Là người dân tộc Mông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Trạm Tấu giữa muôn vàn khó khăn, bác sĩ Chuyên khoa I Thào Thị Nu đã quyết tâm theo đuổi con đường học tập, hoàn thành ước mơ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Chặng đường từ một cô bé trong bản nghèo đến nữ bác sĩ Chuyên khoa I người Mông đầu tiên của huyện Trạm Tấu không chỉ là hành trình cá nhân mà còn là hình ảnh, hành trình đại diện cho thế hệ thanh niên dân tộc thiểu số với khát vọng vươn lên, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Đến Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu một sáng đầu tuần, vừa đúng lúc bác sĩ Thào Thị Nu đi thăm, khám cho bệnh nhân tại Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhẹ nhàng, thân thiện cùng nụ cười luôn thường trực trên môi, bác sĩ Nu đem đến cho bệnh nhân cảm giác gần gũi, ấm áp, tin tưởng.
Bác sĩ Nu sinh năm 1990 tại xã Trạm Tấu, nơi có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc học xong phổ thông đã là cả một nỗ lực lớn lao, học đại học thật sự là một điều xa vời.
Bác sĩ Nu tâm sự: "Sống một cuộc sống đâu đâu cũng chỉ có đồi, có núi, thiếu thốn, đói nghèo, việc chăm sóc sức khỏe chưa được quan tâm, coi trọng nên tôi mong ước được bước chân ra thế giới bên ngoài, học tập cái hay, cái mới đem về cho quê hương, đồng bào mình. Từ lý do đó, ngay khi còn đi học, bản thân tôi đã ấp ủ ước mơ được khoác lên mình chiếc áo blue trắng để có thể chăm sóc sức khỏe cho gia đình, cộng đồng... Cái đói, cái nghèo là động lực to lớn nhất giúp tôi vượt lên chăm chỉ học tập”.
Năm 2008, cô gái dân tộc Mông hoàn thành chương trình cấp 3, trúng tuyển hệ đại học Trường Đại học Y Thái Nguyên. Xác định ngành học rất khó nên cô thường xuyên tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng, cái gì không hiểu phải hỏi thầy cô, bạn bè ngay.
Bác sĩ Nu kể: "Những năm ngồi trên ghế giảng đường đại học đã có những lúc việc học tập của tôi phải tạm gác lại do lập gia đình rồi sinh em bé. Hàng xóm có những lời bàn tán, bảo tôi thôi không đi học nữa. Rất may mắn, tôi được gia đình chồng ủng hộ, mẹ chồng đã đồng hành ở bên chăm con, giúp tôi có thể tiếp tục đi học”.
8 năm miệt mài học tập, cô gái Mông nhỏ bé ngày nào đã trở thành nữ bác sĩ trẻ mang theo kiến thức, hoài bão lớn về việc nâng cao sức khỏe cho nhân dân trở lại quê hương. Nhớ lại ngày mới về Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu công tác, bác sĩ Nu bùi ngùi: "Tôi cảm thấy hạnh phúc vì cuối cùng đã chạm tay đến ước mơ bấy lâu. Nhiều khi ngắm nhìn chiếc áo blue trắng, tôi cứ vuốt ve mãi để biết rằng đây là sự thật chứ không phải mơ. Chiếc áo cũng như một lời nhắc nhở tôi rằng mình đang mang trên mình một trách nhiệm lớn lao với cộng đồng”.
Quá trình công tác, bác sĩ Nu nhận thấy đồng bào dân tộc thiểu số thiệt thòi về việc chăm sóc sức khỏe và phụ nữ dân tộc thiểu số còn thiệt thòi hơn. Chính vì thế, sau đó bác sĩ Nu đã học Chuyên khoa I ngành Sản - Phụ khoa, Đại học Y Hà Nội và trở thành nữ bác sĩ Chuyên khoa I dân tộc Mông đầu tiên của huyện Trạm Tấu.
Chị Mùa Thị May ở xã Bản Công chia sẻ: "Được nữ bác sĩ dân tộc Mông khám, tư vấn nhẹ nhàng, phụ nữ Mông chúng tôi thấy thoải mái, tự tin hơn. Nhiều từ nói tiếng phổ thông chúng tôi không hiểu, bác sĩ sẽ giải thích bằng tiếng Mông. Mỗi khi đến khám, chữa bệnh đều được bác sĩ tiếp đón niềm nở, chăm sóc chu đáo, chúng tôi yên tâm lắm. Bác sĩ Nu luôn coi người bệnh như người thân của mình, gần gũi, quan tâm”.
Chuyên môn vững, tay nghề cao, có tinh thần trách nhiệm với công việc, bác sĩ Chuyên khoa I Thào Thị Nu đã và đang trở thành "cầu nối” giúp thu hẹp dần khoảng cách về chăm sóc sức khỏe giữa miền núi và miền xuôi.
Bác sĩ Chuyên khoa I Đinh Thị Minh Luyện - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu nhận xét: "Những năm qua, bác sĩ Nu luôn phấn đấu, học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, bản lĩnh chính trị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Bác sĩ Nu đã tích cực góp phần làm giảm tỷ lệ phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, giảm chi phí cho người dân khi điều trị, đặc biệt là có được niềm tin của đồng bào địa phương”.
Thiếu thông tin, hiểu biết về sức khỏe sinh sản là một vấn đề lớn. Nhiều phụ nữ chưa có được hiểu biết đầy đủ, dẫn đến nhận thức hạn chế về các bệnh, biện pháp phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa, những định kiến xã hội như coi trọng việc sinh con mà không chú ý đến sức khỏe bản thân càng làm cho tình trạng này trở nên nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em và gia đình.
|
Lê Thương