị Thoa quyết định thành lập HTX Suối Giàng với quyết tâm lấy lại uy tín cho vùng chè Suối Giàng. Đây là HTX đầu tiên được thành lập ở xã Suối Giàng với thành viên chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và cũng đơn vị đầu tiên thu mua nguyên liệu chè búp tươi cho bà con để sản xuất ra các thành phẩm. 

Ra đời trong điều kiện thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu kinh nghiệm điều hành sản xuất, kinh doanh, nhưng chị Thoa và các thành viên trong Hội đồng Quản trị vẫn luôn động viên nhau cố gắng, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho chè Shan tuyết Suối Giàng. Để triển khai được tất cả những công việc này, chị Thoa đã có nhiều đêm không ngủ, có những ngày chỉ kịp ăn một bữa và mái tóc có thêm nhiều sợi bạc…

Ý thức được vai trò, trách nhiệm không nhỏ là phải "làm sống lại một danh trà”, chị Thoa đã chủ động tìm kiếm doanh nghiệp để liên kết phát triển sản xuất; tích cực tham gia các chương trình, hội chợ triển lãm, quảng bá chè Shan tuyết; đồng thời, dành nhiều thời gian để động viên, chia sẻ với những người trồng chè. Tuy không sinh ra và lớn lên ở Suối Giàng nhưng với khả năng nói tiếng Mông thành thạo, am hiểu từng phong tục, tập quán của người Mông và hiểu rất rõ về cây chè đã giúp chị Thoa vận động thành công người Mông không phá chè trồng ngô mà còn nâng cao ý thức bảo tồn những cây chè cổ thụ; mở rộng diện tích chè Shan tuyết hiện có, phục hồi những diện tích chè bị thoái hóa và cải tiến quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến chè Shan tuyết. 

Để tạo ra những sản phẩm chè Shan tuyết thơm ngon, độc đáo, cùng với duy trì, bảo tồn nguồn nguyên liệu - yếu tố quan trọng, then chốt hàng đầu, chị Thoa còn chủ động đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến chè; mời những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong ngành chè tới hướng dẫn, đào tạo công nhân của HTX theo hướng "cầm tay chỉ việc” và đưa công nhân đi tham quan học tập kinh nghiệm một số nhà máy sản xuất chè có uy tín. 


Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng khu vực sản xuất chè của HTX đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chị Thoa cho biết thêm: "Những ngày đầu mới thành lập HTX, công suất chỉ đạt khoảng đạt 500 kg chè búp tươi/ngày nhưng nay nâng lên trên 3.000 kg chè búp tươi/ngày. Cùng đó, giá trị của chè Shan tuyết Suối Giàng cũng ngày càng ổn định và nâng cao, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân”. 

Là người hiểu rõ hơn ai hết giá trị của chè Shan tuyết Suối Giàng - loại chè hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và có vị thơm ngon đặc biệt nên ngoài việc sản xuất sản phẩm trà xanh truyền thống, để nâng tầm sản phẩm, chị Thoa đã nghiên cứu đưa ra thị trường 4 dòng sản phẩm trà có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn châu Âu, mang tên "Tuyết sơn trà” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận thương hiệu năm 2013, gồm: Diệp trà (trà xanh), Hồng trà (trà đen), Bạch trà (trà trắng) và Hoàng trà (trà vàng). 

Những sản phẩm này có giá trị từ 400.000 đồng/kg - 10.000.000 đồng/kg. Năm 2019, sản phẩm "Tuyết sơn trà” của HTX Suối Giàng được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào và là động lực để chị Thoa cống hiến hết mình cho ngành chè Yên Bái. Tháng 5/2022, sản phẩm của HTX Suối Giàng đã chính thức ký hợp đồng dài hạn với công ty Nhật Bản - một trong những thị trường khó tính hàng đầu thế giới và tham gia ở nhiều thị trường trong và ngoài nước như: Anh, Đài Loan, Hà Lan… 


Lô hàng của Hợp tác xã Suối Giàng xuất khẩu sang nước Anh. 

Những năm gần đây, nhận thấy thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế, nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu và lợi nhuận cho HTX, thay vì chỉ bán hàng theo phương thức truyền thống, chị Thoa đã linh hoạt sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của HTX; tích cực tham gia các chương trình kết nối cung, cầu bằng hình thức trực tuyến do Sở Công Thương, Liên minh HTX tỉnh tổ chức… 

Bản thân là Giám đốc song chị không ngại trực tiếp livestream bán hàng, nhận đơn, chốt đơn, trao đổi, chia sẻ với các khách hàng một cách thân thiện, cởi mở. Đặc biệt, để góp phần tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch ngày càng đến với Suối Giàng đông hơn, chị Thoa còn xây dựng khu quảng bá, giới thiệu sản phẩm trà và các sản phẩm OCOP "Bản Giàng Chân Mây” tại thôn Cang Kỷ, xã Suối Giàng. 

Đồng thời, triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc thông minh cho sản phẩm chè Shan tuyết đến tận gốc cây chè cổ thụ. Bước đầu, thí điểm gắn nhãn truy xuất nguồn gốc cho 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng và triển khai bộ tem dán trên sản phẩm chè khô đóng gói, chia theo 4 nhóm tuổi gồm: 500 tuổi trở lên, trên 400 tuổi, trên 200 tuổi và từ 100 tuổi trở lên. Việc triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc thông minh, gắn mã QR trên từng sản phẩm đã đáp ứng yêu cầu minh bạch thông tin về sản phẩm khi đưa ra thị trường trong nước và đáp ứng yêu cầu khắt khe khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. 

Cùng đó, giúp du khách đến với vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng có thêm trải nghiệm thú vị khi qua việc quét mã QR để xem được các thông tin, câu chuyện kể về cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi; giúp người trồng chè có ý thức hơn trong việc bảo tồn, giữ gìn cây chè quý. Hiện tại, xã Suối Giàng có khoảng trên 400 ha chè Shan tuyết cổ thụ, trong đó có 40.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ độ tuổi từ 100 năm trở lên, được xếp trong top 6 giống chè thủy tổ của thế giới. Trung bình mỗi năm, người Mông nơi đây thu hái được khoảng trên 500 tấn chè búp tươi, giá trị hơn 10 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Đối với HTX Suối Giàng, doanh thu năm 2021 đạt trên 3 tỷ đồng; năm 2022 đạt trên 3,5 tỷ đồng và năm 2023 dự kiến hơn 4 tỷ đồng.

Từ những nỗ lực và đóng góp không nhỏ cho mảnh đất vùng cao Suối Giàng, chị Thoa đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ ở Suối Giàng và ở các địa phương trong tỉnh tự tin hơn trên đường khởi sự kinh doanh, làm giàu trên chính mạnh đất quê hương, đồng thời nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy những nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. 

Ghi nhận những đóng góp, cống hiến của nữ giám đốc bản lĩnh, trí tuệ và nhiệt huyết, năm 2016 và 2019, chị Lâm Thị Kim Thoa đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; Bằng khen của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 2018. Năm 2022, chị Thoa  là 1 trong 10 "Công dân tiêu biểu tỉnh Yên Bái" và mới đây, chị được tôn vinh là 1 trong 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”. 

Hồng Oanh

Tags Lâm Thị Kim Thoa gìn giữ báu vật tinh hoa chè Suối Giàng Shan tuyết

Các tin khác
Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời “mưa bom, bão đạn” vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục