Xã Bình Thuận có anh Thuận năng động thoát nghèo

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/7/2024 | 1:54:06 PM

YênBái - Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm để vươn lên thoát nghèo và làm giàu, anh Phạm Văn Thuận ở thôn Chiềng, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm.

Anh Phạm Văn Thuận kiểm tra lợn giống chuẩn bị xuất bán.
Anh Phạm Văn Thuận kiểm tra lợn giống chuẩn bị xuất bán.


Sinh ra trong gia đình đông anh em nên chỉ học hết THPT, anh Thuận phải gác lại ước mơ học lên cao hơn để ở nhà phụ giúp gia đình nuôi các em. Năm 2006, anh lập gia đình và ra ở riêng, vốn liếng cha mẹ cho là 1 ha đồi rừng và căn nhà tạm. Để ổn định cuộc sống, 2 vợ chồng anh cùng nhau khai khẩn diện tích đất rừng để canh tác và trồng ngô, sắn để lấy lương thực. Anh làm nhiều việc khác nhau để trang trải cuộc sống và mua cây, con giống về phát triển kinh tế gia đình. 

Anh Thuận cho biết: "Thời điểm ra ở riêng vô cùng khó khăn, tiền dành dụm không có nên 2 vợ chồng tôi chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng. Xác định trước tiên phải có lương thực thì mới phát triển được chăn nuôi, 2 vợ chồng tôi cứ làm dần, có đến đâu làm đến đấy”. 

Sau vài năm tích góp, có chút vốn liếng, anh mua thêm hơn 1 ha đồi rừng để trồng cây lâm nghiệp và bắt tay vào chăn nuôi, lúc đầu cũng chỉ là chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Đến năm 2016, gom nhặt hết vốn liếng, anh tập trung làm chuồng trại anh mua 50 con lợn giống về nuôi, đến năm 2017, anh mạnh dạn nuôi 100 con lợn thịt mỗi lứa. 

Tuy nhiên, đến năm 2018, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đàn lợn 100 con bị mắc bệnh và phải tiêu hủy. Tất cả vốn liếng dồn vào đàn lợn mất trắng, không có tiền để tái đầu tư, anh lại tập trung vào chăm sóc 4.000 m2 diện tích chè và đồi rừng, kết hợp với chăn nuôi gia cầm để ổn định cuộc sống. 

Anh Thuận chia sẻ: "Dịch bệnh làm mất trắng thiệt hại cả trăm triệu đồng nhưng cuộc sống hàng ngày vẫn phải diễn ra. Lúc đó, tôi cũng nghĩ sẽ không chăn nuôi mà tập trung sang trồng rừng. Tuy nhiên, trồng rừng cũng phải có chu kỳ mới khai thác được, trong khi chuồng trại tôi đã đầu tư vào đó hơn 200 triệu đồng lại bỏ không. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tôi lại tiếp tục tái đầu tư”. 

Nghĩ là làm, đầu năm 2022, anh đăng ký với xã thực hiện mô hình nuôi 15 con lợn nái. Anh được hỗ trợ 40 triệu đồng theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh. Rút kinh nghiệm, hệ thống chuồng trại được anh bố trí xa khu ở và khu dân cư. Đặc biệt, việc chăm sóc đàn lợn do  anh đảm nhận để phòng lây nhiễm khuẩn và bệnh cho đàn lợn. 

Cùng với đó, anh tham gia lớp tập huấn ngắn hạn về thú y; đồng thời, tìm hiểu kỹ thuật trên mạng, nhất là kỹ thuật nuôi lợn nái. Lúc đầu, gia đình anh chủ yếu là bán con giống phục vụ nhu cầu chăn nuôi cho các hộ dân trong thôn, trong xã. 

Đến năm 2022, lượng con giống của gia đình nhiều, anh đã vay thêm 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và bán đồi keo để lấy tiền xây dựng và hoàn thiện hệ thống chăn nuôi lợn thịt. 

Bình quân, mỗi năm, anh bán 2 lứa lợn giống khoảng 400 con, 2 lứa lợn thịt hơn 8 tấn lợn hơi. Trừ chi phí, mỗi năm, anh thu lãi hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra, hơn 2 ha đồi rừng anh tập trung trồng quế, kết hợp nuôi gia cầm, trồng chè kinh doanh. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh khá giả nhất nhì thôn. 

Bằng nghị lực và ý chí vươn lên thoát nghèo, anh Thuận đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Những giấy khen của huyện, của xã được anh treo trang trọng trong phòng khách ngôi nhà xây khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng vừa mới hoàn thành. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Thuận còn giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn trong thôn, trong xã về cây, con giống. 

Từ mô hình phát triển kinh tế của anh, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các thôn bản tiếp tục nhân rộng phong trào phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. 

Thanh Tân

Tags Bình Thuận Văn Chấn năng động thoát nghèo chăn nuôi trồng rừng

Các tin khác
Mô hình chăn nuôi lợn thịt của chị Nguyễn Thị Hoa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm.

Chị Nguyễn Thị Hoa - hội viên Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố Đồng Phú, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái được biết đến là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, luôn nhiệt tình trong mọi công việc, đồng thời là một điển hình trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Ông Nguyễn Trọng An chăm sóc đồi quế.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, trở về quê nhà sau chiến tranh, ông Nguyễn Trọng An, thương binh 4/4 ở thôn Cao 2, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn đã vượt lên nỗi đau thương tật, tích cực phát triển kinh tế xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Một giờ dạy của thầy Lại Thế Anh.

Đó là thầy giáo Lại Thế Anh - giáo viên Toán, Khoa học tự nhiên (KHTN) của Trường THCS thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên. Điều đáng ghi nhận ở thầy chính là việc thúc đẩy giáo dục STEM trong trường học, truyền cảm hứng sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) cho học sinh trong những ứng dụng thực tiễn rút ra ngay từ bài học.

Bà Lương Thị Hạnh chia sẻ với lãnh đạo Hội Nông dân huyện và thị trấn Yên Bình về kinh nghiệm trồng cây ăn quả có múi.

Bà Lương Thị Hạnh - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ 9, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình không chỉ nhiệt tình, gương mẫu trong công tác Hội mà còn là “đầu tàu” trong phát triển kinh tế địa phương, cùng hội viên xây dựng Chi hội vững mạnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục